Vi khuẩn Bacillus Cereus được tìm thấy trong canh chua giá đỗ được xác định là nguyên nhân nghi ngờ ngộ độc thực phẩm cao nhất.
Mới đây, tại hội nghị trực tuyến về phòng chống ngộ độc thực phẩm do Bộ Y tế tổ chức, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Vĩnh Phúc Lê Hồng Trung đã thông tin tác nhân khiến 438 công nhân phải vào viện cấp cứu sau bữa cơm trưa tại công ty TNHH Shinwon Ebenezer Việt Nam hôm 14/5.
Ông Trung cho hay kết quả xét nghiệm từ Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia, vi khuẩn Bacillus Cereus được tìm thấy trong canh chua giá đỗ đang được xác định là nguyên nhân nghi ngờ cao nhất.
Các triệu chứng của công nhân gặp phải bao gồm nôn mửa, đi ngoài nhiều lần cũng phù hợp với nhận định này.
Loại vi khuẩn quen thuộc
Vi khuẩn Bacillus Cereus cũng là tác nhân gây ra hàng loạt vụ ngộ độc do ăn cơm gà tại Nha Trang một tháng trước đó. Đây cũng là một trong những tác nhân gây bệnh hàng đầu, chỉ xếp sau Salmonella.
Theo một nghiên cứucủa Đại học Florida (Mỹ), Bacillus cereus là một loại vi khuẩn gram dương kỵ khí và có khả năng chịu nhiệt cao. Loại vi khuẩn này có thể sinh sôi trong môi trường nhiệt độ dao động 4-48 độ C và phát triển tốt nhất trong khoảng 28-35 độ C hoặc độ pH dao động 4,9-9,3.
Do rất phổ biến trong môi trường và thường được tìm thấy trong đất, Bacillus cereus có mặt trong nhiều loại nông sản như thịt, các món ngũ cốc, rau, sữa, các sản phẩm, bánh pudding và soup. Tuy nhiên, lúc này, nó thường không gây nguy hiểm cho sức khỏe.
Các trường hợp mắc bệnh liên quan đến Bacillus cereus hầu như do công tác xử lý, bảo quản và làm lạnh thực phẩm không đúng cách.
Khi gặp điều kiện không thuận lợi, Bacillus cereus chuyển sang dạng bào tử có vỏ bảo vệ. Khi thức ăn được đun nấu, vi khuẩn này chuyển sang dạng bào tử, trong khi các vi khuẩn khác bị tiêu diệt. Sau đó, khi thức ăn lại lưu trữ nhiệt độ phòng, Bacillus cereus có thể sống lại và phát triển nhanh chóng.
Triệu chứng phổ biến của người nhiễm vi khuẩn này là đau bụng, tiêu chảy sau sau khi ăn thực phẩm bị nhiễm khoảng 4-16 giờ. Các triệu chứng này có thể kéo dài trong 12-24 giờ. Ngoài ra, người bệnh cũng xuất hiện buồn nôn và nôn sau 1- giờ ăn phải thực phẩm nhiễm khuẩn.
Theo bác sĩ chuyên khoa II Bùi Trọng Hợp, Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Trưng Vương, Bacillus cereus tiết ra độc tố gây nôn và tiêu chảy, gây bệnh cảnh như ngộ độc thức ăn và có thể tự khỏi.
Ngoài ra vi khuẩn này có các độc tố hemolysin, phospholipase và các protease góp phần gây hoại tử mô và tổn thương cơ quan tạo ra bệnh cảnh nặng hơn.
“Những người anh em” cùng gây ngộ độc
Theo báo cáo của Cục An toàn thực phẩm tại Hội nghị toàn quốc tăng cường công tác đảm bảo an toàn thực phẩm và phòng chống ngộ độc thực phẩm ngày 21/5, trong 5 tháng đầu năm, cả nước ghi nhận tổng cộng 36 vụ ngộ độc thực phẩm với số nạn nhân lên tới hàng nghìn người.
Theo tiến sĩ Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, so với cùng kỳ năm ngoái, số vụ ngộ độc năm nay giảm nhưng quy mô lớn hơn, số nạn nhân ghi nhận được tăng hơn 1.000 người.
Một số vụ ngộ độc nổi bật xảy ra trong đầu năm nay có thể kể đến:
- Vụ ngộ độc xảy ra hồi tháng 1 tại hộ kinh doanh bánh mì Thu Hà (Sóc Trăng) làm 150 người mắc và đi viện. Nguyên nhân do vi sinh vật Salmonella trong thịt nguội.
- Vụ ngộ độc xảy ra tại quán cơm gà Trâm Anh (Nha Trang, Khánh Hòa) hồi tháng 3, làm 369 người mắc và đi viện. Nguyên nhân do vi sinh vật Salmonella trong gà.
- Vụ ngộ độc tại tiệm bánh mì Cô Băng (Long Khánh, Đồng Nai) xảy ra cuối tháng 4, làm 547 người mắc và đi viện. Nguyên nhân do vi sinh vật Salmonella trong thịt lợn đã qua chế biến, chả lụa.
- Vụ ngộ độc tại bếp ăn tập thể Công ty TNHH Shinwon Ebenezer Việt Nam (Vĩnh Phúc), khiến 438 người mắc và đi viện. Nguyên nhân nghi ngờ cao nhất là vi khuẩn Bacillus cereus.
- Vụ ngộ độc xảy ra tại bếp ăn tập thể công ty TNHH Dechang Việt Nam (Đồng Nai) làm 95 người mắc và đi viện. Nguyên nhân do vi sinh vật Salmonella trong mỳ quảng.
Cho đến nay, các tác nhân gây ra ngộ độc tại các sự việc này được xác định là Salmonella, Bacillus cereus, Staphyloccocus aureus (hay tụ cầu vàng)… Trong đó, Salmonella là nguyên nhân quen thuộc luôn được nhắc đến sau các sự việc.
Để ngăn chặn nguy cơ xảy ra ngộ độc thực phẩm trong mùa hè, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, khuyến cáo người dân cần lựa chọn, mua và sử dụng những thực phẩm còn tươi, thực phẩm có nhãn mác ở những cửa hàng cố định, đặc biệt lưu ý hạn sử dụng của sản phẩm.
Mọi người cân đảo đảm vệ sinh tay, vệ sinh dụng cụ ăn uống, dụng cụ chế biến thực phẩm; sử dụng nguồn nước sạch; bảo quản thực phẩm đảm bảo vệ sinh; đặc biệt, nên thực hiện ăn chín, uống chín.
Bên cạnh đó, người sản xuất, người trực tiếp kinh doanh thực phẩm, kinh doanh mặt hàng ăn uống phải có trách nhiệm, đạo đức cao trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm để góp phần phòng tránh hiệu quả ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm cho cả cộng đồng.