Người bị chó cắn cần rửa vết thương, cầm máu, tiêm phòng để giảm lượng virus xâm nhập cơ thể, tránh nguy cơ bệnh dại.
Bác sĩ CKI Đặng Thị Ngọc Quế, Trưởng khoa Tiêm ngừa – PKĐK Bình An khuyến cáo người dân xử trí đúng khi bị chó mèo cắn, trong bối cảnh cả nước có nhiều ca tử vong do bệnh dại. Theo thống kê Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, có 44 ca tử vong do dại tại 23 tỉnh, thành trong nửa đầu năm. Con số tử vong tăng 30% so với cùng kỳ 2023. Ngoài ra, 96.561 trường hợp khác bị chó, mèo cắn, cào phải điều trị dự phòng.
Bệnh dại có tỷ lệ tử vong 100%. Dưới đây là 5 điều cần làm ngay sau khi bị chó cắn, mèo cào nhằm giảm rủi ro lây nhiễm dại.
Tuân thủ quy trình rửa vết thương
Virus dại có mặt chủ yếu trong nước bọt của con vật, ngoài ra có thể tồn tại ở lông và móng. Vỏ ngoài của virus dại là chất lipid nên có thể rửa trôi bằng các chất tẩy rửa thông thường như xà phòng. Rửa vết thương đúng giúp giảm lượng virus xâm nhập qua vết thương hở.
Khi bị chó mèo cắn, cần rửa vết thương bằng xà phòng dưới vòi nước sạch trong 15 phút rồi sát trùng với cồn. Trường hợp không có xà phòng, có thể thay thế bằng dầu gội đầu, nước rửa tay, sữa tắm. Nếu vết thương chảy máu, không nên: nặn máu, chà xát, đắp lá.
Đối với cồn, nên chọn loại 45-70% hoặc cồn iốt, povidone – iodine nếu có. Tránh cồn có nồng độ quá cao do làm đông cứng protein của màng tế bào, khiến virus được bảo vệ thay vì bị tiêu diệt, làm giảm hiệu quả sát khuẩn.
Cầm máu
Những vết cắn sâu rộng hoặc chảy máu nhiều, cần vệ sinh và cầm máu ngay bằng gạc y tế. Trường hợp máu chảy thành tia ở tay và chân, có thể dùng dây cao su quấn gần vị trí vết thương giúp cầm máu tạm thời và đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt.
Vết thương do chó mèo cắn, cào, có thể dùng băng gạc y tế để phủ tạm thời, tránh đắp lá hoặc băng quá kín khiến virus dại xâm nhập cơ thể dễ hơn.
Tiêm ngừa
Dại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, vaccine và huyết thanh là biện pháp điều trị dự phòng duy nhất hiện có. Người bị chó, mèo cắn cần tiêm chủng càng sớm càng tốt. Phác đồ tiêm phụ thuộc vào tình trạng vết thương và lịch sử tiêm ngừa trước đó.
Lần đầu chủng ngừa cần năm mũi vaccine. Nếu trước đó đã chủng ngừa đủ mũi, khi bị chó mèo cắn chỉ cần bổ sung hai mũi. Tùy vào vị trí và mức độ vết thương, bác sĩ có thể chỉ định tiêm thêm huyết thanh.
Vaccine có thể tiêm trước khi bị cắn, bảo vệ nhóm nguy cơ cao như người thường xuyên tiếp xúc với động vật, đi du lịch hoặc sống ở nơi xa cơ sở y tế. Phác đồ dự phòng trước phơi nhiễm gồm ba mũi. Trường hợp bị cắn, cào sau đó, chỉ cần tiêm hai mũi, không cần dùng huyết thanh.
Người tiêm vaccine cần theo dõi ít nhất 30 phút tại trung tâm tiêm chủng và 24-48 tiếng tiếp theo tại nhà. Nên tuân thủ đúng và đủ phác đồ để được bảo vệ tối ưu.
Theo dõi người và con vật
Trường hợp con vật nhiễm và khởi phát bệnh dại, thời gian sống thường kéo dài 10 ngày. Do đó, người bị cắn sau khi tiêm ngừa cần tiếp tục theo dõi sức khỏe bản thân và con vật trong thời gian này.
Qua thời gian 10 ngày, con vật còn sống vẫn có thể nhiễm dại trong tương lai nên cần tiêm ngừa đều đặn mỗi năm. Nếu bị cắn, cào tiếp theo, người dân vẫn cần xử lý vết thương theo các bước trên, do chó đã tiêm phòng vẫn có nguy cơ lây truyền bệnh dại.
“Cần lưu ý, việc theo dõi con vật nhằm có hướng xử trí kịp thời, không phải là thời gian hoãn tiêm ngừa dại”, bác sĩ Quế nhấn mạnh.
Vaccine có giá trị bảo vệ tối ưu nhất khi tiêm ngay sau khi bị cắn và cho các lần bị tấn công sau này. Trường hợp không thể quan sát được vật nuôi sau khi bị cắn, cần thông báo với bác sĩ tiêm ngừa để được tư vấn cách theo dõi sức khỏe bản thân và có phác đồ tiêm phù hợp.