Em bị thai chậm tăng trưởng trong tử cung, giờ em phải làm như thế nào?
Thai chậm phát triển trong tử cung (FGR) là tình trạng suy dinh dưỡng bào thai ngay khi còn trong bụng mẹ.
Trẻ sơ sinh chậm phát triển trong tử cung có nguy cơ tử vong và mắc các bệnh lý cao hơn so với trẻ khác như: chậm phát triển chiều cao, dậy thì sớm, rối loạn chuyển hóa gây đái tháo đường, tổn thương thận, tổn thương nội mạc mạch máu.
Hiện nay chưa có phương pháp hữu hiệu để điều trị thai chậm phát triển trong tử cung, tùy thuộc vào nguyên nhân và thời gian xuất hiện FGR sớm hay muộn mà tiên lượng và cách xử trí khác nhau.
Cần phải theo dõi chặt chẽ và tư vấn kỹ cho sản phụ và gia đình trong giai đoạn mang thai.
Có thể điều trị tăng huyết áp nếu xác định đó chính là nguyên nhân gây thai chậm phát triển.
Cần nghỉ ngơi, hạn chế lao động nặng. Nếu nguyên nhân đến từ bất thường nhiễm sắc thể hay đa dị tật thì nên chỉ định chấm dứt thai kì, nếu dị tật đơn độc thì cần được hội chẩn với trung tâm chẩn đoán trước sinh và bác sĩ phẫu thuật để có hướng xử trí sau sinh.
Siêu âm trong 3 tháng đầu thai kỳ giúp tính được tuổi thai chính xác và giúp cho chẩn đoán FGR chính xác hơn.
Tăng cường dinh dưỡng trong bữa ăn hàng ngày của bạn, cố gắng dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi, thư giãn, ngủ đủ giấc, giảm bớt các stress trong công việc, cuộc sống. Bỏ ngay thuốc lá, rượu bia nếu có.
Khám thai định kỳ đều đặn theo sự hướng dẫn của bác sĩ. Lịch khám thai của bạn có thể dày hơn rất nhiều so với các mẹ bầu khác.
Theo dõi cử động thai tại nhà. Mặc dù phương pháp này còn hạn chế trong việc đánh giá sức khoẻ thai nhưng nó khá tiện lợi, dễ áp dụng và tăng cường nhận thức về sức khoẻ thai của mẹ. Thời điểm bắt đầu theo dõi là sau 28 tuần.
Bác sĩ sẽ điều trị các bệnh lý nội khoa cho bạn nếu có và đồng thời theo dõi sát sao em bé để phát hiện khi nào tình trạng suy dinh dưỡng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ thai và cần chấm dứt thai kỳ!
Nguyên tắc chọn thời điểm chấm dứt thai kỳ là khi mà nguy cơ em bé mất do chậm tăng trưởng lớn hơn nguy cơ em bé mất do non tháng.
Trong đa số trường hợp bác sĩ có thể theo dõi cho bạn sinh thường. Tuy nhiên nếu sức khoẻ em bé yếu trầm trọng và có thể không chịu đựng được cuộc đẻ thì bạn có thể được mổ lấy thai
Em mang thai lần đầu và có nhóm máu hiếm Rh (-). Lộ trình em cần chích anti D như thế nào? Nếu em mang bầu lần thứ 2 có cần phải chích nữa không?
Trường hợp bạn có thai lần đầu có nhóm máu Rh-, chồng có nhóm máu Rh+, sẽ có ít nhất 50% con sinh ra sẽ có nhóm máu Rh+ giống bố.
Em sẽ được xét nghiệm sàng lọc kháng thể bất thường để tiêm globulin miễn dịch Rh (anti-D Immunoglobulin.).
Nếu chưa có kháng thể bất thường sẽ được tiêm Anti D. Tiêm anti D cần được tiến hàng dưới sự tư vấn chỉ định của bác sĩ:
Tại BV TD hiện nay tiêm 1 liều anti-D IgG 1500 IU duy nhất vào tuần thứ 28 của thai kỳ.
Bên cạnh đó, cũng cần dự phòng sau sinh, tiêm anti-D IgG 500IU – 1500 IU trong vòng 72 giờ sau khi sinh (nếu con sinh ra có nhóm máu Rh(D) dương tính).
Nếu xét nghiệm sàng lọc kháng thể cho thấy bạn đã sản xuất kháng thể thì việc tiêm Anti D sẽ không có hiệu quả. Mẹ và thai nhi sẽ được theo dõi cẩn thận và sát sao tại các trung tâm sản khoa, một số trường hợp thai nhi có thể phải truyền máu qua dây rốn hoặc ngay sau khi sinh.
Trường hợp bạn mang thai lần 2 vẫn làm xét nghiệm sàng lọc kháng thể bất thường như lần đầu ngay cả khi trước đó em đã được tiêm phòng anti-D Immunoglobulin.Vì khi đã tiêm phòng anti-D Immunoglobulin sẽ không bảo vệ sản phụ suốt đời để chống lại bệnh rhesus, do đó em vẩn cần tiêm nhắc lại đáp ứng các điều kiện cần thiết để cần phải tiêm lại.
Em bị đa ối. Có nguy hiểm gì không? Và giờ em phải làm sao?
Trên thực tế, thông thường đa ối không gây nhiều biến chứng trong phần lớn các trường hợp.
Tuy nhiên đa ối xuất hiện càng sớm trong thai kỳ và lượng dịch ối càng cao thì nguy cơ biến chứng xuất hiện càng tăng.
Đa ối có thể gây ra một số biến chứng như vỡ ối sớm, nhau bong non, sa dây rốn, tăng trưởng và phát triển của thai nhi bị hạn chế, các vấn đề với phát triển khung xương và thai chết lưu là trường hợp xấu nhất có thể xảy ra.
Mẹ tăng nguy cơ băng huyết sau sanh, nguy cơ nhiễm trùng hậu phẫu, hậu sản.
Những rủi ro này còn thay đổi tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng và nguyên nhân gây ra đa ối. Khi có dấu hiệu đa ối, bác sĩ sẽ theo dõi sát, làm các xét nghiệm cần thiết để tìm nguyên nhân và điều trị.
Vì thế mẹ cần khám thai định kỳ đều đặn, làm các xét nghiệm sàng lọc trước khi tuân thủ theo những chỉ định của bác sĩ. Ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, và giảm lượng muối, đường trong khẩu phần ăn.
Bác sĩ chẩn đoán em bị thiểu ối, vậy em uống nước nhiều thì có thể tăng lượng nước ối không? Hay em phải làm như thế nào?
Đầu tiên cần kiểm tra bạn có tình trạng rỉ ối, ối vỡ hay không bằng xét nghiệm dịch âm đạo (Nitrazine test).
Sau khi loại trừ được thiểu ối do rỉ ối hoặc ối vỡ, bạn cần thực hiện siêu âm tiền sản nhằm khảo sát và phát hiện các bất thường hình thái thai, đặc biệt bệnh lý hệ niệu của bào thai như các trường hợp loạn sản thận, tắc nghẽn đường niệu.
Trong trường hợp nước ối của bạn quá ít cản trở cho quá trình khảo sát hình thái thai, bạn có thể được thực hiện thủ thuật truyền ối đồng thời lấy nước ối để xác định di truyền thai.
Trong trường hợp thai chưa đủ tháng nếu thiểu ối mà không có dị dạng bẩm sinh lớn ở các cơ quan tiết niệu, tiêu hóa, thần kinh… có thể là do suy hay tắc một phần tuần hoàn tử cung- nhau thai, kiểm soát các bệnh lý đi kèm (tăng huyết áp, đái tháo đường), đảm bảo chế độ dinh dưỡng, Mẹ nên tập thói quen uống nhiều nước mỗi ngày trung bình 2 lít/ngày nhằm cải thiện tuần hoàn tử cung – nhau thai.
Trường hợp thiểu ối và có các dị dạng cấu trúc thai nhi cần phải làm thêm các xét nghiệm để xác định có bất thường về gen, nhiễm sắc thể hay không để có quyết định điều trị giữ thai hay chấm dứt thai kì.
Trường hợp thiểu ối kết hợp thai giới hạn tăng trưởng trong tử cung mà không tìm được nguyên nhân, phác đồ điều trị sẽ tùy thuộc vào diễn tiến tình trạng thai trong tử cung.
Em đang mang thai 10 tuần, phát hiện mới bị nhiễm Rubella, vậy em có thể tiếp tục giữ thai được không? Em bé có những nguy cơ gì?
Đối với những thai phụ chưa từng nhiễm Rubella hoặc chưa từng tiêm vacxin Rubella, nếu mẹ không may bị nhiễm Rubella trong 3 tháng đầu thai kì. Nguy cơ gây ra hội chứng rubella bẩm sinh rất cao (lên tới 90%), nên những trường hợp phụ nữ mang thai nhiễm rubella cấp trong giai đoạn này thường sẽ được bác sĩ tư vấn đình chỉ thai kỳ.
Trẻ mắc rubella bẩm sinh sẽ có nhiều biểu hiện nghiêm trọng như sinh thiếu tháng, thiếu cân, đầu nhỏ, đục thủy tinh thể, viêm phổi, viêm não, điếc, bệnh lí tim bẩm sinh, chậm phát triển trí tuệ…
Đối với những phụ nữ mang thai bị tái nhiễm Rubella, tức là đã từng bị nhiễm rubella hoặc đã tiêm chủng rubella từ trước khi mang thai thì không gây ảnh hưởng đến thai nhi, những trường hợp này cần theo dõi sát trên siêu âm khảo sát hình thái học của thai.
Nếu phụ nữ mang thai có xét nghiệm dương tính với virus Rubella thì cần bình tĩnh vì không phải bất cứ các trường hợp nhiễm Rubella khi mang thai nào cũng phải đình chỉ thai kỳ.
Ngoài ra, việc thăm khám và nhận đầy đủ tư vấn từ các bác sĩ là điều rất quan trọng và cần thiết để có những thông tin hữu ích cho cả mẹ và con được khỏe mạnh.
Em đang dùng thuốc kháng sinh và nay phát hiện mình có thai? Vậy có ảnh hưởng gì cho thai không? Giờ em phải làm sao?
Một số loại thuốc có thể không ảnh hưởng đến thai nhi, song một số kháng sinh lại có thể gây ra dị tật bẩm sinh nghiêm trọng.
Ảnh hưởng của kháng sinh lên thai phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, nên em cần làm là giữ lại toa thuốc đang dùng, nhớ lấy liều lượng, thời gian đã uống… và đến gặp bác sĩ để thăm khám. Bác sĩ đối chiếu vào đó để nắm tình hình và đưa ra phương hướng giải quyết phù hợp nhất.
Em siêu âm độ mờ da gáy tại BVTD được đo NT 1.2 là bình thường không? NT như thế nào là bất thường?
Kết quả độ mờ da gáy là 1.2mm trong giới hạn bình thường.
Độ mờ da gáy trên 3mm trong tuổi thai từ 11- 13 tuần 6 ngày là bất thường.
Tuy nhiên, cần lưu ý: kết quả đo độ mờ da gáy bình thường không thể kết luận chắc chắn rằng thai nhi có nhiễm sắc thể bình thường mà chỉ có thể phản ánh rằng các vấn đề đó khó có thể xảy ra do đó vẫn cần theo dõi khám thai định kì.
Tương tự vậy, kết quả đo độ mờ da gáy bất thường không có nghĩa là thai nhi có vấn đề về nhiễm sắc thể mà chỉ cảnh báo thai nhi có nguy cơ cao với bệnh này mà thôi.
Do đó những trường hợp thai nhi có độ mờ da gáy dày cần làm thêm các xét nghiệm chẩn đoán như sinh thiết gai nhau, hoặc chọc ối
Nguồn : Bệnh viện Từ Dũ