Chăm sóc sức khỏe, Dịch vụ - khuyến mãi

Làm gì khi trẻ dậy thì nổi mụn trứng cá?

Khi trẻ bị mụn trứng cá ở tuổi dậy thì, cha mẹ nên hướng dẫn con cách chăm sóc da và ăn uống hợp lý để cải thiện tình trạng, tránh mất tự tin.

BS CKI Nguyễn Văn Hoàng, trưởng  khoa Da liễu – PKĐK Bình An, cho biết mụn trứng cá là tình trạng viêm da có thể xảy ra ở bất kỳ giai đoạn nào trong cuộc đời. Tuy nhiên, mụn trứng cá thường bắt đầu ở tuổi dậy thì, nhiều nhất trong độ tuổi 14-19 tuổi và giảm dần sau đó.

Mụn trứng cá ảnh hưởng đến khoảng 95% thanh thiếu niên. Trong đó, tỷ lệ ở tuổi vị thành niên là 77% nam và 89% nữ; ở người trưởng thành là 82% nam và 92% nữ. Nguyên nhân là do ở tuổi dậy thì hormone giới tính androgen gia tăng. Hormone dư thừa khiến tuyến dầu trên da hoạt động quá mức, sản xuất nhiều dầu hoặc bã nhờn làm các lỗ chân lông hoặc nang lông tắc nghẽn gây mụn nhiều hơn.

Ngoài ra, mỹ phẩm, kem bôi mặt, thuốc nhuộm tóc, da đầu nhờn, đổ mồ hôi nhiều khi tập thể dục, khí hậu nóng ẩm, căng thẳng cũng có thể tăng tiết dầu, làm tắc nghẽn lỗ chân lông, hình thành mụn trứng cá. Quần áo cọ xát vào da có thể làm mụn trứng cá nặng hơn (thường gặp ở lưng, ngực).

Mụn trứng cá rất phổ biến ở các bé gái trong độ tuổi 14 - 19 tuổi. Ảnh: Freepik

Mụn trứng cá rất phổ biến ở các bé gái trong độ tuổi 14 – 19 tuổi. Ảnh: Freepik

Trẻ có khả năng bị mụn trứng cá cao nếu cha mẹ từng bị mụn trứng cá. Do đó, Bác sĩ CKI Nguyễn Văn Hoàng lưu ý, khi con cái bước vào tuổi dậy thì, cha mẹ nên quan tâm, hỗ trợ con cải thiện tình trạng này, tránh để trẻ thiếu tự tin, thậm chí trầm cảm, e ngại các hoạt động tập thể do bị mụn.

Cha mẹ cần hướng dẫn con chăm sóc và vệ sinh da sạch sẽ. Trẻ phải tẩy trang trước khi đi ngủ, rửa mặt 2 lần/ngày. Không rửa mặt quá nhiều vì có thể làm khô da, nổi mụn nhiều hơn. Bên cạnh đó, cần chọn sữa rửa mặt dịu nhẹ, không chứa xà phòng, rửa bằng nước ấm. Không chà xát mặt để tránh gây kích ứng da, làm mụn trứng cá nặng hơn.

Trường hợp trẻ đang sử dụng retinoids để điều trị mụn trứng cá thì da dễ bị bỏng hơn nên cần thoa kem chống nắng để bảo vệ da. Phụ huynh nên lựa chọn những sản phẩm chống nắng có chỉ số SPF từ 30 trở lên để khả năng bảo vệ hiệu quả hơn, sản phẩm có nhãn “không gây mụn” hoặc “không chứa dầu”. Ngoài ra, có thể cho con dùng kem dưỡng ẩm chứa sẵn kem chống nắng.

Không để trẻ đeo băng che mụn hoặc mặc quần áo quá chật vì có thể làm da tăng tiết dầu, vi khuẩn dễ xâm nhập vào da, tắc lỗ chân lông. Nên mặc quần áo cotton, rộng rãi, thấm hút mồ hôi tốt. Rửa mặt, tắm ngay sau khi tập thể dục thể thao để giữ cho lỗ chân lông được sạch, thông thoáng. Tránh để trẻ tự nặn mụn tại nhà gây sẹo, thâm, thậm chí nhiễm trùng.

Chế độ ăn uống cũng có vai trò quan trọng trong việc sản sinh mụn trứng cá. Một số loại thực phẩm có thể góp phần gây mụn như: sữa, đồ ngọt, các đồ ăn chế biến sẵn. Do đó, cha mẹ nên hướng dẫn cho con thói quen ăn uống lành mạnh, nhiều rau xanh, bổ sung các loại trái cây trong bữa ăn hàng ngày. Đồng thời, uống đủ 1,5 – 2 lít nước mỗi ngày giúp giữ ẩm cho da, ngăn tích tụ tế bào da chết, góp phần duy trì làn da sạch mụn.

Bác sĩ CKI Nguyễn Văn Hoàng đang tư vấn tình trạng da cho khách hàng sau khi soi da bằng máy chuyên dụng

Bác sĩ CKI Nguyễn Văn Hoàng cho hay, đa số thanh thiếu niên sẽ hết mụn khi trưởng thành, hết tuổi dậy thì. Tuy nhiên, nếu trẻ mụn trứng cá nghiêm trọng, kéo dài, gây ảnh hưởng đến tinh thần, sinh hoạt, học tập, cha mẹ nên đưa trẻ đến bác sĩ chuyên khoa Da liễu  thăm khám để được hỗ trợ điều trị mụn trứng cá hiệu quả, an toàn, tránh các biến chứng, di chứng do mụn (sẹo rỗ, da sần sùi…).