Chăm sóc sức khỏe, Dịch vụ - khuyến mãi

Những người dễ bị nhồi máu cơ tim

Người có thói quen hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia, mức cholesterol và chất béo trung tính trong máu cao có nguy cơ nhồi máu cơ tim.

Nhồi máu cơ tim (cơn đau tim cấp) xảy ra khi lưu lượng máu đến tim bị giảm hoặc cắt đứt hoàn toàn, gây tổn thương tim. Tình trạng này do chất béo, cholesterol và các chất khác gọi chung là mảng bám, lắng đọng dọc theo động mạch vành. Theo thời gian, mảng bám thu hẹp động mạch, hạn chế lưu lượng máu đến tim hoặc có thể vỡ ra, gây xơ vữa động mạch, tăng nguy cơ hình thành cục máu đông.

Theo Hiệp hội Tim mạch Mỹ, ngoài những yếu tố nguy cơ không thể thay đổi như giới tính, tuổi tác, di truyền, nhồi máu cơ tim có thể xảy ra ở nhóm người sau.

Cholesterol trong máu cao

Gan tạo ra cholesterol, gồm hai loại LDL và HDL, đóng vai trò thiết yếu trong sản xuất hormone, cấu trúc màng tế bào. Người có mức LDL cholesterol cao có nguy cơ xơ vữa động mạch, về lâu dài có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim.

Ăn thực phẩm có chứa cholesterol như lòng đỏ trứng, thịt, thải sản và các sản phẩm từ sữa nguyên chất béo có thể không làm tăng cholesterol trong máu. Thay vào đó, chế độ ăn nhiều chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa là nguyên nhân thường gặp khiến cholesterol cao.

Nhồi máu cơ tim xảy ra khi lưu lượng máu đến tim bị giảm hoặc dừng hoàn toàn. Ảnh: Freepik

Nhồi máu cơ tim xảy ra khi lưu lượng máu đến tim giảm hoặc dừng hoàn toàn. Ảnh: Freepik

Chất béo trung tính cao

Cùng với mức LDL tăng cao, hàm lượng chất béo trung tính vượt quá mức cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh xơ vữa động mạch. Triglyceride là chất béo phổ biến trong cơ thể, có trong một số thực phẩm, được lưu trữ bên trong các tế bào mỡ.

Cơ thể cũng chuyển đổi một số thực phẩm tiêu thụ thành chất béo trung tính. Cụ thể, người ăn quá nhiều calo, thực phẩm giàu chất béo hoặc soda, đồ ngọt tạo ra lượng calo thừa và chuyển hóa thành chất béo trung tính.

Để phòng tránh tăng LDL cholesterol và chất béo trung tính, mỗi người nên giảm chất béo bão hòa trong chế độ ăn uống với lượng tiêu thụ chỉ nên 5-6% lượng calo hàng ngày. Loại chất béo này có nhiều trong thịt, các sản phẩm từ sữa, dầu dừa, dầu cọ. Tiêu thụ nhiều ngũ cốc nguyên hạt, thực phẩm từ thực vật như rau, trái cây, đậu, các loại đậu và đậu phụ… tốt cho sức khỏe.

Uống quá nhiều rượu

Gan phân hủy rượu, chuyển hóa thành cholesterol và chất béo trung tính. Uống quá nhiều rượu có thể làm tăng cả mức cholesterol xấu và chất béo trung tính trong cơ thể. Nam giới không uống quá hai ly và một ly mỗi ngày đối với nữ. Mức khuyến cáo các đồ uống khác khoảng 340 ml bia, 142 ml rượu vang hoặc 43 ml rượu mạnh chưng cất khoảng 80 độ.

Lười tập thể dục

Tập thể dục thường xuyên tăng cường sức khỏe trái tim. Hoạt động thể chất khuyến khích sự phát triển của các mạch máu phụ nối với các động mạch chính tới tim. Giả sử khi các động mạch bị tắc nghẽn, các mạch máu phụ này có thể thay thế để hỗ trợ cung cấp oxy và chất dinh dưỡng.

Các bài tập cường độ vừa phải như đi bộ, đạp xe nên duy trì 150 phút và 75 phút cường độ cao như nâng tạ, chạy bộ, squat mỗi tuần có thể hữu ích.

Hút thuốc hoặc tiếp xúc khói thuốc

Sự kết hợp của carbon monoxide và nicotin trong thuốc lá làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim. Chúng không chỉ làm giảm lượng oxy được vận chuyển bởi các tế bào hồng cầu mà còn khiến cholesterol lắng đọng ở lớp lót bên trong động mạch, dẫn đến xơ vữa động mạch.

Nicotine cũng có thể làm cứng thành động mạch, theo thời gian gây hạn chế lưu lượng máu dẫn đến nhồi máu cơ tim. Người không hút thuốc nhưng tiếp xúc với khói thuốc thụ động cũng dễ có nguy cơ mắc bệnh.

Căng thẳng

Căng thẳng ảnh hưởng tiêu cực đến trái tim. Stress không trực tiếp gây ra đau tim nhưng lối sống có thể ảnh hưởng đến tim như hút thuốc, ăn nhiều chất béo bão hòa, uống nhiều rượu… Một số cách giúp kiểm soát căng thẳng như tập thể dục, yoga, thiền và ngủ đủ giấc mỗi đêm.