(Cập nhật 23/9/2015 | Chăm sóc sức khỏe)
Cà phê gây tác động đa chiều với cơ thể con người. Một mặt trong thành phần đồ uống khoái khẩu này giàu những hợp chất có lợi cho sức khỏe…
- 10 cách thư giãn cuối tuần để… tăng hiệu suất làm việc
- 5 thói quen ăn uống mùa hè giúp bạn giữ dáng và sức khỏe
- Mẹo phòng và trị nhiệt miệng đơn giản
Cà phê gây tác động đa chiều với cơ thể con người. Một mặt trong thành phần đồ uống khoái khẩu này giàu những hợp chất có lợi cho sức khỏe, mặt khác, cà phê chứa những hợp chất kích thích bất lợi với một số người. Hãy xem, chuyện gì xảy ra trong cơ thể giây lát sau khi uống cà phê.
Tác động tới não
Cafein sẵn có trong cà phê là hợp chất tác động lên trí tuệ, nó phát huy hiệu ứng kích thích tế bào thần kinh. Nhờ thế tri giác làm việc với cường độ cao hơn bình thường, bạn không gặp phiền toái với nỗ lực tập trung và mất cảm giác buồn ngủ.
Cà phê tác động lên não bộ
Những hiệu quả của cafein với não nhận thấy sau 30 phút uống cà phê và bạn còn tỉnh táo trong vài giờ tiếp theo. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học Phần Lan, thường xuyên uống cà phê sẽ giảm thiểu nguy cơ xuất hiện hội chứng đãng trí và bệnh Alzheimer (mất trí nhớ) ở tuổi già.
Mắt
Cafein có trong cà phê kích thích tuyến thượng thận sản xuất adrenaline (hormon điều hòa hoạt động thần kinh). Hệ quả tiếp theo của hiện tượng là… thị giác tinh tường hơn. Sau khi uống ly cà phê nhỏ, đồng tử giãn nở giúp bạn nhìn mọi vật tinh tế và rõ nét hơn.
Hệ tim mạch
Sau uống cà phê, huyết áp tăng, tim đập tăng tốc đến 100 nhịp/phút (bình thường khoảng 60-80) và mãi sau một giờ mới trở lại bình thường. Đó là sự tăng tốc không nguy hiểm đối với người khỏe mạnh bình thường. Thậm chí, người trong cuộc cảm nhận hiệu ứng như sự bổ sung năng lượng. Tuy nhiên, cà phê có thể nguy hiểm đối với những người bị bệnh tăng huyết áp, các bệnh liên quan đến tim hoặc hội chứng mạch nhanh (tim đập trên 100 nhịp/phút). Dư thừa cafein với những đối tượng này có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim.
Ảnh hưởng dạ dày
Cafein kích thích xuất tiết dịch dạ dày, cao hơn bình thường đến 15%. Nhờ thế quá trình tiêu hóa thức ăn diễn ra nhanh hơn, người uống có cảm giác nhẹ bụng và khoan khoái. Tuy nhiên, sau khi uống ly cà phê ưa thích, sự xuất tiết acid dạ dày cũng tăng, vì thế có thể xuất hiện tình trạng ợ nóng, co thắt dạ dày và trào ngược ở một số người.
Với ruột
Cà phê kích thích nhu động ruột, nhờ thế thức ăn di chuyển nhanh hơn qua đường tiêu hóa – từ thực quản đến tận hậu môn. Tuy nhiên, cafein gây rối loạn sự chuyển hóa thành phần vi khoáng sắt, vì thế không nên uống cà phê khi ăn các sản phẩm giàu sắt (ví dụ thịt màu đỏ).
Dẫu sự thật uống cà phê có thể mang lại hiệu quả nhuận tràng tạm thời, song về lâu dài sẽ gây hiệu ứng tiêu cực. Sự thật cafein có thể độc hại đối với người bị táo bón kinh niên, bởi cà phê làm cơ thể mất nước.
Với bàng quang
Hiện tượng tiểu tiện nhiều sau uống cà phê nhiều khả năng vì trong đồ uống này có những hợp chất kích thích bàng quang tăng cường làm việc.
Bạn gặp rắc rối với thận? Nên hạn chế uống cà phê, bởi hợp chất oxalat sẵn có trong cà phê dễ kết hợp với calcium, tạo thành sỏi thận.
Hàm răng
Để bảo vệ lớp men răng trắng như tuyết, nên uống cà phê bằng ống hút. Nhìn chung cà phê mang lại lợi ích sức khỏe cho hàm răng nhiều hơn tác hại làm mất màu. Hợp chất polyphenol trong cà phê có tác dụng diệt khuẩn và hòa tan cao răng. Tuy nhiên, hiệu ứng tích cực chỉ xuất hiện trong trường hợp uống cà phê đen “chay” – không pha thêm đường, váng sữa hoặc siro dậy mùi.
Với máu
Các nhà khoa học Hà Lan (Đại học Wageningen) khẳng định, hạt cà phê chứa dầu có thể làm tăng nồng độ cholesterol và triglyceride trong máu. Tuy nhiên, cà phê phin đã loại bỏ hợp chất độc hại này. Song mối đe dọa sẽ trở thành hiện thực nếu bạn uống cà phê từ bình ủ french press.
(Theo gw.pl/tylko zdrowie)
Theo Sức khỏe và Đời sống