Chăm sóc sức khỏe

Bệnh đái tháo đường có chữa khỏi không? Cách nào kiểm soát hiệu quả?

Ở người bệnh đái tháo đường, các tế bào đảo tụy suy giảm chức năng dẫn đến giảm tiết insulin hoặc lượng hormone này không được sử dụng hiệu quả. Trong đó insulin tham gia vào quá trình chuyển hóa glucose, vận chuyển đường vào trong tế bào sinh năng lượng.

Kết quả của sự thiếu hụt insulin là lượng đường trong máu tăng cao. Chức năng tuyến tụy sẽ suy giảm theo thời gian, đến một lúc nào đó người bệnh tiểu đường (đái tháo đường) dùng thuốc mà không thể đáp ứng mà phải tiêm insulin. Đây là bằng chứng cho thấy bệnh đái tháo đường vẫn chưa thể khỏi.

Ước tính cứ 11 người trưởng thành thì có 1 người mắc bệnh đái tháo đường

Bệnh đái tháo đường là một bệnh rối loạn chuyển hóa mạn tính rất phổ biến. Khi mắc bệnh đái tháo đường, cơ thể bạn mất đi khả năng sử dụng hoặc sản xuất ra hormone insulin một cách thích hợp.

Mắc bệnh đái tháo đường có nghĩa là bạn có lượng đường trong máu quá cao do nhiều nguyên nhân. Tình trạng này có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng cho cơ thể, bao gồm cả mắt, thận, thần kinh và tim.

Bệnh đái tháo đường có chữa khỏi và cách kiểm soát hiệu quả? - Ảnh 1.

Đái tháo đường là một bệnh rối loạn chuyển hóa mạn tính rất phổ biến.

Bệnh đái tháo đường đang gia tăng nhanh chóng trên toàn thế giới, đặc biệt đối với các nước đang phát triển. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tỷ lệ đái tháo đường trên toàn thế giới tăng 54% trong vòng 20 năm (2010 – 2030). Đến năm 2015 toàn thế giới có 415 triệu người trưởng thành bị đái tháo đường và dự đoán sẽ tăng lên 642 triệu người vào năm 2040.

Hiện nay, ước tính cứ 11 người trưởng thành thì có một người mắc bệnh đái tháo đường và năm 2040 thì 10 người trưởng thành sẽ có 1 người mắc căn bệnh này.

Đáng nói, đây là một trong những bệnh diễn biến khá âm thầm, không triệu chứng nên trong giai đoạn đầu người bệnh thường không biết hoặc biết nhưng không hề quan tâm đúng mức. Vì vậy, hậu quả mà nó để lại thường rất nặng nề.

Theo khuyến cáo của Tổ chức y tế thế giới (WHO), bệnh đái tháo đường là “kẻ giết người” thầm lặng, gây ra những biến chứng nặng nề như: mù lòa, cắt cụt chi, suy thận, tai biến mạch máu não, bệnh lý mạch vành… Bệnh đái tháo đường đã trở thành gánh nặng bệnh tật không chỉ đối với người bệnh, gia đình mà còn đối với toàn xã hội, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế xã hội của mỗi quốc gia.

Bệnh đái tháo đường có chữa khỏi và cách kiểm soát hiệu quả? - Ảnh 2.

Người bệnh đái tháo đường nên ăn nhiều rau xanh, các loại quả hạch, ngũ cốc nguyên hạt…

Số ca tử vong toàn cầu của bệnh đái tháo đường năm 2015 là 5 triệu người, trong khi đó số ca tử vong do HIV/AIDS là 1,5 triệu người, tử vong do bệnh lao là 1,5 triệu người và tử vong do sốt rét là 600.000 người. Như vậy, số ca tử vong do đái tháo đường cao hơn rất nhiều so với các bệnh truyền nhiễm từ trước đến nay vẫn được coi là nguy hiểm.

Đái tháo đường chưa thể chữa khỏi hoàn toàn

Cho đến thời điểm hiện nay, vẫn chưa có nghiên cứu khoa học nào tìm ra phương pháp chữa khỏi hoàn toàn bệnh đái tháo đường như các cơ sở khám chữa bệnh đang quảng cáo.

Ở giai đoạn đầu bệnh còn nhẹ, sử dụng một số loại thuốc đông y có thể giúp giảm đường huyết. Khi người bệnh đến khám ở các phòng mạch và cơ sở khám chữa bệnh thì thấy đường huyết ở ngưỡng bình thường và nghĩ rằng đã điều trị bệnh khỏi hẳn. Tuy nhiên, điều này hoàn toàn không đúng.

Người bệnh có lượng đường trong máu bình thường là do sử dụng thuốc – không phải vì bệnh đái tháo đường đã biến mất. Khi đó, họ cần tiếp tục sử dụng thuốc kết hợp với luyện tập và ăn uống hợp lý, nếu không glucose máu sẽ tăng trở lại.

Cách kiểm soát bệnh đái tháo đường hiệu quả

– Sử dụng thuốc hạ đường huyết thường xuyên: Nếu bạn đã được kê toa thuốc hạ đường huyết, bạn nên dùng thuốc theo đúng chỉ định và tái khám định kỳ để được điều chỉnh liều lượng nếu cần.

– Kiểm soát chế độ ăn: Bạn ăn gì, uống gì cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới nồng độ đường máu. Do đó, chế độ ăn nên hạn chế thực phẩm nhiều đường, tinh bột, bánh kẹo ngọt, nước uống có gas… nên ăn nhiều rau xanh, các loại quả hạch, ngũ cốc nguyên hạt…

– Tập thể dục thường xuyên: Ngồi nhiều, ít vận động làm tăng kháng insulin, khiến đường máu sẽ khó ổn định. Do đó, bạn nên cố gắng luyện tập hàng ngày như đi bộ, chạy bộ, đạp xe, chơi cầu lông, bơi lội… để làm giảm đường huyết.

Để phòng tránh mắc bệnh đái tháo đường, cần tuân thủ lối sống lành mạnh, dinh dưỡng hợp lý và rèn luyện thể lực đều đặn. Bên cạnh đó, việc đi khám sức khỏe thường xuyên và xét nghiệm đường huyết định kỳ để phát hiện sớm bệnh, từ đó can thiệp kịp thời nhằm ngăn chặn sự tiến triển thành bệnh là hết sức cần thiết.