Người bệnh tiểu đường dễ bị tăng hoặc hạ đường huyết, say nắng, có thể dẫn đến sốc nhiệt, rối loạn điện giải khi nắng nóng kéo dài.
Thời tiết Bình Dương nắng nóng kéo dài khiến nhiều người khó chịu, mệt mỏi. Nhiệt độ tác động phần nào đến việc kiểm soát đường huyết của người bệnh tiểu đường.
Bác sĩ CKI Bùi Văn Quý – Trưởng khoa nội – PKĐK Bình An, cho biết người tiểu đường type 1 và type 2 sẽ cảm thấy nóng, dễ kiệt sức và say nắng hơn người không mắc bệnh này. Một số biến chứng tiểu đường như tổn thương mạch máu và dây thần kinh có thể ảnh hưởng đến tuyến mồ hôi, khiến cơ thể không thể làm mát như người bình thường.
Người bệnh có nguy cơ đối mặt với các vấn đề về sức khỏe khác trong ngày nắng nóng như sau:
Mất nước: Nồng độ glucose (đường) trong máu cao làm người bệnh dễ bị mất nước hơn người bình thường. Người bệnh tiểu đường bị mất nước, lượng đường trong máu tăng lên. Tăng đường huyết dẫn đến đi tiểu thường xuyên, tăng nguy cơ mất nước. Càng mất nước, đường huyết càng tăng. Vòng tuần hoàn giữa mất nước và đường huyết cao lặp lại ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Người bệnh tiểu đường đi kèm bệnh tăng huyết áp đang uống thuốc lợi tiểu (thuốc điều trị tăng huyết áp) có thể khiến tình trạng mất nước trầm trọng. Mất nước làm tăng nguy cơ tăng áp lực thẩm thấu do tăng đường huyết hoặc nhiễm toan ceton (tích tụ nhiều chất chuyển hóa dạng ceton có tính axit trong máu).
Thay đổi cách cơ thể sử dụng insulin: Người bệnh đang điều trị bệnh bằng insulin cần lưu ý nhiệt độ cao có thể khiến cơ thể hấp thu insulin nhanh hơn, làm tăng khả năng hạ đường huyết. Người bệnh cần kiểm tra đường huyết thường xuyên hơn, hỏi ý kiến bác sĩ để điều chỉnh insulin phù hợp. Nhiệt độ từ 33 đến 35 độ C có thể làm hỏng insulin, nên cẩn trọng để tránh dùng insulin bị hỏng.
Sốc nhiệt: Người tiểu đường dễ mất nước kèm chức năng điều hòa thân nhiệt của cơ thể hoạt động không tốt nên dễ sốc nhiệt hơn, theo bác sĩ Quý.
Các triệu chứng của sốc nhiệt bao gồm đau đầu, buồn nôn, chóng mặt, mệt mỏi, cáu gắt, khát nhiều. Tình trạng tiến triển nặng hơn với các dấu hiệu như lú lẫn, thay đổi trạng thái tinh thần, giọng nói, hôn mê, da nóng, khô hoặc đổ nhiều mồ hôi, co giật, nhiệt độ cơ thể cao, nếu không được điều trị kịp thời đe dọa đến tính mạng.
Để hạn chế tác động của nắng nóng đến sức khỏe, người bệnh nên uống đủ nước 1,5-2 lít mỗi ngày, ngay cả khi không khát để tránh mất nước. Không uống rượu và đồ uống có chứa caffein (như cà phê, nước tăng lực) vì dễ mất nước và tăng lượng đường trong máu. Mặc quần áo rộng rãi, sáng màu, thoa kem chống nắng và che chắn nắng khi ra ngoài. Không đi chân trần, làm mát nhà ở bằng quạt, điều hòa…
Người bệnh cần bảo quản thuốc và các vận dụng y tế cẩn thận hơn. Insulin và thuốc viên hạ đường huyết cũng như các thiết bị theo dõi đường huyết nên được bảo quản ở nơi thoáng mát, tránh nhiệt độ cao và ánh nắng trực tiếp.
Nếu tập thể dục nên chọn vào buổi sáng sớm hoặc buổi chiều mát mẻ. Kiểm tra lượng đường trong máu trước và sau khi hoạt động thể chất. Bổ sung thêm nước trước, trong và sau thời gian tập thể dục để tránh mất nước.
Bác sĩ Quý khuyến cáo người bệnh tiểu đường chủ động bảo vệ sức khỏe giúp giảm tác động từ môi trường lên kết quả điều trị bệnh. Trường hợp người bệnh cảm thấy sức khỏe không tốt hay xuất hiện các triệu chứng lạ cần đến gặp bác sĩ để được khám và điều trị sớm.