Chăm sóc sức khỏe, Dịch vụ - khuyến mãi, Góc Mẹ và Bé

Dấu hiệu cảnh báo trẻ mắc cúm A

Trẻ mắc cúm A có dấu hiệu thở nhanh, rút lõm lồng ngực, tím môi và đầu chi, sốt cao khó hạ, co giật, nôn trớ, cần điều trị sớm, tránh biến chứng.

Cúm A là bệnh lý viêm đường hô hấp cấp tính, do chủng virus phổ biến như H1N1, H3N2, H5N1, H7N9 gây nên. Trong đó, chủng H7N9 và H5N1 lưu hành ở gia cầm, nguy cơ lây sang người.

Bác sĩ CKI Vũ Hoàng Minh Hải, trưởng khoa Nhi, PKĐK Bình An, cho biết bệnh lây truyền qua đường hô hấp. Khi người bệnh ho, hắt hơi, giọt bắn chứa virus phát tán trong không khí, người lành hít vào có thể nhiễm bệnh. Virus cúm A có thể cư trú ở nhiều vật chủ khác nhau hoặc ở môi trường có điều kiện lưu thông không khí kém, nhiệt độ thấp… Do đó, sử dụng chung đồ dùng sinh hoạt, tiếp xúc chung bề mặt với người bệnh sau đó đưa tay lên mắt, mũi, miệng; hoặc tiếp xúc với động vật nhiễm virus cũng dễ mắc bệnh.

Biểu hiện trẻ mắc cúm A gồm sốt cao liên tục 38-39 độ C, chậm đáp ứng thuốc hạ sốt, ăn kém, mệt mỏi, quấy khóc, nhiều trường hợp co giật.

Theo bác sĩ Hải, cúm A ở trẻ nhỏ hiện có những diễn biến đặc biệt. Nhiều bệnh nhi bộc lộ triệu chứng ban đầu ở đường tiêu hóa như nôn trớ, tiêu chảy thay vì các dấu hiệu viêm long đường hô hấp thường thấy như sổ mũi, ngạt mũi, ho, đau họng. Nhiều bé sốt cao, nôn trớ, tiêu chảy nhiều dẫn đến tụt huyết áp, gia đình đưa đi cấp cứu mới biết con nhiễm cúm A. Không ít trường hợp cả nhà cùng nhập viện do lây chéo trong gia đình.

Bác sĩ Hải đang khám bệnh tại Khoa Nhi - PKĐK Bình An

Bác sĩ Hải đang khám bệnh tại Khoa Nhi – PKĐK Bình An

Bệnh dễ diễn tiến nặng, nhất là ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, có bệnh thần kinh, tim mạch, nội tiết, suy giảm miễn dịch (HIV, sử dụng corticoid kéo dài)… Lúc này trẻ đối mặt với nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm tai giữa, viêm thanh khí phế quản, viêm phổi, suy hô hấp, viêm màng não, viêm cơ tim cấp, tử vong.

Những dấu hiệu cảnh báo trẻ mắc cúm A diễn tiến nặng gồm thở nhanh, rút lõm lồng ngực, co rút hõm ức, tím môi, tím đầu chi, sốt cao trên 39 độ, không đáp ứng thuốc hạ sốt, li bì, mệt mỏi, co giật, bỏ ăn, nôn trớ hoặc tiêu chảy, chân tay lạnh… Phụ huynh nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế để điều trị đúng cách.

Hiện, thời tiết trong giai đoạn chuyển mùa, chênh lệch nhiệt độ và độ ẩm không khí tạo điều kiện thuận lợi cho virus lây bệnh cúm phát triển. Tốc độ đô thị hóa nhanh, giao lưu đi lại có thể khiến dịch lây lan rộng.

Phụ huynh cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng của trẻ. Ưu tiên đồ ăn chế biến dưới dạng lỏng, dễ tiêu như cháo, súp, các món hầm nhừ. Tăng cường thực phẩm giàu đạm (thịt, cá, trứng, ngũ cốc, sữa ít béo), vitamin (rau củ, trái cây) và uống nhiều nước. Nếu trẻ mệt, biếng ăn, nên chia nhỏ bữa ăn thành nhiều lần trong ngày.

Bé nên uống nhiều nước hơn bình thường hoặc bổ sung dung dịch bù điện giải oresol theo đúng hướng dẫn. Trẻ bú mẹ hoàn toàn nên tăng cữ và thời gian bú. Chú ý theo dõi tần suất đi tiểu, lượng nước tiểu và màu sắc nước tiểu của trẻ để kịp thời phát hiện trường hợp trẻ mất nước. Khi mất nước nặng, trẻ thường có biểu hiện môi, da khô, lạnh; khát nước; mắt trũng; tiểu ít hoặc nước tiểu vàng đậm; li bì, nếp véo da mất chậm… Lúc này, trẻ cần được truyền dịch.

Phụ huynh thường xuyên vệ sinh mũi, họng cho trẻ bằng nước muối sinh lý để làm sạch đường thở, giảm nghẹt mũi. Vệ sinh cơ thể cho trẻ bằng nước ấm, mặc quần áo rộng rãi, có khả năng thấm hút mồ hôi tốt, phòng nghỉ ngơi thông thoáng, ít gió…

Để phòng ngừa mắc bệnh, phụ huynh cần cho trẻ bổ sung đa dạng chất dinh dưỡng; giữ ấm cơ thể khi thời tiết chuyển mùa; vệ sinh tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch nước sát khuẩn. Bé nên đeo khẩu trang khi ra ngoài, hạn chế đến nơi đông người hoặc tiếp xúc gần với người ho, sốt, sổ mũi, hắt hơi…

Theo bác sĩ Hải, virus gây cúm A là những chủng có khả năng biến đổi gene cao, khiến khó điều trị, nguy cơ tái nhiễm cao. Tiêm phòng vaccine đầy đủ, đúng lịch trước mùa dịch cũng là cách bảo vệ trẻ.

Trẻ được tiêm ngừa tại Khoa Tiêm ngừa dịch vụ - PKĐK Bình An

Trẻ được tiêm ngừa tại Khoa Tiêm ngừa dịch vụ – PKĐK Bình An