Viêm tai giữa cấp thường xuất hiện cùng hoặc sau khi mắc viêm mũi họng. Viêm tai giữa cấp có thể gặp ở nhiều lứa tuổi nhưng phổ biến nhất là ở trẻ nhỏ.
Viêm tai giữa cấp là gì?
Cấu tạo của tai được chia làm 3 phần: tai ngoài, tai giữa và tai trong. Trong đó, tai giữa nằm ở phía trong màng nhĩ. Tai giữa gồm có hòm tai, vòi nhĩ (vòi thông từ tai giữa xuống mũi họng) và sào bào (tế bào lớn nhất ở trong xương chũm). Viêm tai giữa cấp là tình trạng viêm niêm mạc tai giữa diễn biến trong vòng 1 tháng.
Triệu chứng của viêm tai giữa cấp
Biểu hiện của viêm tai giữa cấp ở từng giai đoạn có những triệu chứng khác nhau. Diễn biến bệnh chia làm 3 giai đoạn. Bệnh thường diễn ra trong hoặc sau khi bệnh nhân bị viêm mũi họng cấp.
Ở giai đoạn đầu, bệnh nhân có biểu hiện ù tai nhẹ, đau tai. Giai đoạn này soi tai thấy màng nhĩ bị sung huyết.
Ở giai đoạn 2 là giai đoạn ứ mủ ở tai giữa. Lúc này bệnh nhân đau nhiều, nghe kém, ù tai. Trong giai đoạn này bệnh nhân có thêm những triệu chứng toàn thân như sốt cao. Ở trẻ em có thể xuất hiện rối loạn tiêu hóa.
Ở giai đoạn 3, mủ ở trong tai giữa căng lên và chảy ra ngoài, dịch mủ có mùi hôi. Lúc này các triệu chứng ù tai, đau tai giảm đi nhưng xuất hiện mủ chảy ra ngoài.
Thường lỗ thủng do viêm tai giữa cấp tự liền. Khi lỗ thủng tồn tại có thể trở thành viêm tai giữa mãn tính.
Điều trị viêm tai giữa cấp
Điều trị viêm tai giữa cấp bao gồm điều trị giảm đau, điều trị triệu chứng, điều trị sử dụng kháng sinh toàn thân hoặc tại chỗ.
Việc sử dụng kháng sinh trong điều trị viêm tai giữa cấp tùy thuộc vào từng giai đoạn, nguyên nhân của bệnh. Có những trường hợp dùng kháng sinh ngay từ đầu. Trong trường hợp bệnh nhân chưa cần dùng kháng sinh. Việc điều trị sẽ tập trung vào triệu chứng và theo dõi sau 48-72h đánh giá lại. Nếu tình trạng bệnh tiến triển không thuận lợi, có thể cho bệnh nhân sử dụng kháng sinh.
Viêm tai giữa cấp thường xuất hiện cùng viêm mũi họng. Do đó bệnh nhân cần được điều trị toàn thân. Trong trường hợp bệnh nhân sốt và đau nhiều do ứ mủ sẽ sử dụng thuốc giảm đau, chống viêm, men tiêu viêm, thuốc loãng dịch… Trong trường hợp viêm tai giữa cấp giai đoạn 3 có hiện tượng chảy mủ. Bệnh nhân có thể sử dụng kháng sinh tại chỗ nhỏ qua ống tai ngoài vào tai giữa.
Biến chứng của viêm tai giữa cấp
Viêm tai giữa có nguy hiểm không? Ngày nay, với sự tiến bộ của y học, viêm tai giữa cấp nếu được chẩn đoán và điều trị sớm ít gây biến chứng. Một trong những biến chứng thường gặp của viêm tai giữa cấp là viêm xương chũm cấp. Biến chứng này thường xảy ra trên cơ địa bệnh nhân suy giảm miễn dịch hoặc không được điều trị đúng cách.
Ngoài ra, viêm tai giữa cấp có khả năng gây liệt mặt ngoại biên, viêm màng não, biến chứng nội sọ… Tuy nhiên những biến chứng này rất ít gặp.
Việc điều trị viêm tai giữa cấp không đúng cách có thể gây viêm tai giữa ứ dịch kéo dài bán cấp hoặc mãn tính. Thậm chí trong nhiều trường hợp có thể để lại lỗ thủng ở màng nhĩ gây nghe kém, thoái hóa dần dần niêm mạc tai giữa. Bệnh nhân viêm tai giữa ứ dịch mạn tính nếu điều trị nội khoa không đỡ có thể phẫu thuật để đặt ống thông khí. Bệnh nhân viêm tai giữa mạn tính có lỗ thủng màng nhĩ cần thuật để vá lại màng nhĩ, tái tạo lại xương con nếu bị tổn thương.