Chăm sóc sức khỏe, Góc Mẹ và Bé

2.000 trẻ em Việt mắc bệnh đái tháo đường type 1

Ước tính khoảng 2.000 trẻ em Việt mắc đái tháo đường type 1, chiếm 90% bệnh đái tháo đường ở trẻ, và có xu hướng tăng.

TS Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Phụ trách, Quản lý và Điều hành Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), cho biết thông tin trên tại tập huấn triển khai Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh đái tháo đường type 1 ở trẻ em và thanh thiếu niên, chiều 24/6.

Ở Việt Nam, hiện chưa có dữ liệu đầy đủ về dịch tễ của đái tháo đường type 1 ở trẻ em. Dữ liệu từ các bệnh viện tuyến cuối về trẻ em cho thấy bệnh có xu hướng tăng trong cả nước từ 7 năm gần đây và việc chẩn đoán điều trị còn khó khăn.

Như tại Bệnh viện Nhi Trung ương, trước đây điều trị khoảng 10-15 bệnh nhi đái tháo đường type 1 mỗi năm. Tuy nhiên, những năm gần đây số lượng tăng nhanh, mỗi năm có hàng trăm trẻ điều trị. Hiện bệnh viện đang quản lý khoảng 200-300 trẻ bệnh đái tháo đường type 1.

Đái tháo đường type 1 do sự phá hủy tế bào beta tụy (tế bào tiết insulin), gây thiếu hụt insulin nội sinh, còn đái tháo đường type 2 do giảm chức năng tế bào beta tụy tiến triển trên nền tảng đề kháng insulin.

Đái tháo đường ảnh hưởng đến tim mạch, mắt, thần kinh, là nguyên nhân chính gây suy thận và rất nhiều biến chứng khác, làm tăng chi phí y tế và giảm chất lượng cuộc sống. Chi phí y tế đối với người trưởng thành bị đái tháo đường chiếm 12% chi phí y tế toàn cầu.

Liên đoàn Đái tháo đường thế giới (IDF) ước tính khoảng 537 triệu người trưởng thành trên toàn cầu đang sống chung với bệnh đái tháo đường, dự đoán lên 783 triệu người vào năm 2045. Một nửa số người đái tháo đường không được chẩn đoán. Nhiều người sống với bệnh một thời gian dài mà không nhận biết tình trạng của mình, đến khi được chẩn đoán thì đã xuất hiện biến chứng. 70% trường hợp có thể phòng ngừa hoặc trì hoãn bởi áp dụng lối sống khỏe mạnh.

Một em bé mắc đái tháo đường được điều trị tại bệnh viện. Ảnh:Thúy Quỳnh

Một em bé mắc đái tháo đường được điều trị tại bệnh viện. Ảnh:Thúy Quỳnh

PGS.TS Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết đái tháo đường type 1 còn gọi là đái tháo đường phụ thuộc insulin, gặp từ nhóm tuổi sơ sinh đến bất kỳ tuổi nào. Nguyên nhân liên quan đến nhiều yếu tố như tính nhạy cảm di truyền, các yếu tố môi trường, hệ thống miễn dịch…

Bệnh thường khởi phát bệnh với các triệu chứng khá rầm rộ trong thời gian ngắn như khát nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều, gầy sút cân nhanh chóng trong thời gian 2-6 tuần trước khi nhập viện. Trường hợp nặng hơn có thể hôn mê do nhiễm toan ceton hoặc tăng áp lực thẩm thấu máu. Trong giai đoạn này, người bệnh có thể có các biểu hiện khác như đau bụng thượng vị, nôn, buồn nôn dẫn đến chẩn đoán nhầm với bệnh lý khác.

“Bệnh nhân đái tháo đường type 1 cần được điều trị bằng insulin ban đầu ở bệnh viện, sau đó liều ổn định sẽ điều trị tại nhà”, PGS Điển nói, thêm rằng chủ yếu tập trung theo dõi bệnh nhân, điều trị phù hợp giảm biến chứng.

Hiện chỉ có một vài bệnh viện lớn như Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Nhi đồng 1 và Bệnh viện Trung ương Huế quản lý nhóm trẻ bệnh đái tháo đường type 1. Đây là một vấn đề khó khăn trong điều trị cho trẻ bởi hiện nay ít bác sĩ nhi khoa am hiểu bệnh này.

Các chuyên gia đề xuất mở rộng hệ thống quản lý nhóm bệnh này ở các cơ sở y tế, chỉ cần đơn vị nhỏ quản lý 15-20 bệnh nhân cũng giúp giảm tải cho bệnh viện tuyến trên.