Đau ngực đột ngột, khó thở, vã mồ hôi, mệt mỏi là dấu hiệu đột quỵ tim cấp, người bệnh nên tới cơ sở y tế để điều trị sớm.
Đột quỵ tim (nhồi máu cơ tim) là tình trạng nguy hiểm, xảy ra khi dòng máu cung cấp cho tim bị chặn đột ngột. Một hoặc nhiều nhánh động mạch vành bị tắc nghẽn, gây thiếu máu cơ tim đột ngột, hoại tử vùng cơ tim. Nếu không kịp thời tái thông dòng máu nuôi tim, tim có thể bị tổn thương vĩnh viễn, gây tử vong.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ghi nhận hơn 17 triệu người chết vì bệnh tim mạch năm 2019. Trong đó, 85% là do đau tim và đột quỵ. BS.CKI Nguyễn Đức Hưng, Phó khoa phụ trách Can thiệp Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết đột quỵ tim là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên thế giới. Số ca mắc mới và tử vong do đột quỵ tim ngày càng tăng và trẻ hóa, nhất là ở các nước đang phát triển. Nhận biết các dấu hiệu của nhồi máu cơ tim giúp phòng ngừa, điều trị kịp thời.
Đau ngực đột ngột, dữ dội hoặc khó chịu
Đau ngực đột ngột, dữ dội, khó chịu là dấu hiệu cảnh báo đầu tiên và phổ biến khi bị đột quỵ tim. Nếu cảm thấy đau ngực đột ngột không rõ nguyên nhân, người bệnh nên tới cơ sở y tế có chuyên khoa tim mạch để được kiểm tra và điều trị. Cơn đau có thể xuất hiện đột ngột hoặc kéo dài trong một khoảng thời gian dài. Nhiều trường hợp đau ngực trên 5 phút, có thể lan tới cổ, vai, lưng, cánh tay.
Khó thở, choáng váng
Đây là dấu hiệu cảnh báo nhồi máu cơ tim khá phổ biến. Bác sĩ Hưng lý giải do lượng máu nuôi tim bị thiếu dẫn tới suy giảm lượng oxy cung cấp cho cơ thể. Lượng máu đến não bị suy giảm gây nên tình trạng choáng váng, chóng mặt. Người bị khó thở, choáng váng, chóng mặt không rõ nguyên nhân; nên đến bệnh viện ngay.
Đổ mồ hôi
Đổ mồ hôi thường do căng thẳng, nóng bức. Người bệnh đổ mồ hôi không rõ nguyên nhân và đi kèm với một số dấu hiệu khác như hụt hơi, chóng mặt, mệt mỏi, đau hoặc cảm giác nặng ngực… cần nghĩ tới nhồi máu cơ tim. Triệu chứng vã mồ hôi cũng có thể liên quan đến các vấn đề tim mạch khác như xơ vữa động mạch dẫn tới đau tim, suy tim. Tim không được cung cấp đủ lượng máu giàu oxy dẫn đến đau thắt ngực, toát mồ hôi lạnh.
Buồn nôn hoặc nôn
Buồn nôn hoặc nôn có thể là dấu hiệu của một số vấn đề tiêu hóa nhưng cũng cảnh báo đột quỵ tim. Bác sĩ Hưng cho biết bệnh viện Tâm Anh tiếp nhận không ít trường hợp buồn nôn, nôn do nhồi máu cơ tim. Thông thường buồn nôn do nhồi máu cơ tim chỉ xảy ra một lần. Trong khi đó, buồn nôn hoặc nôn do các vấn đề tiêu hóa có thể diễn ra vài lần.
Người bệnh buồn nôn, nôn có kèm đau ngực cần được đo điện tim để kiểm tra kỹ. Hiện tượng ST (đoạn sóng điện tim trên điện tâm đồ) chênh lệch là dấu hiệu điển hình nhất giúp phát hiện nhồi máu cơ tim.
Mệt mỏi, suy nhược cơ thể
Không phải trường hợp nhồi máu cơ tim cấp nào cũng có triệu chứng rõ ràng. Nhiều người bệnh chỉ xuất hiện những dấu hiệu rất mờ nhạt như mệt mỏi, suy nhược cơ thể. Do đó, người bệnh dễ nhầm lẫn với các bệnh lý thông thường khác. Trường hợp mệt mỏi kéo dài không rõ nguyên nhân nên tới cơ sở y tế khám để được chẩn đoán, điều trị sớm. Người bệnh còn có thể xuất hiện nhịp tim nhanh hoặc chậm, hụt hơi, cảm giác lo lắng, bồn chồn.
Đột quỵ tim dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm. Bác sĩ Hưng khuyến cáo người có các triệu chứng trên nên đi khám ngay. Thời gian “vàng” để cấp cứu người bị đột quỵ tim là 3-4 giờ kể từ khi khởi phát dấu hiệu đầu tiên. Nên khám và tầm soát sức khỏe tim mạch định kỳ. Người cao tuổi, nam trên 50 tuổi hoặc phụ nữ sau mãn kinh; mắc bệnh nền tăng huyết áp, đái tháo đường, thận mạn, rối loạn mỡ máu; tiền sử hút thuốc lá hoặc thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc, sử dụng chất kích thích; gia đình có người đột quỵ tim, não… có nguy cơ đột quỵ tim cao hơn so với bình thường.
Nguồn : Bệnh viện đa khoa Tâm Anh Hà nội