Lý do trẻ mắc đái tháo đường type 1?
Đái tháo đường (tiểu đường) type 1 là tình trạng người bệnh không thể sử dụng glucose (đường) để đáp ứng nhu cầu năng lượng cho cơ thể. Lý do là cơ thể không thể sản xuất đủ hormone insulin.
Ở một người bình thường sau khi ăn, một lượng lớn glucose trong máu sẽ tăng cao. Khi đó tụy sẽ tiết Insulin vào máu, nó có nhiệm vụ như một chìa khóa mở cửa tế bào cơ thể để nhận glucose và cung cấp năng lượng cho tế bào. Nhưng nếu trẻ mắc tiểu đường type 1, tụy không tạo được Insulin. Khi không có insulin, đường không thể vào tế bào. Nó tồn lại trong máu và gây tăng đường huyết.
Khi có quá nhiều đường trong máu sẽ gây nhiều hậu quả nghiêm trọng. Một số biến chứng có thể diễn biến nhanh chóng và cần phải điều trị tức thời, trong khi một số khác sẽ âm thầm tiến triển theo thời gian và gây nhiều biến chứng sau này.
Về nguyên nhân vì sao trẻ mắc đái tháo đường type 1 thì hiện nay vẫn chưa xác định được. Nhưng các nhà khoa học cho rằng có thể do gen của người đó. Tuy nhiên, giả thuyết này dường như chưa đủ, mà còn có thêm nhiều yếu tố hơn nữa, bao gồm: Chế độ ăn uống, tình trạng nhiễm siêu vi, cân nặng lúc sinh… là những yếu tố nguy cơ thúc đẩy thêm ở người đã mang gen tiểu đường type 1, khả năng cao sẽ mắc căn bệnh này.
Biểu hiện trẻ mắc đái tháo đường type 1
Bệnh tiểu đường có thể biểu hiện một cách từ từ hoặc đột ngột. Cũng như người lớn, đôi khi trẻ sẽ không có bất kỳ dấu hiệu nào và chỉ được phát hiện một cách tình cờ khi xét nghiệm máu hay nước tiểu vì một nguyên nhân khác.
Khi các biểu hiện rõ ràng thì trẻ sẽ có những dấu hiệu sau:
– Trẻ đi tiểu nhiều
– Trẻ kêu khát và uống nước nhiều hơn bình thường
– Trẻ thường xuyên cảm thấy mệt mỏi
– Trẻ có xuất hiện sụt cân
Tuy nhiên, trên thực tế nhiều cha mẹ đưa trẻ đến khám với lý do gần đây cha mẹ thấy con mệt nhiều và thay đổi cảm xúc do cơ thể không được khoẻ.
Nhưng đây chính là biểu hiện khi bệnh tiểu đường tiến triển, bởi khi đó lượng đường huyết tăng trên mức bình thường, gấp 5 – 10 lần so với bình thường. Trẻ đi tiểu liên tục và gây nên tình trạng mất nước. Cùng với đó xuất hiện tình trạng khát nước… dẫn đến mệt nhiều hơn ở trẻ.
Trẻ mắc đái tháo đường type 1 được chữa như thế nào?
Ngoài khám lâm sàng, nếu có nghi ngờ thì bác sĩ sẽ chỉ định trẻ xét nghiệm glucose trong máu và nước tiểu, làm thêm xét nghiệm dung nạp glucose. Đường máu cao quá ngưỡng sẽ khẳng định bệnh lý này ở trẻ.
Câu hỏi khiến nhiều cha mẹ quan tâm là khi con tôi mắc đái tháo đường type 1 sẽ được chữa như thế nào? Hiện nay, không chỉ trẻ mà ngay cả người lớn mắc đái tháo đường type 1 thì dường như sẽ điều trị suốt đời, bởi hiện tại chưa có phương pháp nào điều trị triệt để.
Tuy nhiên, cha mẹ không nên quá lo lắng, bởi các bác sĩ sẽ lên kế hoạch chăm sóc và điều trị bệnh riêng cho trẻ. Trong đó, sẽ nêu cụ thể phụ huynh và trẻ cần phải làm gì mỗi ngày để giữ đường máu trong khoảng bình thường, đồng thời hẹn tái khám và kiểm tra định kỳ tại bệnh viện.
Nếu cha mẹ theo sát kế hoạch điều trị, sẽ giúp trẻ bị tiểu đường vẫn khỏe mạnh và tiến đến cuộc sống bình thường như những trẻ khác. Bởi trẻ chưa ý thức được mình mắc bệnh, cần ăn uống kiêng khem, vận động thế nào để giúp khỏe mạnh và kiểm soát đường huyết tốt.
Trong điều trị bệnh đái tháo đường type 1 sẽ có một số vấn đề chủ yếu bao gồm:
– Trẻ cũng cần kiểm tra đường máu thường xuyên.
– Trẻ sẽ được chỉ định tiêm Insulin: Cần thay thế lượng insulin mà cơ thể không sản xuất ra được. Insulin cần phải được tiêm vào lớp mỡ dưới da (gọi là tiêm dưới da).
– Trẻ cần có chế độ dinh dưỡng riêng dành cho người bệnh tiểu đường, chủ yếu là cân bằng lượng tinh bột trong khẩu phần ăn.
– Cha mẹ cần cùng trẻ tập luyện, vận động thường xuyên, vì đây là yếu tố cấu thành lối sống khoẻ mạnh, tốt cho trẻ bị tiểu đường.
Biến chứng nào có thể xảy ra?
Nếu cha mẹ không hỗ trợ trẻ trong việc kiểm soát được lượng đường trong khoảng cho phép, có thể dẫn đến những vấn đề sau:
Có thể nôn, hôn mê… là biến chứng nhiễm toan keton nghiêm trọng, cần điều trị ngay. Điều này xảy ra khi không đủ lượng Insulin trong cơ thể để đưa đường vào tế bào, cơ thể bắt đầu sử dụng mỡ thay đường. Quá trình này làm tăng keton trong máu, là một chất mang tính acid, gây nên tình trạng nhiễm toan keton. Khi đó trẻ sẽ có biểu hiện nôn, buồn nôn, đau bụng, thở nhanh, nặng hơn có thể gây hôn mê.
Hạ đường huyết cũng có thể xảy ra khi đường máu quá thấp và hoàn toàn có thể xảy ra trong quá trình điều trị trẻ do việc sử dụng quá liều Insulin. Triệu chứng bao gồm đau đầu, chóng mặt, mệt mỏi, vã mồ hôi, run tay chân… nặng hơn là hôn mê.
Ngoài ra, trẻ có thể bị rối loạn tăng trưởng và phát triển, bởi một số trẻ có thể sẽ phát triển chậm hơn những trẻ đồng trang lứa hoặc dậy thì muộn hơn bình thường.
Việc để mức đường huyết tăng trong một thời gian dài, sẽ dẫn đến các biến chứng mạn tính, gây ảnh hưởng đến nhiều cơ quan gồm tim, mạch máu, dây thần kinh, mắt và thận.
Tóm lại: Bệnh tiểu đường type 1 là không thể ngăn ngừa được, thậm chí không thể biết ai sẽ mắc hay không mắc căn bệnh này. Với trẻ mắc bệnh thì việc sống chung với bệnh tiểu đường không hề dễ dàng. Do vậy, cha mẹ cần rất nhiều thời gian và nỗ lực cùng trẻ để theo dõi. Hãy liên hệ với bác sĩ để cùng điều chỉnh chế độ chăm sóc và điều trị hợp lý, đặc biệt là trong thời gian đầu.
Nguồn : Sức khoẻ và đời sống