PKĐK BÌNH AN – Hội chứng ruột kích thích (HCRKT) không gây tử vong nhưng kéo dài khiến bệnh nhân bị tâm lý lo lắng, mệt mỏi, suy nhược, ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng sống. Dưới đây là các cách khắc phục tình trạng này.
Hội chứng ruột kích thích là bệnh lý đặc trưng bởi các rối loạn chức năng của ống tiêu hóa với biểu hiện chủ yếu ở đại tràng, tái phát nhiều lần mà không tìm được các thương tổn về giải phẫu, cấu trúc, sinh hóa ở ruột.
Bệnh nhân thường có thêm đau cơ khớp, trầm cảm, hội chứng mệt mỏi mạn tính. Thường ở người trẻ, xuất hiện nhiều hơn ở phụ nữ.
Nguyên nhân và triệu chứng hội chứng ruột kích thích
- Nguyên nhân
Một số nguyên nhân có thể dẫn tới Hội chứng ruột kích thích
– Thay đổi chức năng trong não sau những sang chấn tâm lý, lo lắng, căng thẳng, hoảng sợ …
– Không thể dung nạp một số loại thức ăn: hydratcarbon chuỗi ngắn, gluten, sữa và các sản phẩm của sữa
– Sau nhiễm trùng: viêm nhiễm, thay đổi khả năng hấp thu của ruột, rối loạn hệ vi khuẩn đường ruột
– Bất thường trong chuyển hóa serotonin
– Thay đổi về gen.
– Thức ăn không thích hợp với bệnh nhân, thức ăn ít chất xơ cũng hay gây rối loạn chức năng ống tiêu hóa.
- Triệu chứng
Do bệnh biểu hiện rối loạn trên toàn bộ ống tiêu hóa nhưng triệu chứng của bệnh thể hiện ở dạ dày và chủ yếu là ở đại tràng. Khi ruột tăng vận động, thức ăn được di chuyển quá nhanh qua ruột, nước sẽ không được tái hấp thu đầy đủ nên lòng ruột có nhiều nước, sẽ hình thành phân lỏng, người bệnh đi ngoài phân lỏng; ngược lại nếu ruột bị ‘lười’ vận động, thức ăn di chuyển quá chậm trong ruột, nước sẽ được tái hấp thu vào mạch máu quá nhiều, khi đó phân sẽ cứng và người bệnh bị táo bón.
Vì vậy, triệu chứng thường gặp nhất là:
– Đau bụng, trong đó thường thấy đau ở vùng hạ vị hoặc hố chậu trái, cũng có thể đau ở bên phải hoặc thượng vị, đau có thể chạy dọc theo khung đại tràng. Mặc dù vậy, triệu chứng quan trọng của hội chứng ruột kích thích là tình trạng đau bụng quặn, thường di chuyển lúc đau chỗ này, lúc đau chỗ khác. Đôi khi bệnh nhân chỉ có cảm giác khó chịu, nặng tức, ấm ách khó chịu, đầy hơi tập trung chủ yếu ở vùng dưới rốn.
– Hay bị tiêu chảy, phân lỏng như nước hoặc phân sền sệt, có thể lẫn với chất nhầy, phân không bao giờ có máu.
– Bệnh nhân cũng có cảm giác mệt mỏi, chóng mặt, nhức đầu, mất ngủ, trầm cảm, đau nhức cơ, hồi hộp, đau tức ngực, cảm giác khó thở.
– Trướng bụng là triệu chứng thường gặp. Đặc điểm của trướng bụng trong hội chứng ruột kích thích là sau ngủ dậy thì không thấy hoặc chỉ bị nhẹ, sau đó tăng dần. Ngoài ra có thể có các triệu chứng như buồn nôn, cảm giác vướng ở họng.
Các giải pháp hạn chế hội chứng ruột kích thích
Mặc dù là bệnh lành tính, không gây tử vong nhưng để điều trị dứt không phải dễ. Việc điều trị chủ yếu làm giảm triệu chứng giúp cho người bệnh đỡ khó chịu. Đó là:
Điểu chỉnh chế độ dinh dưỡng – giải pháp quan trọng nhất để hạn chế HCRKT
Phải tìm được một chế độ ăn thích hợp cho bệnh nhân như:
- Tăng thức ăn xơ, giúp cho cả táo bón và tiêu chảy, giảm đồ béo, cay.
- Đều đặn, cân đối thành phần thức ăn, số lượng ăn vừa phải. Không nên ăn thất thường, hình thức ăn quá đa dạng …
- Khi đang có triệu chứng rối loạn tiêu hóa như đau bụng, tiêu chảy… nên tránh ăn các thức ăn, nước uống không thích hợp.
- Nên chia làm nhiều bữa nhỏ, tránh ăn quá no.
- Không nên ăn các thức ăn khó tiêu, dễ sinh hơi .
- Tránh các đồ uống nhiều đường và có gas, những thức ăn để lâu, bảo quản không tốt.
Thay đổi và cân bằng lối sống
- Người bệnh cần có chế độ làm việc điều độ.
- Cần giảm hoặc loại bỏ stress, tăng cường các hoạt động thể chất, tạo một cuộc sống nhẹ nhàng, thanh thản.
- Luyện tập thói quen đại tiện mỗi ngày một lần.
- Tập khí công, yoga , thể dục thể thao thường xuyên cùng với các phương pháp thư giãn… cũng góp phần đáng kể vào việc làm giảm các triệu chứng của HCRKT.
- Ngủ sâu, ngủ đủ.
- Người bệnh nên đi khám chuyên khoa tiêu hóa để được tư vấn dùng thuốc.