Nhiều người nghĩ ung thư vú chỉ gặp ở nữ giới nhưng thực tế vẫn có các trường hợp ung thư vú nam, tuy nhiên số lượng không nhiều.
Trên thế giới, ung thư vú nam là bệnh hiếm gặp. Tại Mỹ năm 2007 có khoảng 2.030 trường hợp được chẩn đoán và 450 trường hợp tử vong. Ung thư vú nam chiếm khoảng 1% tỷ lệ mới mắc trong số tất cả các trường hợp ung thư vú và chiếm dưới 0.5% nguyên nhân tử vong do ung thư ở nam giới.
Nguyên nhân gây ung thư vú nam
– Độ tuổi: Tại Mỹ, ung thư vú nam thường hay gặp ở người lớn tuổi, với tuổi trung bình tại thời điểm chẩn đoán là 65–67 tuổi. Trong khi đó tuổi trung bình chẩn đoán ung thư vú nữ là 61 tuổi.
– Hội chứng Klinefelter: Hội chứng Klinefelter là yếu tố nguy cơ mạnh nhất của ung thư vú nam. Đây là bệnh hiếm gặp do rối loạn nhiễm sắc thể X (XXY). Những người bệnh này thường phì đại tinh hoàn, vú to, nồng độ gonadotropins tăng cao (FSH, LH), nồng độ testosterone trong huyết thanh thấp.
Nguy cơ ung thư vú nam trong những trường hợp này cao hơn 20–50 lần so với những người bệnh có kiểu hình gen bình thường.
– Nguy cơ mắc ung thư vú thứ hai tăng lên ở những người bệnh đã được chẩn đoán ung thư vú một bên.
– Nội tiết: Các trạng thái dẫn đến tăng quá mức estrogen và thiếu androgen. Tăng quá mức estrogen dẫn tới chứng vú to ở nam giới liên quan tới ung thư vú nam.
– Tiền sử mắc bệnh về tinh hoàn: Đã có những người bệnh ung thư vú nam được khai thác có tiền sử bị viêm tinh hoàn, tinh hoàn lạc chỗ, tổn thương tinh hoàn.
– Các bệnh gan mạn tính bao gồm: xơ gan, tổn thương gan mạn tính do rượu, sán lá gan có mối liên quan tới việc tăng tỷ lệ ung thư vú nam. Xơ gan làm hạn chế chuyển hóa estrogen nội sinh dẫn tới tình trạng tăng estrogen tương đối với biểu hiện tăng tỷ lệ estrogen: testosterone.
– Một số nguyên nhân khác: Trong một nghiên cứu đa phân tích từ nhiều nghiên cứu bệnh chứng cho thấy nguy cơ làm tăng ung thư vú nam có liên quan tới một số đặc điểm như: không lập gia đình, người do Thái, bệnh vú lành tính trước đó, vú to nam giới, tiền sử gia đình có thể hệ thứ nhất bị ung thư vú, một số thuốc nội khoa gây phì đại tuyến vú có liên quan tới việc tăng nguy cơ ung thư vú nam…
Triệu chứng lâm sàng ung thư vú nam
– Phần lớn tổ chức tuyến vú nam nằm xung quanh quầng vú do đó biểu hiện lâm sàng của ung thư vú nam là có khối u vú rắn chắc và thường là không đau ở ngay dưới quầng vú. Vị trí khác cũng hay gặp, đứng thứ 2 đó là ở vị trí 1/4 trên ngoài.
– Các khối u thường xuất hiện ở vú trái nhiều hơn vú phải trong một số nghiên cứu. Tỷ lệ ung thư vú 2 bên rất hiếm gặp chỉ chiếm < 1%.
– Chảy dịch đầu vú cũng hiếm gặp tuy nhiên nếu có chảy dịch, chảy máu đầu vú cũng nên nghĩ đến khả năng có tổn thương ác tính.
– Thăm khám lâm sàng có thể phát hiện 1 số các triệu chứng khác như: tụt núm vú, loét đầu vú, sờ thấy hạch nách, hoặc bệnh Paget.
Lưu ý: Cần chẩn đoán phân biệt ung thư vú nam với phì đại tuyến vú, áp xe tuyến vú, di căn từ nơi khác tới vú, hoặc các bệnh lý ác tính khác tại vú như sarcoma. Phì đại tuyến vú là tổn thương rất thường gặp ở nam giới chiếm tới 40% mà không có ung thư. Phì đại tuyến vú có thể 1 bên hoặc 2 bên với tổ chức tuyến vú lan rộng không rõ ranh giới.
Trên phim chụp vú, ung thư vú nam thường nằm ngay dưới quầng vú hoặc lệch núm vú. Những tổn thương này thường được phát hiện dễ dàng nhưng các lắng đọng vi calci hiếm gặp hơn và thô hơn so với phim chụp vú nữ. Do tỷ lệ ung thư vú nam rất thấp nên không dùng phim chụp vú để sàng lọc ung thư vú ở nam giới.
Điều trị ung thư vú nam
Khi xác định có một khối u vú nghi ngờ nên làm xét nghiệm giải phẫu bệnh với sinh thiết kim lớn hoặc chọc hút tế bào bằng kim nhỏ (FNA) để chẩn đoán. Phối hợp khám lâm sàng với FNA có thể tránh được phẫu thuật sinh thiết trên 59% người bệnh. Tốt nhất nên làm sinh thiết để chẩn đoán xác định.
Hiện nay, phẫu thuật được lựa chọn cho ung thư vú nam còn khu trú là cắt tuyến vú toàn bộ và vét hạch nách.