Nhiều người lầm tưởng rằng loãng xương chỉ xảy ra ở phụ nữ. Thực tế là, loãng xương có thể xảy ra ở cả hai giới nam và nữ. Loãng xương có thể được chẩn đoán và dự báo bằng cách đo kiểm tra mật độ khoáng xương.
1. Nguyên nhân của bệnh loãng xương
Loãng xương là tình trạng rối loạn chuyển hóa của xương
Loãng xương là tình trạng rối loạn chuyển hóa của xương, xương bị suy yếu cấu trúc và giảm khối lượng dẫn đến xương mỏng, xốp và dễ gãy.
Xương phát triển qua quá trình tái tạo và tu sửa mô xương gọi là chu chuyển xương. Xương mới được hình thành để thay thế cho xương cũ bị đào thải đi. Trước năm 30 tuổi, quá trình tạo xương sẽ diễn ra mạnh hơn phá hủy nên xương phát triển và mạnh khỏe. Sau năm 30 tuổi, quá trình tu sửa xương vẫn diễn ra nhưng sự tạo xương chậm lại dẫn đến xương bị suy yếu, mỏng và xốp hơn. Nếu một người khi còn trẻ có được khối lượng và cấu trúc xương tốt thì sẽ ít có nguy cơ bị loãng xương hơn khi về già.
Bên cạnh đó, các khoáng chất có trong xương, các hormone nội tiết tố và các cytokin cũng là các yếu tố quyết định hoạt động của chu chuyển xương và mật độ xương. Nếu canxi và các khoáng chất trong xương không đầy đủ sẽ ảnh hưởng đến mật độ và sức mạnh của xương. Hormone estrogen (nội tiết tố nữ) và androgen (nội tiết tố nam) thấp sẽ làm tăng quá trình mất xương. Đó là lý do phụ nữ mãn kinh sớm, nam giới bị thiểu năng sinh dục có nguy cơ cao bị loãng xương.
Có một số yếu tố làm tăng nguy cơ loãng xương như:
– Thiếu canxi và vitamin D;
– Thường xuyên hút thuốc lá và uống quá nhiều rượu bia;
– Suy dinh dưỡng hoặc ăn uống thiếu chất;
– Ít vận động;
– Mắc một số bệnh suy giảm tuyến sinh dục nam & nữ như: suy buồng trứng sớm, cắt buồng trứng, thiểu năng tinh hoàn…;
– Sử dụng dài hạn các thuốc corticosteroid, heparin, phenyltoin;
– Tiền sử gia đình bị loãng xương hoặc gãy xương cột sống, xương vùng hông.
2. Triệu chứng của bệnh loãng xương
Đa số các trường hợp loãng xương không có biểu hiện lâm sàng cho đến khi xảy ra tình trạng gãy xương. Một số triệu chứng có thể xảy ra khi một người đã bị loãng xương là:
– Đau ở lưng, háng, mông, đùi hoặc đầu gối ở nhiều mức độ khác nhau.
– Chiều cao giảm dần đi theo độ tuổi.
– Dáng đi khom, lưng gù.
– Gãy xương đốt sống, xương cổ tay, xương vùng hông (trong đó có gãy cổ xương đùi) … sau một cú ngã hoặc chấn thương nhẹ.
3. Phương pháp chẩn đoán loãng xương
Đo loãng xương bằng phương pháp DEXA là phương pháp hấp thụ tia X năng lượng kép (Dual Energy X-ray Absorptiometry) để xác định mật độ xương. Phương pháp này được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công nhận là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán loãng xương, được sử dụng rộng rãi trên toàn thế giới.
Một số phương pháp khác được ứng dụng để đo mật độ xương như:
– Phương pháp siêu âm định lượng: Là phương pháp chẩn đoán mật độ xương thông qua tốc độ truyền âm hoặc chỉ số hấp thụ sóng siêu âm dải rộng.
– Kỹ thuật chụp cắt lớp nhiều mặt cắt (MSCT Scanner): là công cụ đo độ dày của vỏ xương nhằm thăm dò độ vững chắc của xương.
– Kỹ thuật CT Scan: tái tạo cấu trúc 3D của xương qua đó đánh giá chất lượng xương.
– Phương pháp micro MRI: sinh thiết xương ống nhằm đánh giá chất lượng và cấu trúc xương để chẩn đoán và theo dõi loãng xương trong tương lai.
4. Ai nên thực hiện đo loãng xương
Đo mật độ xương để phát hiện nguy cơ loãng xương
Loãng xương sẽ khiến một người dễ bị gãy xương do té ngã. Những vị trí dễ gãy là xương vùng hông (trong đó có gẫy cổ xương đùi), xương cổ tay và xương đốt sống. Mặc dù hiện nay đã có nhiều tiến bộ trong phẫu thuật nhưng biến chứng của gãy xương do loãng xương, đặc biệt ở người cao tuổi vẫn là một vấn đề lớn ảnh hưởng tới sức khỏe người bệnh và chi phí của xã hội. Các vị trí gãy quan trọng như xương đốt sống, xương vùng hông có thể gây ra biến chứng như đau đớn, tàn phế, thậm chí là tử vong.
Vì vậy chúng ta nên tầm soát loãng xương để phát hiện nguy cơ, chẩn đoán mức độ loãng xương và dự đoán nguy cơ gãy xương trong tương lai.
Những đối tượng sau nên thực hiện đo mật độ xương:
– Phụ nữ mãn kinh sớm;
– Phụ nữ và nam giới trên 50 tuổi có yếu tố nguy cơ;
– Người trên 50 tuổi từng gãy xương ở độ tuổi trưởng thành;
– Người có trọng lượng cơ thể thấp, chỉ số BMI ≤ 18.5 kg/m2;
– Người sử dụng glucocorticoid với liều lượng ≥ 5mg prednisone;
– Người thường xuyên hút thuốc lá, uống rượu bia và caffein;
– Người bị suy dinh dưỡng, còi xương ở thời kỳ trước khi trưởng thành;
– Người thường bị té ngã, yếu cơ;
– Người có tiền sử gia đình bị loãng xương hoặc bị gãy xương, đặc biệt là gãy xương cột sống và hông;
– Người bị thiếu canxi và vitamin D;
– Người bị bệnh nội tiết, bệnh thận hoặc hội chứng cushing;
– Người bị các bệnh về xương khớp như thoái hóa khớp, viêm khớp dạng thấp…;
– Người đang điều trị bệnh loãng xương.
Một số lưu ý trước khi đo mật độ xương:
– Không đo phụ nữ có thai;
– Chỉ đo loãng xương sau 07 ngày nếu trước đó có chụp CT hoặc MRI;
– Không sử dụng các chất sau trong vòng 07 ngày trước khi đo loãng xương: thuốc cản quang chứa iod, baryt, đồng vị phóng xạ;
– Không đo khi vị trí định đo có dụng cụ kim loại (sẽ chuyển đo ở vị trí khác).
5. Cách phòng tránh bệnh loãng xương
Nguyên nhân dẫn đến loãng xương phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Tuy nhiên, bạn có thể hạn chế nguy cơ loãng xương bằng các cách sau đây:
– Bổ sung canxi bằng dinh dưỡng: Những người trên 50 tuổi nên bổ sung canxi 1200mg/ngày. Sữa là nguồn cung cấp canxi quan trọng nhất. Ngoài ra canxi có trong rau ngót, cải xoăn, bông cải xanh, trái cây màu đậm, cá nhỏ ăn nguyên con, cá hồi, cá mòi, đậu nành, đậu phụ, hạnh nhân…Nếu lượng canxi từ thực phẩm không đủ, có thể bổ xung canxi dược phẩm theo chỉ định của các bác sĩ
– Vitamin D: Cơ thể người có thể tự hấp thụ vitamin D từ ánh nắng mặt trời. Bên cạnh đó có thể bổ sung vitamin D bằng cách ăn lòng đỏ trứng, cá biển, bột mì, ngũ cốc… hoặc uống viên vitamin D theo theo chỉ định của bác sĩ.
– Tập thể dục: Các bài tập thể chất hỗ trợ quá trình xây dựng xương, làm chậm quá trình mất xương. Những bài tập chịu trọng lực tác động nhiều vào chân, hông và cột sống là những bài tập tốt cho xương. Bao gồm đi bộ, nhảy dây, chạy bộ, tennis, cầu lông, bóng chuyền, nhảy múa và cử tạ…
– Không hút thuốc: Thuốc lá làm giảm nội tiết tố và hạn chế khả năng hấp thu canxi.
– Không uống nhiều rượu bia: Nếu uống trên 2 ly rượu mỗi ngày sẽ hạn chế khả năng hấp thu canxi của hệ tiêu hóa, đẩy nhanh quá trình mất xương.
– Phòng tránh té ngã: Tất cả mọi người đều cần phòng tránh té ngã, đặc biệt là người cao tuổi. Đối với những vị trí dễ ngã như cầu thang, bậc cửa, nhà tắm, nhà vệ sinh, dốc… cần cẩn thận hơn.
Bên cạnh việc duy trì thói quen ăn uống và sinh hoạt lành mạnh, bạn cũng nên tầm soát mật độ xương định kỳ. Hiện nay, với các phương pháp đo mật độ xương hiện đại, đặc biệt là phương pháp DEXA – được thực hiện đơn giản, có độ chính xác cao và an toàn, các bác sĩ có thể dễ dàng chẩn đoán mức độ loãng xương của bạn, giúp bạn hiểu rõ tình trạng xương của mình ở hiện tại và biết được nguy cơ gãy xương có thể xảy ra trong tương lai để có những biện pháp tích cực nhằm ngăn chặn các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.