Chăm sóc sức khỏe, Dịch vụ - khuyến mãi

Bệnh da thường gặp khi mùa mưa đến

Mùa mưa, độ ẩm không khí tăng cao là điều kiện lý tưởng để vi khuẩn, vi nấm hoặc ký sinh trùng xuất hiện và gây bệnh nấm, viêm da.

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi thạc sĩ, bác sĩ CKI Nguyễn Văn Hoàng, Trưởng Khoa Da liễu – Thẩm mỹ Da, Phòng khám đa khoa Bình An.

Thời điểm giao nhau giữa hai mùa mưa và nắng là kiểu khí hậu tương đối khắc nghiệt, có hại cho da. Mưa lũ kèm thêm ngập lụt kéo dài làm tăng nguy cơ làn da phải tiếp xúc nước bẩn, chất thải, gây bệnh.

Các bệnh về nấm

Biểu hiện của nấm da là mụn nước tróc vảy, lan rộng dần, có thể có các sẩn đỏ hoặc mụn nước, ngứa ít hoặc không ngứa. Vị trí thường nhiễm nấm là thân mình, bàn tay, bàn chân, kẽ ngón, da đầu, móng, bẹn…

Trong đó, nấm bẹn là bệnh do vi nấm rất phổ biến. Từ một bên bẹn, nấm có thể lan sang bên kia, ra kẽ mông, xuống đùi, lên thắt lưng…

Nếu tổn thương nhẹ, bác sĩ chỉ định các thuốc kháng sinh chống nấm dùng ngoài da, giảm cảm khác khó chịu. Trường hợp nặng, tổn thương lan rộng, bệnh nhân cần điều trị theo phác đồ nặng hơn.

Viêm da

Thời tiết giao mùa khiến da dễ viêm đỏ, mụn nước, ngứa nhiều do tiếp xúc nguồn nước, chất bẩn. Vị trí thường gặp nhất là những vùng da bên ngoài như mặt, cổ, cánh tay.

Nhóm bệnh lý về da trở nên nặng hơn như mụn trứng cá, chàm, da tiết nhiều bã nhời, sần sùi, đóng vảy. Nhiều trường hợp bị viêm da cơ địa hay còn gọi là chàm thể tạng (eczema) – là căn bệnh mạn tính và có liên quan cơ địa dị ứng.

Cơ thể không sạch hay ẩm ướt do dính nước mưa sẽ khiến vi khuẩn hoặc nấm phát triển, gây mụn nước, mụn mủ, ngứa, chảy dịch, loét. Sử dụng quần áo mưa không vệ sinh cũng có thể gây các bệnh về da do nóng như rôm sảy, mụn.

Một số bệnh lý khác như ghẻ, chốc, nhiễm trùng da… Bệnh nguy hiểm hơn ở những người mắc bệnh mạn tính như tiểu đường, suy tĩnh mạch mạn tính và suy giảm miễn dịch.

Bệnh về da do côn trùng

Thời tiết chuyển mùa là điều kiện thuận lợi cho côn trùng phát triển như rệp, muỗi, kiến ba khoang. Sau khi bị côn trùng đốt hoặc tiếp xúc dịch tiết của chúng, trên da sẽ xuất hiện nhiều sẩn đỏ, ở giữa có mụn nước, mụn mủ. Một số trường hợp có thể bị sốt, nổi hạch, biến chứng nhiễm trùng toàn thân do dính độc tố kiến ba khoang.

Do đó, người bệnh cần tránh nhầm lẫn giữa mẩn đỏ do tiếp xúc kiến ba khoang và bệnh zona rồi tự ý mua thuốc thoa lên da. Vết bỏng do kiến ba khoang không nguy hiểm và có thể tự khỏi nhưng nếu xử lý không phù hợp, tình trạng tổn thương da sẽ nặng hơn.

Phòng ngừa

Luôn giữ vệ sinh cơ thể sạch sẽ, mặc quần áo vải mỏng nhẹ mát, thấm hút mồ hôi. Tránh mặc quần áo quá dày, có chất len dạ hay nilon sẽ làm da bị ngứa.

Khi đi mưa về nên rửa sạch bàn chân bằng xà phòng, tránh sử dụng chất xà phòng hoặc chất sát khuẩn quá nhiều gây ra tình trạng viêm da kích ứng. Tránh lội nước để không bị bệnh nấm ở bàn chân. Nếu không tránh được lội nước thì nên đi dép, ủng để hạn chế tiếp xúc nước bẩn.

Khi về đến nhà, bạn cần lau khô người, thay quần áo, nghỉ ngơi, giữ thân nhiệt ổn định sau đó mới đi tắm. Có thể uống nước, bổ sung thêm hoa quả để tăng đề kháng.

Uống nhiều nước cung cấp độ ẩm cho da từ bên trong. Luôn che chắn cho da cẩn thận khi ra ngoài. Sử dụng nước ấm và sữa rửa mặt dịu nhẹ, thoa kem dưỡng ẩm. Làn da nhạy cảm cần đọc thành phần trên các sản phẩm chăm sóc da để tránh bị dị ứng với thành phần bên trong.

Khi phát hiện da có bất thường cần đi khám để được điều trị, tuyệt đối không tự dùng thuốc hay điều trị bằng phương pháp phản khoa học.