Chỉ số đường huyết biến động thường xuyên mà không được giải quyết kịp thời chính là nguyên nhân gây ra bệnh tiểu đường loại 2. Nếu mọi người không muốn mắc bệnh, cần nhanh chóng cân bằng lại chỉ số đường huyết ngay khi thấy mình đang mắc phải 6 dấu hiệu sau đây.
Chỉ số đường huyết sẽ giúp ta nhận biết lượng đường trong máu có đang ổn định hay không, đang tăng hay giảm nhằm đánh giá tình trạng sức khoẻ. Theo các y bác sĩ, chỉ số đường huyết được cho là ổn định nếu ở mức: nhỏ hơn 140 mg/dL (7,8 mmol/l) trong trạng thái bình thường hoặc sau bữa ăn; nhỏ hơn 100 mg/dL (< 5,6 mmol/l) khi đói; cùng với đó là lượng Hemoglobin A1c (HbA1c – chỉ số giúp chẩn đoán đái tháo đường) nhỏ hơn 42 mmol/mol (5,7%).
Nếu lượng đường trong máu biến động và cho ra kết quả cao hơn so với mức chuẩn thì đó là dấu hiệu của đường huyết tăng cao. Khi hiện tượng này kéo dài sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2- một tình trạng mãn tính, có nghĩa là nó kéo dài liên tục.
Bệnh tiểu đường loại 2 có thể dẫn đến các biến chứng đe dọa tính mạng, chẳng hạn như: tim mạch, bệnh mắt do tiểu đường, bệnh thận, tổn thương thần kinh, tổn thương thính giác, tăng nguy cơ đột quỵ và bệnh Alzheimer (Ảnh: Internet)
Theo các y bác sĩ, chỉ số đường huyết biến động sẽ cho ra một số dấu hiệu để cảnh báo, điển hình nhất là 6 triệu chứng sau đây. Nếu phát hiện mình có bất kỳ dấu hiệu nào, hãy đi khám bác sĩ để được chẩn đoán chính xác nhất.
1. Đi tiểu nhiều lần
Triệu chứng tiểu đêm, đi tiểu nhiều lần cũng được xem là một dấu hiệu phổ biến nhằm cảnh báo bệnh tiểu đường đang âm thầm xảy ra. Cụ thể, khi lượng đường trong máu tăng cao, cơ quan thận buộc phải hoạt động liên tục dưới áp lực lớn hơn để xử lý, và đảo thải lượng đường trong máu bị tích tụ thông qua nước tiểu. Đó là lý do khiến người bị bệnh tiểu đường sẽ cảm thấy mắc vệ sinh liên tục.
Đôi khi chúng ta sẽ nghĩ rằng bản thân đi tiểu thường xuyên hơn là do uống nhiều nước, nhưng hãy cảnh giác nếu tình trạng tiểu đêm diễn ra liên tục kể cả khi bạn không uống nước trước khi đi ngủ nhé (Ảnh: Internet)
2. Khát nước liên tục
Điều này sẽ có sự liên quan với tình trạng đi tiểu nhiều hơn vừa được nói ở trên. Theo đó, khi lượng glucose được đào thải thông qua nước tiểu khiến chúng ta phải đi vệ sinh nhiều lần, tình trạng mất nước cũng sẽ xảy ra. Khi này, để đảm bảo các hoạt động của cơ thể vẫn được duy trì, não bộ sẽ ra tín hiệu bằng dấu hiệu khát nước, để chúng ta ngay lập tức bù nước cho cơ thể ngay lập tức.
Ngoài ra, một lý do khác đó là khi lượng đường trong máu tăng cao, cơ thể ta cũng sẽ tự động tách phần nước có trong các tế bào rồi bơm trực tiếp vào máu để pha loãng lượng đường bị dư. Các tế bào lúc này thiếu nước sẽ kích thích não gây nên cảm giác khát nước không ngừng nghỉ.
3. Thị lực kém dần
Khi lượng đường trong máu cao, thị lực sẽ bị giảm dần. Đó là do rất nhiều cơ quan trong cơ thể thẩm thấu glucose. Khi đường máu tăng cao, nó được vận chuyển tới tròng mắt, làm thay đổi khúc xạ của tròng mắt, khiến mắt không thể tập trung tốt. Nếu không có biện pháp khắc phục hoặc để tình trạng đường huyết tăng cao trong thời gian dài, thì những mạch máu nhỏ trong mắt dễ bị nghẽn và bị bể trong lòng mắt dẫn đến mù lòa.
4. Cảm giác thèm ăn thường xuyên nhưng không bị tăng cân
Khi tình trạng tiểu đường loại 2 của người bệnh không được kiểm soát tốt, bệnh nhân sẽ thường có cảm giác thèm ăn hoặc đói thường xuyên. Điều này được các chuyên gia giải thích rằng, đó là do đường huyết của người bệnh tăng cao nhưng lượng đường này vì thiếu insulin nên không thể hấp thụ vào tế bào, dẫn đến tế bào thiếu đường và tạo ra cảm giác thèm ăn.
Và ngay cả khi họ ăn, và thức ăn đã được chuyển hóa thành đường glucose, nhưng vì tế bào không thể hấp thụ đường nên vẫn bị thiếu năng lượng và gây đói.
Các bác sĩ có giải thích thêm, dù có sự liên kết giữa bệnh béo phì và tiểu đường, tuy nhiên trên thực tế, những người không kiểm soát được đường huyết có thể không tăng cân được, ngay cả khi ăn nhiều. Thậm chí, có những trường hợp còn bị sụt cân (Ảnh: Internet)
5. Hơi thở có mùi trái cây hoặc axeton
Nếu bạn cảm giác hơi thở của mình có mùi giống trái cây hoặc axeton (một chất tẩy rửa sơn móng tay) thì hãy kiểm tra ngay tình trạng đường huyết của mình, vì rất có thể bạn đang bị tiểu đường. Nguyên nhân là vì cơ thể không thể sản xuất đủ hàm lượng insulin cần thiết, buộc cơ thể phải đốt cháy chất béo để lấy năng lượng và gây ra tình trạng nhiễm axit ceton. Tình trạng này có thể dẫn đến sự gia tăng chất ceton trong máu mà cơ thể không kịp đào thải gây ra sự tích tụ và tạo ra mùi này.
Nếu tình trạng tiểu đường của bạn không được kiểm soát chặt chẽ cũng có thể gây ra các bệnh về nướu và bị khô miệng. Khi lượng đường trong máu không ổn định, cơ thể không đủ sức chống lại các vi khuẩn gây hại cho nướu dẫn đến viêm nhiễm tại nướu, tạo ra mùi trái cây đang bị thối rữa (Ảnh: Internet)
6. Lòng bàn tay ngứa ran
Lượng đường trong máu tăng cao có thể khiến khả năng bài tiết của tuyến mồ hôi bị cản trở, từ đó gây ra tình trạng khô da và nứt nẻ, điều này sẽ khiến người mắc bị ngứa ran lòng bàn tay hoặc các vùng trên cánh tay.
Lâu dần về sau, khi đề kháng và hệ miễn dịch của người bệnh trở nên yếu hơn do các biên chứng khác của bệnh gây ra thì tình trạng ngứa này sẽ càng thêm nghiêm trọng. Thậm chí còn bị nhiễm nấm mốc, gây viêm da và ngứa da.
Nhìn chung, biến động chỉ số đường huyết có thể mang đến nhiều biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe. Vì thế, mỗi người đều phải có ý thức bảo vệ chính mình, đồng thời luôn chú ý bất kỳ triệu chứng lạ nào xuất hiện trên cơ thể nhằm cảnh báo bệnh đang âm thầm khởi phát, từ đó có biện pháp kiểm soát kịp thời.