Phác đồ vaccine khi không rõ lịch sử tiêm chủng, phản ứng sau tiêm cùng 5 câu hỏi khác về chủng ngừa sởi trong dịch bệnh, được giải đáp dưới đây.
– Phác đồ tiêm ra sao khi không rõ lịch sử tiêm chủng?
Thông thường, để biết trẻ tiêm đủ mũi sởi hay chưa, phụ huynh có thể chủ động kiểm tra sổ hoặc phiếu tiêm chủng. Nếu đã đánh mất các giấy tờ này, gia đình nên liên hệ trạm y tế hoặc trung tâm tiêm chủng để được tra cứu thông tin về lịch sử tiêm phòng của con. Trường hợp không có thông tin tiêm chủng, trẻ sẽ được tiêm lại từ đầu với phác đồ ít nhất hai mũi.
– Tiêm thừa mũi vaccine có ảnh hưởng sức khỏe không?
Việc bổ sung thêm mũi vaccine không gây quá tải hệ miễn dịch hoặc ảnh hưởng sức khỏe của trẻ. Trong tình hình dịch sởi, ưu tiên hàng đầu là trẻ được chủng ngừa, tránh mắc và gặp biến chứng nguy hiểm do sởi, đồng thời tăng độ bao phủ tiêm chủng trong cộng đồng để sớm kiểm soát dịch bệnh.
– Vaccine sởi tiêm cùng loại khác được không?
Trong cùng một buổi tiêm, trẻ có thể tiêm vaccine sởi đồng thời với các loại khác như cúm, thủy đậu, phế cầu… Vị trí tiêm ở các chi khác nhau của cơ thể. Việc tiêm đồng thời các vaccine cho đáp ứng miễn dịch và phản ứng phụ tương đương khi tiêm riêng lẻ. Từ đó, gia đình tiết kiệm thời gian di chuyển đến trung tâm tiêm chủng, giảm số lần chăm sóc sau tiêm.
Bác sĩ sẽ khám sàng lọc sức khỏe của em bé để quyết định mũi tiêm phù hợp. Tuy nhiên, nếu tiêm khác ngày, vaccine sởi cần tiêm cách các vaccine sống giảm độc lực như thủy đậu một tháng, tối thiểu 28 ngày.
– Có phác đồ tiêm nhanh trong dịch sởi không?
Thông thường, ở chương trình Tiêm chủng mở rộng (TCMR), trẻ sẽ tiêm một mũi sởi đơn lúc 9 tháng tuổi, sau đó nhắc mũi sởi – rubella lúc 18 tháng tuổi. Nếu tiêm dịch vụ, tùy theo lịch sử và độ tuổi tiêm chủng, trẻ sẽ được chỉ định tiêm hai hoặc ba mũi vaccine có thành phần phòng sởi, các mũi cách nhau ba tháng hoặc ba năm.
Khi có dịch bệnh, trẻ từ 12 tháng tuổi có thể tiêm các mũi vaccine phòng sởi cách nhau tối thiểu một tháng. Bên cạnh đó, thông tin kê toa của nhà sản xuất vaccine sởi đơn (MVVac) và sởi – quai bị – rubella (MMR II) cũng cho phép tiêm ngừa hai loại này cho em bé từ 6 tháng tuổi, giúp trẻ phòng bệnh sớm.
– Phản ứng sau tiêm ra sao, chăm sóc thế nào?
Theo Cục Y tế Dự phòng, các phản ứng thường gặp sau tiêm ngừa sởi gồm sốt, sưng, nóng, đỏ, đau tại chỗ tiêm… Trong đó sốt chiếm tỷ lệ 5-15%, phát ban chiếm 5%.
Các phản ứng sau tiêm thường nhẹ và có thể tự khỏi sau 1-2 ngày mà không cần điều trị. Phụ huynh có thể chườm mát tại chỗ tiêm và cho trẻ uống thuốc hạ sốt theo hướng dẫn của bác sĩ.
– Nếu tiêm một mũi ở chiến dịch tiêm chủng của TP HCM, tiêm tiếp mũi 2 dịch vụ được không?
Trường hợp một, nếu trẻ đã tiêm mũi 1 trước đó, tiêm trong chiến dịch được xem là mũi 2. Như vậy trẻ đã hoàn thành hai mũi vaccine sởi, chỉ thiếu vaccine ngừa quai bị và rubella. Sau khi hoàn thành mũi hai trong chiến dịch, phụ huynh vẫn có thể đưa trẻ đến các trung tâm tiêm chủng dịch vụ để được tư vấn vaccine có thành phần ngừa hai bệnh trên.
Trường hợp hai, nếu trẻ tiêm mũi đầu tiên trong chiến dịch, có thể bổ sung mũi 2 ở tiêm chủng dịch vụ. Hiện loại vaccine dùng ở chiến dịch tiêm chủng là vaccine ngừa sởi – rubella (MRVac). Tại tiêm chủng dịch vụ, trẻ sẽ bổ sung mũi ngừa sởi – quai bị – rubella, cách mũi sởi – rubella trong chiến dịch tối thiểu một tháng với trẻ từ 1 tuổi.
– Nên tiêm sởi dịch vụ hay tiêm chủng mở rộng?
Vaccine sởi đã phổ biến trong chương trình TCMR và tiêm chủng dịch vụ. Phụ huynh có thể lựa chọn nơi tiêm chủng cho con phù hợp với mong muốn và điều kiện kinh tế của từng gia đình.
Chương trình TCMR hiện có loại vaccine sởi đơn và phối hợp phòng hai bệnh sởi – rubella còn tiêm chủng dịch vụ có hai loại gồm vaccine sởi đơn và phối hợp phòng ba bệnh sởi – quai bị – rubella.
Bác sĩ Thuyết lưu ý dù phụ huynh lựa chọn tiêm chủng ở đâu, cũng cần tuân thủ tiêm đủ liều, đúng lịch. Hai mũi vaccine sởi có giá trị bảo vệ lên đến 98% giúp trẻ phòng bệnh hiệu quả.
Nguồn : vnexpress.vn