Chăm sóc sức khỏe

Phân biệt bệnh gout và giả gout

Gout và giả gout đều là những bệnh lý viêm khớp, gây ra các triệu chứng tương tự nhưng có nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ khác nhau.

Nguyên nhân

Bệnh gout xảy ra do nồng độ axit uric trong máu cao, dẫn đến hiện tượng lắng đọng tinh thể urat bên trong các khớp. Trong khi đó, bệnh giả gout (pseudogout) là tình trạng lắng đọng canxi trong khớp, cụ thể là tinh thể canxi pyrophosphate.

Triệu chứng

Pseudogout được gọi là bệnh giả gout do có nhiều triệu chứng điển hình của bệnh gout, như sưng, đau, nóng, đỏ tại các khớp bị viêm. Tuy nhiên, bệnh này thường ảnh hưởng đến nhiều khớp cùng lúc, trong đó phổ biến là đầu gối và cổ tay. Khi đó, bệnh cũng có thể bị nhầm lẫn với viêm khớp dạng thấp (RA), một bệnh tự miễn gây viêm màng hoạt dịch của khớp, dẫn đến phá hủy khớp nghiêm trọng.

Gout gây đau khớp đột ngột, dữ dội nhưng chỉ ảnh hưởng đến một khớp, thường là ngón chân cái, dù các khớp khác như đầu gối và cổ tay cũng có thể bị đau. Các hạt tophi sần nhỏ, màu trắng nổi lên dưới da quanh vùng khớp viêm là triệu chứng điển hình của gout mà giả gout không có.

Các đợt bùng phát do bệnh giả gout có thể xảy ra bất cứ lúc nào, nghiêm trọng và kéo dài. Một số trường hợp có thể kèm sốt. Trong khi đợt bùng phát bệnh gout có xu hướng bắt đầu vào giữa đêm, có thể giảm sau vài ngày và biến mất sau một tuần đến 10 ngày.

Yếu tố nguy cơ

Hiện chưa tìm ra được nguyên nhân trực tiếp gây ra sự lắng đọng canxi trong khớp, nhưng bệnh giả gout không liên quan đến chế độ dinh dưỡng hay thói quen ăn uống. Bệnh này phổ biến hơn ở người lớn tuổi, chủ yếu là nam giới, ít gặp ở người dưới 60 tuổi và tỷ lệ mắc phải có xu hướng tăng theo tuổi. Căng thẳng, bệnh tật, chấn thương hoặc phẫu thuật có thể kích hoạt đợt bùng phát bệnh giả gout. Các yếu tố nguy cơ khác bao gồm bệnh tuyến giáp, suy thận, rối loạn canxi, rối loạn trao đổi chất và di truyền.

Cơn đau gout thường bùng phát khi có các tác nhân kích hoạt như chế độ ăn uống, căng thẳng và thuốc men. Những yếu tố nguy cơ gây tăng axit uric dẫn đến gout gồm ăn quá nhiều thực phẩm giàu purine (thịt đỏ, cá, hải sản…); chức năng thận hoạt động yếu, không lọc được hết axit uric trong máu; mắc một số các bệnh lý về máu.

Chẩn đoán

Bệnh gout và bệnh giả gout đều được chẩn đoán bằng phương pháp xét nghiệm dịch khớp. Nếu dịch khớp tích tụ tinh thể muối urat nghĩa là người bệnh bị gout. Nếu có sự xuất hiện của tinh thể canxi là bệnh giả gout. Bác sĩ có thể thực hiện thêm một số xét nghiệm khác để loại trừ khả năng mắc các bệnh lý khác về viêm khớp có các triệu chứng lâm sàng tương đồng.

Điều trị

Không thể chữa khỏi hoàn toàn bệnh gout và giả gout, các biện pháp điều trị chủ yếu nhằm kiểm soát các triệu chứng. Bác sĩ có thể kê một số loại thuốc bằng đường uống hoặc tiêm để giảm đau, sưng, viêm khớp. Người bệnh gout thường được hướng dẫn điều trị bảo tồn bằng cách thay đổi lối sống và chế độ dinh dưỡng để giảm nồng độ axit uric trong máu.

Dù chế độ ăn uống không liên quan đến việc hình thành các tinh thể canxi dẫn đến gout giả, người bệnh vẫn nên tránh các thực phẩm gây viêm như thực phẩm chứa chất béo chuyển hóa, đồ ăn vặt, đồ nướng, đường tinh luyện, bia rượu. Thay vào đó, bổ sung thực phẩm chống viêm bao gồm cá béo, trái cây, rau củ và dầu ô liu. Chúng chứa các chất béo không bão hòa giúp phòng ngừa tình trạng thoái hóa khớp cũng như hạn chế một số bệnh lý tự miễn có thể dẫn đến giả gout.

Tập thể dục thường xuyên để gia tăng sức mạnh của các nhóm cơ quanh khớp, duy trì sự linh hoạt của xương khớp. Kiểm soát tốt cân nặng bởi thừa cân, béo phì làm gia tăng áp lực lên các khớp bị viêm, gây đau nghiêm trọng hơn.