Trẻ táo bón kéo dài có thể trở thành mạn tính, gây nhiều biến chứng như trĩ, nứt hậu môn, sa trực tràng, ảnh hưởng đến sức khỏe và tinh thần.
BS.CKI Vũ Hoàng Minh Hải – Trưởng khoa Nhi – PKĐK Bình An, cho biết trẻ táo bón thường có triệu chứng như đi đại tiện ít hơn hai lần một tuần, phân cứng, có máu, khô hoặc vón cục, đau bụng. Trẻ sợ đau có thể tránh đi đại tiện, nếu kéo dài gây biến chứng tiềm ẩn.
Trĩ
Phân ứ đọng quá lâu trong trực tràng làm cản trở lưu thông tuần hoàn máu. Đại tiện khó khăn do phân cứng, vón cục có thể khiến tĩnh mạch ở hậu môn căng lên. Các mạch máu ở hậu môn chịu áp lực lớn khi táo bón lâu ngày dẫn đến mạch máu giãn nở tạo thành búi trĩ. Trĩ là biến chứng khá nghiêm trọng ở trẻ, kéo dài có thể gây thiếu máu, đau khi đi đại tiện ở tuổi trưởng thành.
Nứt hậu môn
Tích tụ phân lâu ngày trong trực tràng khiến phân tạo thành khối rắn, đặc. Trẻ đi đại tiện khó khăn khi tống phân ra ngoài, phải rặn nhiều gây nứt hậu môn.
Viêm đại tràng
Trực tràng, hậu môn tồn tại nhiều vi khuẩn. Phân cứng và tồn đọng ở trực tràng lâu ngày sinh ra độc tố gây viêm đại tràng. Nếu trẻ không vệ sinh sạch sẽ, vết nứt do táo bón có thể gây nhiễm trùng, dẫn đến áp xe hậu môn. Quá trình điều trị trở nên phức tạp, ảnh hưởng lớn đến tâm lý và sức khỏe của bé.
Chán ăn, chậm lớn
Táo bón kéo dài, trẻ đầy bụng nên thường cảm thấy chán ăn, suy đường ruột, chướng bụng. Cơ thể trẻ không hấp thụ đủ chất dinh dưỡng, vitamin và khoáng chất cần thiết dẫn đến sụt cân, suy dinh dưỡng, phát triển không đồng đều về thể chất, tinh thần.
Mất phản xạ vệ sinh
Tình trạng này kéo dài có thể làm giãn đại tràng, mất phản xạ muốn đi vệ sinh. Ứ đọng phân trong ruột gây đau bụng tái phát làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh lý khi trưởng thành.
Táo bón ở trẻ là vấn đề thường gặp. Hầu hết trường hợp trẻ táo bón cơ năng (do chế độ ăn uống thiếu chất xơ, chế độ vận động, sinh hoạt). Cha mẹ nên khuyến khích con thực hiện những thay đổi đơn giản trong chế độ ăn uống, ăn nhiều trái cây, rau quả giàu chất xơ, uống nhiều nước…; tạo thói quen đi vệ sinh hàng ngày.
Phụ huynh đưa trẻ đi khám nếu tình trạng kéo dài hơn hai tuần hoặc kèm theo sốt, không ăn, máu trong phân, sưng bụng, giảm cân, đau khi đi đại tiện.