Chăm sóc sức khỏe, Góc Mẹ và Bé

Các yếu tố tăng nguy cơ viêm họng liêncầu khuẩn

Trẻ em từ 5-15 tuổi có khả năng bị viêm họng liên cầu khuẩn hơn người lớn, tiếp xúc gần, hút thuốc, vệ sinh kém… cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

Viêm họng liên cầu khuẩn do vi khuẩn Streptococcus pyogenes (S. pyogenes) gây ra. Bệnh không được điều trị có thể dẫn đến các đợt tái phát hoặc biến chứng nghiêm trọng như sốt thấp khớp nhưng hiếm gặp, viêm cầu thận sau liên cầu. Bên cạnh đó, vi khuẩn này còn gây ra các bệnh nhiễm trùng phổ biến như viêm mô tế bào, viêm tai, chốc lở, ban đỏ. Các yếu tố làm tăng khả năng mắc bệnh viêm họng liên cầu khuẩn.

Độ tuổi

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), viêm họng liên cầu khuẩn thường gặp nhất ở trẻ em từ 5-15 tuổi. Trẻ nhỏ hơn cũng có thể bị nhiễm bệnh nhưng ít gặp và thường có các triệu chứng không điển hình. Người lớn cũng có thể bị nhiễm nhưng với tỷ lệ thấp hơn nhiều từ 5-10%. Viêm họng liên cầu khuẩn thường được điều trị bằng thuốc kháng sinh.

Tiếp xúc gần

Liên cầu khuẩn lây lan phổ biến nhất từ người sang người thông qua dịch tiết như nước bọt, nước mũi khi ho, hắt hơi hoặc tay tiếp xúc trực tiếp dịch tiết có vi khuẩn rồi đưa lên mắt, mũi, miệng… Vi khuẩn ít lây truyền qua thực phẩm hoặc nguồn nước. Người không có khả năng bị nhiễm liên cầu khuẩn từ động vật nên không cần phải lo lắng về vật nuôi trong gia đình.

Tiếp xúc gần khiến khả năng lây nhiễm bệnh cao hơn, nhất là ở các trường học, trung tâm giữ trẻ. Người sống chung với bệnh nhân viêm họng liên cầu khuẩn cũng có nguy cơ nhiễm bệnh cao hơn.

Viêm họng liên cầu khuẩn phổ biến ở trẻ em hơn người lớn. Ảnh: Freepik

Viêm họng liên cầu khuẩn phổ biến ở trẻ em hơn người lớn. Ảnh: Freepik

Vệ sinh kém

Vệ sinh cá nhân không đảm bảo an toàn cũng là nguyên nhân phổ biến dẫn đến sự lây lan của nhiễm trùng liên cầu khuẩn. Trẻ em bị bệnh có thể ho vào tay hoặc dụi mắt mũi mà không dùng khăn giấy rồi truyền bệnh cho người khác khi tiếp xúc. Vì vi khuẩn S.pyogenes có thể sống trên tay tới 3 giờ.

Rửa tay thường xuyên giúp giảm sự lây lan của liên cầu khuẩn. Khi không có xà phòng và nước, bạn nên sử dụng chất khử trùng tay chứa cồn (dung dịch rửa tay khô). Ngoài ra, tránh dùng chung thức ăn, đồ uống hoặc đồ dùng và tiếp xúc gần trong thời gian nhiễm bệnh.

Ô nhiễm hoặc tiếp xúc với khói thuốc

Hút thuốc và tiếp xúc với khói thuốc thụ động làm cho cổ họng và đường hô hấp có thể bị kích thích bởi các hạt vật chất. Điều này khiến họng dễ bị nhiễm trùng do liên cầu khuẩn và virus hơn. Ô nhiễm không khí cũng khiến cổ họng bị kích thích, tăng khả năng nhiễm virus viêm họng liên cầu khuẩn.

Thời gian trong năm

Viêm họng liên cầu khuẩn có thể xảy ra quanh năm nhưng phổ biến hơn vào cuối mùa đông và đầu mùa xuân. Vì đây là thời điểm khí hậu thuận lợi cho vi khuẩn S.pyogenes phát triển.

Theo CDC Mỹ, thời gian ủ bệnh điển hình của viêm họng liên cầu khuẩn là từ 2-5 ngày. Trung bình phải mất ba ngày kể từ khi tiếp xúc với vi khuẩn bệnh mới phát triển các triệu chứng. Viêm họng thường kéo dài từ 3-7 ngày dù có điều trị hay không. Nếu điều trị bằng thuốc kháng sinh, các triệu chứng sẽ cải thiện trong vòng 1-2 ngày và người bệnh không có khả năng lây nhiễm cho người khác trong vòng 24 giờ sau liều đầu tiên. Tuy nhiên, nếu không được điều trị, bạn có thể lây nhiễm cho người khác từ khi tiếp xúc với vi khuẩn cho đến khi hết các triệu chứng. Một số trường hợp có khả năng lây nhiễm kéo dài hơn một tuần sau đó.

Một số người sống với vi khuẩn liên cầu trong hầu họng và mũi mà không phát triển các triệu chứng do những chủng vi khuẩn có xu hướng ít độc lực hơn. Những người này được gọi là người mang mầm bệnh, khả năng lây nhiễm cho người khác là rất nhỏ. Tuy nhiên, nếu người mang mầm bệnh thường xuyên tiếp xúc gần với người có hệ miễn dịch yếu (ví dụ người đang hóa trị) vẫn cần điều trị bằng kháng sinh để tránh lây nhiễm cho họ và người khác trong gia đình.