Chăm sóc sức khỏe

Ung thư tiền liệt tuyến – những điều cần biết

Ung thư tiền liệt tuyến là căn bệnh ung thư khá nguy hiểm ở nam giới, ở mức nặng có thể di căn sang các vùng khác đặc biệt là vào xương và các hạch bạch huyết, gây đau đớn và đi tiểu gặp khó khăn, khiến nam giới gặp vấn đề trong quan hệ tình dục, rối loạn chức năng cương dương. Vậy những dấu hiệu nhận biết ung thư tiền liệt tuyến là gì và cách chữa trị ra sao? Hãy cùng tham khảo bài viết dưới đây.

1. Ung thư tiền liệt tuyến là gì?

Ung thư tiền liệt tuyến hay còn gọi là ung thư tuyến tiền liệt. Đây là căn bệnh chỉ gặp ở nam giới, tuyến tiền liệt nằm dưới bọng đái, phía trước ruột già. Nó bao quanh niệu đạo, tức ống dẫn nước tiểu nằm bên trong dương vật qua đó nước tiểu và tinh dịch được thoát ra ngoài.

Bệnh ung thư tiền liệt tuyến bệnh học là dạng ung thư khá nguy hiểm. Tuy là một bệnh có sự phát triển chậm, đa số người mắc ung thư tiền liệt tuyến ở mức nhẹ có thể sống nhiều năm nếu được phát hiện kịp thời. Xong nếu bệnh ở mức nặng sẽ lan ra rất nhanh chóng và có thể gây tử vong. Ung thư tiền liệt tuyến có thể di căn sang các vùng khác đặc biệt là vào xương và các hạch bạch huyết, gây đau đớn và đi tiểu gặp khó khăn, khiến nam giới gặp vấn đề trong quan hệ tình dục, rối loạn chức năng cương dương.

2. Dấu hiệu ung thư tiền liệt tuyến

Thông thường ở giai đoạn đầu ung thư tiền liệt tuyến hầu như không có triệu chứng rõ ràng. Ở các giai đoạn sau một vài dấu hiệu của ung thư tiền liệt tuyến có thể bao gồm:

Tiểu tiện khó khăn: Hiện tượng bạn buồn tiểu nhưng không thể đi được hoặc đang đi tiểu bị dừng lại đột ngột, hoặc có thể đi tiểu nhiều hơn bình thường. Tuyến tiền liệt bao quanh niệu đạo nên khi xuất hiện một khối u nào dù chỉ là rất nhỏ cũng có thể gây trở ngại mỗi khi đi tiểu hoặc xuất tinh.

Đau mỗi khi đi tiểu: Vì có khối u ở tuyến tiền liệt chèn ép lên niệu đạo nên mỗi khi đi tiểu thường có cảm giác đau. Tuy nhiên, dấu hiệu này cũng có thể gặp khi bạn bị nhiễm trùng tuyến tiền liệt phì đại tuyến.

Xuất hiện máu trong nước tiểu: Thấy máu trong nước tiểu đôi khi chỉ là một vệt màu hồng nhạt. Một số bệnh lý khác như viêm đường tiết niệu cũng có thể gặp dấu hiệu này. Tuy dấu hiệu này ít phổ biến hơn cả, xong nếu thấy xuất hiện dấu hiệu này bạn cần đi khám ngay để xét nghiệm và chẩn đoán ung thư tiền liệt tuyến chính xác nhất.

Khó duy trì sự cương cứng: Do có khối u tiền liệt tuyến sẽ làm chặn lưu lượng máu đến dương vật để giúp cương cứng. Tiền liệt tuyến phì đại cũng gây ra dấu hiệu này.

Máu trong tinh dịch: Dấu hiệu này thường không được người bệnh chú ý. Lượng máu rất ít chỉ đủ làm cho tinh dịch hơi hồng hoặc có vệt máu.

Đau ở lưng, hông, đùi trên thường xuyên: Đau ở lưng, hông, vùng xương chậu là dấu hiệu phổ biến của bệnh ung thư tiền liệt tuyến.

Tiểu đêm: Dấu hiệu này thường không được để ý, nhưng đây cũng là một dấu hiệu cảnh báo bạn mắc ung thư tiền liệt tuyến. Nếu bạn đi tiểu đêm nhiều hơn hai lần thì bạn nên đi khám bác sĩ chuyên khoa tiết niệu.

Tiểu rắt: Nếu bị rò rỉ nước tiểu không thể tự chủ thì bạn cũng cần phải lưu ý. Tuy dấu hiệu này không phổ biến nhưng nếu gặp bạn cũng nên chú ý hơn.

Tìm hiểu ung thư tiền liệt tuyến
Đau ở lưng là dấu hiệu phổ biến của ung thư tiền liệt tuyến

Ở giai đoạn đầu ung thư tiền liệt tuyến thường không có triệu chứng. Nó có thể được phát hiện bằng xét nghiệm PSA ( xét nghiệm kháng nguyên đặc hiệu tuyến tiền liệt) tăng cao . Đôi khi bệnh còn gây ra những triệu chứng tương tự như các bệnh khác, ví dụ như bệnh tăng sản tuyến tiền liệt lành tính.

Ở các giai đoạn sau của bệnh, ung thư tiền liệt tuyến di căn sang các khu vực khác của cơ thể và có thể gây ra các triệu chứng khác như đau xương. Ung thư tiền liệt tuyến nếu di căn vào cột sống cũng có thể đè lên tủy sống và gây ra yếu chân, đại tiểu tiện không tự chủ.

Những dấu hiệu ung thư tiền liệt tuyến thường phát triển âm thầm, hoặc nếu biểu hiện ra ngoài nhưng cũng bị coi nhẹ, do đó rất khó để phát hiện bệnh ở giai đoạn đầu tiên.

Khi khám chuyên khoa bác sĩ chuyên khoa tiết niệu sẽ làm các xét nghiệm chuyên khoa sâu như chụp cộng hưởng từ vùng sàn chậu (chụp MRI), sinh thiết tuyến tiền liệt để giúp cho chẩn đoán xác định bệnh, mức độ ác tính và chẩn đoán giai đoạn của bệnh.

3. Điều trị ung thư tiền liệt tuyến

Hiện nay, có nhiều phương pháp điều trị ung thư tiền liệt tuyến, tùy thuộc vào từng giai đoạn, tùy từng tình trạng người bệnh mà các bác sĩ sẽ lựa chọn, để đưa ra pháp đồ điều trị tối ưu nhất. Dưới đây là những phương pháp chính:

Phẫu thuật cắt tuyến tiền liệt toàn bộ

Đây là phương pháp được sử dụng để điều trị ung thư tiền liệt tuyến ở giai đoạn sớm. Bệnh nhân được cắt bỏ toàn bộ tuyến tiền liệt, hai túi tinh và có thể nạo hạch hai bên vùng chậu. Phương pháp này nhằm điều trị ung thư tiền liệt tuyến triệt để khi khối u còn khu trú trong tuyến tiền liệt và chưa lan ra ngoài. Có thể phẫu thuật hở hoặc nội soi tùy vào tình trạng của từng bệnh nhân.

Cắt đốt nội soi tuyến tiền liệt qua niệu đạo.

Được chỉ định cho các bệnh nhân ung thư tuyến tiền liệt không còn chỉ định phẫu thuật cắt tuyến tiền liệt tiệt căn, có các rối loạn tiểu tiện nặng đặc biệt là đái khó và bí đái.

Kỹ thuật cắt nội soi tương tự như kỹ thuật cắt nội soi u phì đại lành tính tuyến tiền liệt.

Đây không phải là phẫu thuật điều trị ung thư, vì vậy kỹ thuật cần được kết hợp cới các phương pháp điều trị ung thư khác: cắt 2 tinh hoàn, nội tiết trị liệu, xạ trị hay hóa liệu.

Xạ trị: Đây là phương pháp điều trị sử dụng các tia bức xạ năng lượng cao để tiêu diệt các tế bào ung thư. Phương pháp này có ưu điểm là hiệu quả và có thể chỉ định cho mọi giai đoạn bệnh khi cần thiết.

Điều trị nội tiết: Nguyên lý của điều trị nội tiết nhằm mục đích giảm các nội tiết tố nam (các Androgen, trong đó chủ yếu là Testosterone ). Khi không còn các nội tiết tố nam, bệnh sẽ giảm tiến triển. Có 2 phương pháp trong điều trị nội tiết tố:

  • Triệt tiêu nội tiết tố nam bằng phẫu thuật cắt tinh hoàn. Hiện nay, phẫu thuật được sử dụng nhiều nhất là cắt tinh hoàn trong vỏ bao, vừa hiệu quả điều trị và lại tính thẩm mỹ cao.
  • Triệt tiêu nội tiết tố nam bằng thuốc nội tiết. Bệnh nhân sẽ được dùng thuốc, phương pháp này được chỉ định khi bệnh nhân từ chối phẫu thuật hoặc khi bệnh nhân có chống chỉ định phẫu thuật.

4. Làm thế nào để phòng ngừa ung thư tiền liệt tuyến?

Chúng ta có thể cải thiện sức khỏe và giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư tiền liệt tuyến bằng những cách đơn giản như: Thực hiện chế độ ăn uống hợp lý, bổ sung đủ chất dinh dưỡng và khoáng chất, nhất là bổ sung đủ lượng vitamin D, tập thể dục đều đặn, hạn chế bia, rượu, thuốc lá, giữ trọng lượng ở mức cân đối…

Tìm hiểu ung thư tiền liệt tuyến
Tập thể dục đều đặn giúp ngăn ngừa ung thư tiền liệt tuyến

Hy vọng những thông tin trong bài viết giúp cho bạn hiểu về bệnh ung thư tiền liệt tuyến, nếu bạn thấy những dấu hiệu trên bạn hãy đến các cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và phát hiện bệnh kịp thời.