Đầu năm, thời tiết giao mùa là yếu tố khiến bệnh thuỷ đậu bùng phát, số ca mắc bệnh có xu hướng tăng nhanh.
Bác sĩ chuyên khoa I Bùi Văn Quý, Trưởng khoa Nội , PKĐK Bình An, cho biết các ca bệnh thuỷ đậu sẽ tập trung vào những tháng đầu năm. Theo thống kê trong năm 2023, PKĐK Bình An tiếp nhận hơn 500 ca đến khám và điều trị có những ca chuyển nặng phải chuyển viện lên tuyến trên nhập viện.
Trong những ca chuyển nặng, nhiều bệnh nhân bị biến chứng nặng như: viêm phổi phải thở máy, viêm mô tế bào, nhiễm trùng huyết, thậm chí nguy kịch.
Bệnh thuỷ đậu hay trái rạ, do virus varicella gây ra. Bệnh này rất dễ lây từ người sang người, thông qua virus từ dịch tiết hoặc bóng nước bị vỡ. Do đó, thủy đậu dễ lây lan ở nơi đông người, những người cùng gia đình, cơ quan, trường học…
Người bị bệnh thủy đậu có những triệu chứng của nhiễm siêu vi như: sốt, đau họng, mệt mỏi, ăn uống kém. Sau đó, cơ thể sẽ xuất hiện những bóng nước trưng ở mặt, lan ra khắp nơi, gọi là nốt đậu.
Theo bác sĩ Quý, đa số bệnh thuỷ đậu là lành tính, bệnh tự giới hạn 1-2 tuần, nếu được chẩn đoán sớm và điều trị đúng cách.
Tuy nhiên, một số trường hợp có miễn dịch kém hoặc điều trị không đúng cách, bệnh sẽ diễn tiến nặng như viêm phổi, nhiễm trùng máu, đe doạ tính mạng.
Những bệnh nhân nghi ngờ bị thuỷ đậu, có dấu hiệu bệnh nặng như: ho liên tục, đau ngực, thở khó khăn, có đờm xanh, sốt lạnh run, da bị sưng đỏ, lừ đừ, lơ mơ, nói sản… cần đến bệnh viện để cấp cứu kịp thời.
“Người có cơ địa miễn dịch kém như trẻ em, phụ nữ có thai, bệnh nhân đang hóa – xạ trị, bệnh nhân HIV, tiểu đường… bệnh dễ diễn tiến nặng nếu mắc thuỷ đậu”, bác sĩ Quý nói.
Bác sĩ Quý khuyến cáo người dân có dấu hiệu nghi ngờ hoặc được chẩn đoán bị thuỷ đậu không nên tắm nước rạ. Trong rạ có đất, sình lầy mang vi khuẩn, khi tắm, các loại vi khuẩn này sẽ xâm nhập vào vết thương, gây nhiễm trùng máu.
Bệnh nhân thuỷ đậu phải tắm bằng nước sạch và hạn chế kỳ cọ để tránh vỡ các nốt đậu, giảm biến chứng nhiễm trùng da, nhiễm trùng máu.
Các biện pháp phòng bệnh
Chủ động để phòng ngừa bệnh thủy đậu, đó là chủng ngừa bằng vắc-xin. Đối với trẻ từ 12 tháng tuổi tới 12 tuổi, tiêm 1 liều và liều thứ 2 nên tiêm thêm cách liều thứ nhất 6 tuần trở đi hoặc trong khoảng 4 – 6 tuổi để gia tăng hiệu quả phòng bệnh và giảm việc mắc bệnh thuỷ đậu trở lại mặc dù trước đó đã tiêm phòng. Đối với trẻ trên 13 tuổi, thanh niên và người lớn, tiêm 2 liều cách nhau tốt nhất là sau 6 tuần.
Tất cả những người chưa bị mắc bệnh hoặc chưa được tiêm vắc xin đều có thể mắc bệnh. Thông thường người lớn mắc bệnh nặng hơn ở trẻ em. Mọi người đều phải chủ động phòng bệnh thủy đậu bằng cách tránh tiếp xúc với người bị bệnh và tiêm vắc xin phòng bệnh. Không tiêm vắc xin thủy đậu khi đang sốt hoặc bị bệnh nhiễm khuẩn cấp tính, người mẫn cảm với các thành phần của vắc xin, người bị thiếu hụt miễn dịch bẩm sinh hoặc mắc phải, phụ nữ đang mang thai.
Để phòng lây lan bệnh thủy đậu trong cộng đồng, người lớn mắc bệnh phải nghỉ làm tránh tiếp xúc với người khác, trẻ nhỏ mắc bệnh phải nghỉ học từ 7 đến 10 ngày từ lúc bắt đầu phát hiện bệnh cho đến khi các nốt bọng nước khô vảy hoàn toàn; sử dụng các vật dụng sinh hoạt cá nhân riêng như khăn mặt, ly, chén, muỗng, đũa; vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng dung dịch nước muối sinh lý 9/, tăng cường vệ sinh cá nhân; vệ sinh phòng ở của người bệnh, đồ vật nhiễm mầm bệnh hàng ngày bằng dung dịch sát khuẩn thông thường.