“Bệnh tiến triển rất nhanh và khó phát hiện trong giai đoạn sớm vì triệu chứng giống với các bệnh viêm màng não do nhiễm siêu vi thông thường. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm và tử vong. Nếu may mắn sống sót có thể mang những di chứng nghiêm trọng như phải cắt bỏ các chi…”
Viêm màng não do não mô cầu – căn bệnh “nguy hiểm” có thể tử vong sau 24 giờ nhiễm bệnh
Bé V.H.N.Y (5 tháng tuổi, ngụ quận 11, TP.HCM), nhập viện cấp cứu tại BV Nhiệt Đới TP.HCM trong tình trạng mệt mỏi, sốt cao, xuất huyết trên da, nôn ói, da tím tái và nhiễm trùng máu. Kết quả xét nghiệm cho thấy nguyên nhân gây bệnh do vi khuẩn Neisseria meningitidis (khuẩn mô cầu) gây viêm não mô cầu, một loại bệnh truyền nhiễm cấp. Các bác sĩ của BV đã tiến hành điều trị khẩn cấp nhưng bé không qua khỏi. Bệnh nhi mất sau 24 giờ nhiễm bệnh.
Bệnh nhi bị viêm não mô cầu tại Đắk Lắk. (Ảnh VNE)
Nhập viện với triệu chứng sốt, ho, trợn mắt rồi xuất hiện nốt ban ở mặt, bé L.T.N.Q (Châu Thành, Tiền Giang) nhanh chóng bị hoại tử tứ chi, chân tay chuyển sang tím tái. Để cứu tính mạng bé, các bác sĩ buộc phải cắt lọc bỏ da, cơ ở vùng cơ thể bị nhiễm trùng huyết ăn sâu. Sau 2 tháng điều trị, bé Q. trải qua 3 lần thực hiện cắt lọc phần da cơ hoại tử ở 2 cặp chi, cuối cùng là đoạn cả tứ chi để bé qua cơn nguy kịch. Nhìn hình ảnh bé gái 2 tuổi mất cả tay cả chân, di chuyển như chim cánh cụt, ai cũng xót xa.
Cô bé 2 tuổi mất cả tứ chi vì viêm não mô cầu (Ảnh: Zing.vn)
Đây chưa phải hai trường hợp duy nhất nguy kịch vì viêm não mô cầu năm 2016. Theo số liệu thống kê của cục Y tế dự phòng tính từ năm 2011 – 2016, cả nước có 610 ca nhiễm bệnh và năm có số người mắc bệnh cao nhất là năm 2011 với 272 ca nhiễm viêm não mô cầu. Ở thể tối cấp, bệnh diễn tiến nhanh, tỷ lệ tử vong lên đến 60-70%; thể viêm màng não mủ tử vong là 30-40% nếu điều trị không kịp thời.
Bất cứ ai cũng có thể nhiễm căn bệnh chết người này
Viêm màng não do não mô cầu (Meningococcal meningitis) là tình trạng nhiễm khuẩn nặng màng não (tổ chức bao phủ não và tủy sống) và nhiễm khuẩn huyết, phát triển mạnh vào mùa đông xuân tại các nước đang phát triển.
Bệnh gặp ở mọi người khỏe mạnh ở các lứa tuổi khác nhau, nhưng hay gặp nhất ở trẻ nhỏ từ 3 tháng đến 5 tuổi và nhóm tuổi thanh, thiếu niên từ 14-20 tuổi. Bệnh thường xảy ra ở nơi tập trung đông người (nhà trẻ, trường học, ký túc xá, doanh trại,…), người bị suy giảm miễn dịch hoặc đồng nhiễm khuẩn đường hô hấp.
Bệnh lây truyền qua đường hô hấp. Ổ chứa của vi khuẩn não mô cầu trong tự nhiên là người. Thời kỳ lây truyền của bệnh tùy thuộc vào thời gian tồn tại của vi khuẩn não mô cầu ở mũi, họng của người nhiễm khuẩn. Lây nhiễm qua việc tiếp xúc trực tiếp với nguồn bệnh do hít phải dịch tiết mũi, hầu, họng bắn ra từ người mang vi khuẩn (người bệnh và người lành mang trùng – tức là người mang vi khuẩn không có triệu chứng lâm sàng). Lây truyền qua đồ vật ít khi xảy ra. Khả năng lây truyền có thể từ vài ngày trước khi khởi phát bệnh cho đến 24 giờ sau khi được điều trị bằng kháng sinh đặc hiệu.
Trung bình mỗi năm Việt Nam có khoảng 650 trường hợp viêm màng não mủ do vi khuẩn, trong đó vi khuẩn não mô cầu chiếm khoảng 14%. Bệnh thường để lại di chứng nặng nề như chậm phát triển tinh thần, điếc, liệt với tỷ lệ 10-20%. Trong cộng đồng, tỷ lệ người mang vi khuẩn không có triệu chứng lâm sàng (người lành mang trùng) ở mũi, hầu, họng 5-25%. Tỷ lệ này thậm chí còn cao hơn tại khu vực ổ dịch.
24 giờ định mệnh của bệnh nhân viêm màng não do não mô cầu
Viêm màng não do não mô cầu đặc biệt nguy hiểm vì có thể khiến người bệnh tử vong rất nhanh trong vòng 24 giờ sau khi phát hiện triệu chứng đầu tiên. Các triệu chứng của bệnh này giống với các bệnh viêm màng não do nhiễm siêu vi thông thường, do đó, càng phát hiện, chẩn đoán sớm và có biện pháp điều trị sớm sẽ giúp bệnh nhân qua cơn nguy kịch.
* Nguyên nhân gây bệnh:
Nguyên nhân gây bệnh là khuẩn gram âm, ái khí Neisseria meningitidis (N.meningitidis), còn gọi là meningococcus, gây bệnh bằng nội độc tố. Có tới 13 nhóm huyết thanh của N.meningitidis được xác định là thủ phạm gây bệnh, 6 trong số này (A, B, C, W, X và Y) có thể phát sinh đại dịch. Não mô cầu nhóm A và B thường hay gặp nhất. Tuýp A thường gây nên các vụ dịch lớn, tuýp B chủ yếu gây các vụ dịch tản phát và tuýp C lại có khả năng vừa gây dịch lớn vừa gây dịch tản phát, lẻ tẻ. Tỷ lệ mắc bệnh cao nhất vào mùa đông và mùa xuân, thường xảy ra ở trẻ nhỏ.
* Các thể lâm sàng của bệnh:
- Viêm màng não tủy cấp có mủ
- Nhiễm vi khuẩn huyết do não mô cầu (meningococcemia)
- Viêm khớp do não mô cầu, viêm màng trong tim do não mô cầu.
- Ngoài ra, có nhiều người bị nhiễm não mô cầu nhưng chỉ có sốt và/hoặc viêm mũi họng. Ở nơi có bệnh lưu hành địa phương, số người bị nhiễm não mô cầu ở hầu, họng mà không có triệu chứng lâm sàng chiếm từ 5-10%. Thể nhiễm khuẩn không có triệu chứng thường hay gặp trong các vụ dịch và đó là nguồn lây truyền dịch rất quan trọng trong cộng đồng.
* Triệu chứng bệnh:
Bệnh viêm màng não do não mô cầu là một bệnh nhiễm khuẩn cấp tính xảy ra đột ngột với các triệu chứng sốt, đau đầu dữ dội, buồn nôn và nôn, cổ cứng, thường có ban xuất huyết hình sao hoặc có thể có mụn nước. Bệnh nhân thường rơi vào tình trạng lơ mơ hoặc hôn mê. Có trường hợp biểu hiện mệt lả đột ngột, xuất hiện mảng xuất huyết và sốc.
* Diễn tiến bệnh:
Người bị nhiễm não mô cầu thể viêm mũi họng thường bị sốt 38 – 39 độ C, tình trạng sốt kéo dài 1-7 ngày… kèm theo đó là biểu hiện đau đầu, rát họng, chảy nước mũi. Giai đoạn này thường dễ bị chẩn đoán nhầm với viêm mũi họng thông thường. Khi trở nặng, bệnh nhân sẽ sốt rất cao, lên tới 40 – 41 độ C. Những cơn sốt thường kéo dài liên tục kèm theo những cơn rét run, đau đầu, đau mỏi cơ khớp toàn thân. Sau đó, họ có thể bị xuất huyết, thậm chí xuất huyết từng vùng làm hoại tử da, bong da, đau đầu nhiều, nôn mửa. Người bệnh cũng có dấu hiệu bị lú lẫn, hoảng loạn, co giật và hôn mê.
Ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, triệu chứng điển hình là sốt cao, cứng cổ, đau đầu, nôn mửa, biếng ăn và bỏ ăn. Ngoài ra, ở trẻ nhỏ có biểu hiện thóp phồng hoặc phản xạ bất thường và biểu hiện cứng gáy rõ hơn.
“Tổ chức Y tế thế giới đánh giá bệnh lý viêm màng não do não mô cầu ‘tỷ lệ tử vong cao kể cả khi được phát hiện sớm và điều trị phù hợp’. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như tăng áp lực nội sọ, phù não gây tử vong, hay áp xe não khiến tình trạng nhiễm trùng có thể lan ra toàn bộ cơ thể gây nhiễm trùng huyết và tử vong. Những trường hợp may mắn sống sót có thể mang những di chứng nghiêm trọng như phải cắt bỏ các chi, các ngón tay, ngón chân, để lại các tổn thương não, giảm thính lực, tổn thương thận và các vấn đề về tâm lý”,
Tầm quan trọng của việc tiêm phòng vắc xin
Các chuyên gia cảnh báo, bệnh viêm màng não do não mô cầu dù phát hiện sớm và điều trị tích cực thì tỷ lệ tử vong từ 5 – 15%. Tỷ lệ tử vong khoảng 50% số ca mắc bệnh nếu không được điều trị.
Chủng ngừa (tiêm phòng) bằng vắc xin là biện pháp hữu hiệu nhất để phòng ngừa bệnh. Tại Việt Nam hay gặp nhất là tuýp A, B. Do đó người dân có thể tiêm cả 2 loại vắc xin BC (ngừa tuýp B, C) và AC (ngừa tuýp A, C) để tăng thêm khả năng miễn dịch.
“Việc phòng bệnh có hiệu quả nhất là tiêm vắc xin phòng ngừa cho mọi đối tượng chưa có miễn dịch chống lại vi khuẩn não mô cầu hoặc những người chuẩn bị đến các vùng có dịch bệnh não mô cầu. Trẻ đã tiêm vắc xin phòng não mô cầu khuẩn tuýp B,C rồi vẫn nên đi tiêm vắc xin phòng não mô cầu khuẩn tuýp A,C”, .
Ngoài ra, để phòng bệnh viêm màng não do não mô cầu, tránh lây lan trong cộng đồng, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo mạnh mẽ người dân thực hiện tốt 4 nguyên tắc sau:
- Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân: thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, súc miệng, họng bằng các dung dịch sát khuẩn mũi họng thông thường.
- Thực hiện tốt vệ sinh nơi ở, nơi làm việc.
- Chủ động tiêm phòng vắc xin phòng bệnh cho trẻ, vắc xin được tiêm tại các cơ sở tiêm chủng dịch vụ.
- Khi có biểu hiện sốt cao, đau đầu, buồn nôn và nôn, cổ cứng, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.