Cholesterol trong máu cao thường có biểu hiện trên mặt như thay đổi màu da, xuất hiện vẩy nến, đường màu xám hoặc trắng ở mắt.
Cholesterol cao là yếu tố nguy cơ chính gây ra các bệnh tim mạch và tử vong sớm. Thông thường, người bị cholesterol cao không có triệu chứng, có thể nhận biết thông qua xét nghiệm máu. Tuy nhiên, một số trường hợp có thể nhận thấy dấu hiệu tăng cholesterol trên da.
Ban vàng mí mắt
Nổi các vết ban vàng quanh mắt (xanthelasmas) còn gọi là u vàng quanh mắt xảy ra do sự lắng đọng cholesterol dưới da. Chúng thường biểu hiện thành các mảng hoặc vết sưng màu vàng cam ở da mí mắt trên, dưới hoặc khóe mắt. Nốt ban này không gây đau.
U vàng phát ban
U vàng phát ban có nguyên nhân tương tự như ban vàng mí mắt. Triệu chứng của u vàng phát ban có thể xảy ra ở mặt sau của cẳng chân và lòng bàn tay. Kiểm soát cholesterol tốt có thể giúp loại bỏ các mảng này.
Cung giác mạc
Giác mạc của mắt thường trong suốt. Giác mạc xuất hiện đường trắng xám mỏng xung quanh là biểu hiện rõ rệt của tình trạng tăng cholesterol trong máu. Hiện tượng này được gọi là cung giác mạc (Corneal arcus) và chủ yếu ở người có tiền sử mắc bệnh tăng cholesterol máu.
Phát ban
Lichen phẳng (Lichen planus) là tình trạng viêm mạn tính ảnh hưởng tới da, niêm mạc, nang tóc và móng. Biểu hiện của bệnh là phát ban ngứa trên da mặt hoặc bên trong miệng. Khi mức cholesterol cao, các nốt lichen phẳng có màu tím hoặc đỏ.
Vảy nến
Vảy nến là bệnh ngoài da gây phát ban với các mảng ngứa, có vảy chủ yếu ở đầu gối, khuỷu tay, thân mình và da đầu. Ở vùng da sáng hơn, nó xuất hiện dưới dạng các mảng màu hồng hoặc đỏ. Với vùng da sẫm màu, bệnh xuất hiện dưới dạng các mảng màu tím. Theo tờ Hindustan Times, vảy nến và mức cholesterol cao có mối liên hệ mật thiết với nhau.
Thay đổi màu da
Mức cholesterol cao có thể làm giảm lưu lượng máu dưới da. Do đó, các tế bào da không nhận đủ dinh dưỡng, dẫn đến màu sắc da thay đổi. Khi đứng trong thời gian dài, chân có thể chuyển sang màu tím hoặc nếu nâng cao chân, da có thể trở nên nhợt nhạt.
Hiệp hội tim mạch Mỹ khuyến cáo mỗi người nên kiểm tra mức cholesterol định kỳ 4-6 năm một lần hoặc thường xuyên hơn nếu thuộc nhóm nguy cơ cao. Dưới đây là những gợi ý giúp giảm cholesterol trong máu và bảo vệ hệ tim mạch.
Chế độ ăn uống lành mạnh có thể hỗ trợ quản lý cholesterol. Nên tăng cường ăn trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt, protein nạc và chất béo lành mạnh như dầu ô liu, các loại hạt và bơ; uống đủ nước.
Vận động thường xuyên có thể giúp tăng mức cholesterol HDL tốt và giảm mức cholesterol LDL xấu. Mỗi tuần nên dành ít nhất 2,5 giờ cho hoạt động aerobic cường độ vừa phải hoặc 75 phút hoạt động cường độ cao.
Duy trì cân nặng khỏe mạnh hỗ trợ cải thiện mức cholesterol và sức khỏe tổng thể. Giảm cân dựa trên chế độ ăn kiêng và tập thể dục có thể giảm cholesterol LDL và chất béo trung tính.
Hạn chế tiêu thụ rượu vì có thể làm tăng mức cholesterol và dẫn đến các bệnh về tim. Bạn cũng nên bỏ hút thuốc vì đây là nguyên nhân gây tổn thương mạch máu, có thể dẫn đến mức cholesterol cao và các biến chứng tim mạch.
Hạn chế căng thẳng bằng các phương pháp như thiền, yoga và thở sâu có ích cho người bệnh. Bởi căng thẳng mạn tính có thể ảnh hưởng gián tiếp đến mức cholesterol bằng cách thúc đẩy các hành vi không lành mạnh như ăn quá nhiều, thiếu tập thể dục.