Chăm sóc sức khỏe

Nhận biết và điều trị viêm lợi trùm

Viêm lợi trùm là tình trạng phần lợi trong hàm bao phủ lên bề mặt răng khôn, làm cho răng khôn bị mắc kẹt. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, viêm lợi trùm có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe răng miệng.

1. Viêm lợi trùm là gì?

Viêm lợi trùm là một bệnh lý liên quan đến quá trình phát triển của răng khôn. Phần lợi trên mặt răng khôn sẽ gây cản trở khiến răng khôn không thể mọc lên.

Phần răng khôn lúc đó sẽ tiếp tục mọc và đâm vào phần lợi, gây ra cảm giác khó chịu cho người bệnh.

Trong quá trình mọc răng khôn, thường bệnh nhân sẽ phải đối mặt nhiều lần với tình trạng viêm lợi trùm nặng, phần lợi trùm bị sưng phồng gây đau đớn trong quá trình ăn uống.

Nếu không có vi khuẩn tấn công, thông thường lợi sẽ tự phục hồi sau 3-4 ngày. Tuy nhiên, một số trường hợp, phần lợi trùm bị viêm có thể gây đau đớn kéo dài cho người bệnh, thậm chí có thể khiến phát sốt. Vậy nên, trong trường hợp này, cần tới nha sĩ để được tư vấn và khám chữa kịp thời.

photo-1675743723308

Tình trạng lợi bị viêm.

2. Triệu chứng viêm lợi trùm

Dấu hiệu nhận biết viêm lợi trùm gần như giống với những dấu hiệu mọc răng khôn. Quan sát bằng mắt thường, cũng có thể phát hiện ra viêm lợi trùm.

– Phần lợi của người bệnh bị sưng phồng lên ở chính chỗ mọc răng khôn, có màu đỏ.

– Cảm giác đau đớn.

– Một số trường hợp lợi sẽ chảy dịch mủ ra khi ấn vào.

– Người bệnh sẽ gặp khó khăn trong việc ăn uống, giao tiếp, ngay cả khi há miệng cũng sẽ cảm thấy đau đớn và khó khăn. Viêm lợi trùm có thể gây ra nhiều bất tiện trong quá trình sinh hoạt và làm việc của bệnh nhân.

– Khi bệnh phát triển nặng người bệnh sẽ bị sốt, khó chịu, mệt mỏi và nổi hạch ở cổ. Nếu không được điều trị dứt điểm và đúng cách, bệnh sẽ lặp đi lặp lại trong một thời gian dài.

3. Cách điều trị bệnh viêm lợi trùm

Tùy vào tình trạng người bệnh mà bác sĩ sẽ đưa ra các biện pháp điều trị phù hợp để giúp người bệnh thoát khỏi những khó chịu mà bệnh gây ra.

Sau khi thăm khám cụ thể, bác sĩ sẽ tiến hành chụp X-Quang để xác định vị trí của răng và đưa ra các giải pháp điều trị hiệu quả cho bệnh viêm lợi trùm.

– Nội khoa

Trong trường hợp lợi trùm bị sưng viêm tấy đỏ, bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra và thực hiện sát trùng ổ viêm. Sau đó, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc kháng sinh, kháng viêm và giảm đau để diệt vi khuẩn và giảm các triệu chứng bệnh. Sau 5-7 ngày, phần lợi trùm sẽ dần ổn định và hết viêm.

Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời giúp chữa viêm lợi. Tình trạng viêm lợi sẽ có thể quay lại. Vì thế sau khi chữa hết viêm bác sĩ mới có thể điều trị lợi trùm bị viêm triệt để.

– Cắt lợi trùm

Sau khi chụp X-Quang, nếu bác sĩ thấy răng khôn mọc ở vị trí thẳng hàng so với các răng khác (không mọc lệch, chèn ngang vào những răng khác), thì cắt bỏ phần lợi trùm sẽ là chỉ định đúng. Đây được coi là trường hợp khá may mắn với người bệnh.

Các bước thực hiện cắt lợi trùm:

  • Bác sĩ tiến hành gây tê vào phần lợi trùm;
  • Sau đó, cắt đi phần lợi trùm để răng khôn tiếp tục mọc và phát triển bình thường;
  • Bệnh nhân cần sử dụng phương pháp tiệt trùng, gìn giữ vệ sinh khoang miệng sạch sẽ, tránh để vi khuẩn xâm nhập và gây tái viêm.

– Nhổ răng khôn

Phương pháp cắt lợi trùm không mấy khó khăn nhưng lại có nguy cơ tái phát, vì vậy khi tái phát, bác sĩ có thể cân nhắc nên nhổ bỏ răng khôn.

Trong trường hợp nếu răng khôn bị mọc lệch, mọc bất thường thì việc cắt lợi trùm lại không mang lại hiệu quả. Vì khi cắt bỏ phần lợi trùm sẽ vẫn gây ra các biến chứng viêm nhiễm: Viêm nướu, sâu răng, viêm tủy răng… gây ảnh hưởng đến kết cấu răng xung quanh. Biện pháp lúc này chính là nhổ bỏ chiếc răng khôn đó.

Nhận biết và điều trị viêm lợi trùm - Ảnh 3.

Nên súc miệng hàng ngày để phòng bệnh.

4. Lời khuyên của bác sĩ

Khi bị viêm lợi trùm song song với việc điều trị theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa, cần:

  • Vệ sinh răng miệng kết hợp súc miệng bằng nước muối ấm để giảm cơn đau nhức, vì nước muối có khả năng kháng khuẩn.
  • Nên có chế độ ăn uống phù hợp: Ăn những thực phẩm chứa nhiều chất xơ giúp làm sạch các mảng bám, giúp miệng tiết nước bọt nhiều hơn: rau củ quả, trái cây tươi, …
  • Ngoài ra, uống trà hàng ngày giúp kháng viêm, diệt khuẩn giúp giảm đau nhức và viêm nhiễm.
  • Hạn chế ăn những thực phẩm như: xôi, thịt gà… vì có thể khiến lợi sưng tấy hơn.
  • Nên tránh những thực phẩm nhiều đường và tinh bột như kẹo, bánh ngọt.
  • Không sử dụng chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá…

Nguồn : SKĐS