Chăm sóc sức khỏe, Góc Mẹ và Bé

Sĩ tử ăn gì tăng cường trí nhớ mùa thi?

Con tôi 16 tuổi, học hay quên bài, nên ăn gì giúp tăng cường trí nhớ khi mùa thi sắp đến? (Ngọc Hạnh, An phú – Thuận An – Bình Dương)

Trả lời:

Chế độ dinh dưỡng khoa học giúp trẻ có đủ sức khỏe thể chất, hỗ trợ phát triển trí não, tăng cường trí nhớ để học tập. Nguyên tắc cơ bản là phụ huynh cần cho trẻ ăn uống đầy đủ và cân bằng các nhóm thực phẩm gồm tinh bột như cơm, cháo, bún, phở; chất đạm từ thịt đỏ, thịt gia cầm, hải sản; chất béo từ dầu thực vật, bơ, mỡ; các loại vitamin và khoáng chất có trong rau củ quả. Dưới đây là một số thực phẩm nên cho trẻ ăn thường xuyên.

Thực phẩm giàu omega 3 như các loại cá béo (cá thu, cá hồi, cá ngừ) và các loại hạt (óc chó, macca, hạt điều, hạt lạc) giúp bảo vệ và tăng cường chức năng não bộ, hỗ trợ khả năng ghi nhớ. Khoảng 60% bộ não được hình thành từ chất béo và hơn một nửa trong số đó là axit béo omega 3.

Cacao và chocolate đen có hàm lượng cao flavonoid, caffeine và các chất chống oxy hóa khác góp phần tăng cường trí nhớ, làm chậm quá trình lão hóa thần kinh.

Chocolate tốt cho trí não. Ảnh: Anh Chi

Chocolate tốt cho trí não. Ảnh: Anh Chi

Việt quất và các loại quả mọng màu đậm cung cấp anthocyanin, có tác dụng chống viêm, chống oxy hóa góp phần làm giảm quá trình lão hóa và thoái hóa hệ thần kinh, cải thiện tương tác giữa các tế bào não.

Bột nghệ giàu curcumin có thể vượt qua hàng rào máu não, đi trực tiếp vào não để cải thiện trí nhớ thông qua việc làm tăng tương tác các tế bào não. Ăn bột nghệ còn giúp tăng suy nghĩ tích cực nhờ làm tăng serotonin và dopamin.

Con bạn 16 tuổi có thể dùng thêm các tinh chất thiên nhiên từ blueberry (việt quất) và ginkgo biloba (bạch quả) để tăng cường máu lên não, cải thiện chức năng và kết nối thần kinh, ức chế các gốc tự do gây tổn hại thần kinh. Từ đó, chúng góp phần cải thiện trí nhớ, căng thẳng, đau đầu.

Bạn nên hạn chế cho con ăn các món nhiều đường và carbohydrate tinh chế như bánh ngọt, bánh mì, nước ngọt. Chế độ ăn cắt giảm đường còn góp phần giảm nguy cơ thừa cân, béo phì ở trẻ em – nguyên nhân làm giảm hiệu suất làm việc, học tập, ảnh hưởng khả năng ghi nhớ và dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe khác.

Để tăng cường trí nhớ, trẻ nên được ngủ đủ giấc, thường xuyên vận động bằng các bài tập vừa sức. Phụ huynh nên đưa con đi khám dinh dưỡng để bác sĩ kiểm tra các chỉ số phát triển cơ thể, xét nghiệm vi chất trong cơ thể thiếu hay thừa bằng máy sắc ký lỏng hiệu năng cao UPLC. Từ đó, bác sĩ tư vấn chế độ ăn uống phù hợp.

Nếu trẻ giảm trí nhớ, hay quên, lơ đễnh bất thường, cha mẹ nên đưa con đi khám tại chuyên khoa thần kinh để được bác sĩ đánh giá cụ thể.