Góc Mẹ và Bé sẽ là nơi chia sẽ những kiến thức và kinh nghiệm cho các bà mẹ trong thời kỳ mang thai và nuôi dạy con khôn lớn

Chế độ dinh dưỡng dịp Tết cho mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ

(Cập nhật 12/1/2016 | Góc Mẹ và Bé)

Nếu bạn bị tiểu đường thai kỳ thì việc lựa chọn các loại thực phẩm rất quan trọng, đặc biệt là trong dịp Tết.

Bạn có thể kiểm soát bệnh tiểu đường thai kỳ bằng cách ăn uống tốt và tập thể dục (điều này có nghĩa là bạn sẽ không cần phải uống thuốc).

Nếu bạn bị thừa cân trước khi có thai, bạn sẽ được khuyến cáo hạn chế lượng calo khi có thai và có ít nhất 30 phút tập thể dục vừa phải mỗi ngày. Bạn cũng sẽ cần cẩn thận để tránh tăng hoặc giảm đột ngột lượng đường trong máu. Để giúp bạn, bác sĩ và chuyên gia dinh dưỡng có thể tạo ra một chế độ ăn uống đặc biệt, hướng dẫn cho bạn về:

– Các loại thực phẩm bạn nên và không nên ăn.

– Số lượng thực phẩm mỗi bữa.

– Số bữa ăn mỗi ngày.Chế độ dinh dưỡng dịp Tết cho mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ 1

Kiểm soát những gì ăn vào và tập thể dục là cách mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ nên làm. (Ảnh minh họa)

Lưu ý về carbohydrate

Một trong những nguồn năng lượng chính cho cơ thể là đường (glucose). Cơ thể của bạn sử dụng một hormone gọi là insulin để kiểm soát lượng đường trong máu và biến nó thành “nhiên liệu” cho cơ thể. Nếu bạn mắc tiểu đường thai kỳ, cơ thể của bạn không sản xuất đủ insulin. Kết quả là, lượng đường trong máu có thể rất cao và dẫn đến các vấn đề cho em bé của bạn.

Bạn có thể giữ lượng đường trong máu dưới sự kiểm soát bằng cách thay đổi những gì bạn ăn và chăm tập thể dục. Trong thực tế, 80-90% phụ nữ bị tiểu đường thai kỳ có thể kiểm soát tình trạng của họ theo cách này.

Có hai loại carbohydrate cung cấp năng lượng cho bạn. Đó là:

– Carbohydrate phức tạp (còn gọi là tinh bột).

– Carbohydrate đơn giản (còn gọi là đường).

Đôi khi, các carbohydrate phức tạp được mô tả như carbohydrate tốt và carbohydrate đơn giản là xấu nhưng điều này không hoàn toàn chính xác.

Carbohydrate đơn giản bao gồm thêm mật ong, cũng như đường tự nhiên, được tìm thấy trong quả và sữa. Ăn nhiều quả tươi và một số sản phẩm sữa là một điều lành mạnh cho thai phụ.

Nếu bạn bị tiểu đường thai kỳ và ăn quá nhiều các loại thực phẩm, đồ uống chứa đường, sẽ rất khó để kiểm soát lượng đường trong máu của bạn. Các chuyên gia khuyên, ít nhất một nửa năng lượng trong khẩu phần ăn nên đến từ carbohydrate, chủ yếu là các carbohydrate tinh bột, gồm: gạo; bánh mì; mì ống; các loại ngũ cốc; khoai tây.

Các loại thực phẩm và đồ uống dành cho bạn nên đa dạng, đủ tinh bột và ít chất béo. Bạn không nên ăn thêm đường, mặc dù bạn không phải cắt giảm đường hoàn toàn. Tốt nhất bạn nên ăn hoa quả, đặc biệt là nước ép hoa quả, sữa và sữa chua như một phần của dinh dưỡng hàng ngày. Cơ thể bạn sẽ hấp thụ các loại đường đơn giản trong nước quả hoặc sữa chậm hơn. Đó là bởi vì đường được trộn lẫn với các yếu tố chẳng hạn như chất xơ và protein.

Chế độ dinh dưỡng dịp Tết cho mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ 2

Ăn nhiều quả tươi và một số sản phẩm sữa là một điều lành mạnh cho thai phụ.
(Ảnh minh họa)

Chỉ số đường huyết (GI) và thực phẩm

Chỉ số đường huyết (GI – glycaemic index) của một loại thực phẩm là chỉ lượng đường (glucose) từ thực phẩm đó ngấm vào máu ở mức độ nào sau khi ăn. Thực phẩm có GI thấp là những thực phẩm giàu chất xơ, giúp bạn quản lý bệnh tiểu đường. Những thực phẩm này khiến cơ thể mất nhiều thời gian để tiêu hóa và glucose được giải phóng từ từ vào máu.

– Một số ví dụ về các thực phẩm có GI thấp: mì ống làm bằng bột lúa mì; táo, cam, lê, đào; đậu đỗ; ngô ngọt; cháo.

– Một số ví dụ về các thực phẩm có GI cao: khoai tây nướng; bánh bột ngô; gạo trắng; bánh mì.

Chọn đồ ăn với chỉ số GI thấp có thể có thể giúp bạn kiểm soát lượng đường trong máu. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là bạn phải tránh loại thực phẩm có GI cao.

Thực phẩm có GI cao trộn với các loại thực phẩm GI thấp có thể làm giảm tốc độ glucose được phát hành vào máu.  Ví dụ về các loại thực phẩm được làm theo cách này là: bơ phết vào bánh mì nướng; khoai tây ăn kèm đậu đỗ.

Cải thiện chế độ ăn uống

Ăn một bữa sáng khoa học: Một bữa sáng lành mạnh giúp điều chỉnh nồng độ đường trong máu của bạn trong suốt buổi sáng. Hãy thử để có một bữa ăn sáng với thực phẩm có GI thấp. Cháo là một lựa chọn tốt bởi vì nó giải phóng năng lượng chậm và đồng đều. Hoặc bạn có thể chọn ngũ cốc nguyên cám và bánh mì, ăn kèm một thực phẩm giàu protein như một quả trứng luộc hoặc sữa chua ít chất béo. Đồ ăn có GI cao như bánh mì nướng, ăn cùng đường trắng và mứt có thể nhanh chóng tăng lượng đường trong máu của bạn.

Ăn nhiều loại thức ăn trong ngày: Ăn các bữa chính và bữa phụ với lượng trung bình mỗi ngày. Bạn cũng có thể ăn 2-4 bữa ăn nhẹ, bao gồm bữa nhẹ buổi tối để giữ cho lượng đường trong máu ổn định.

Ăn thực phẩm nhiều chất xơ: Những thực phẩm này có xu hướng chứa GI thấp. Điều này giúp giữ lượng đường trong máu của bạn không tăng quá cao sau bữa ăn. Thực phẩm nhiều chất xơ bao gồm: quả tươi và rau quả; ngũ cốc nguyên hạt; đậu Hà Lan và các loại đậu khác.

Chế độ dinh dưỡng dịp Tết cho mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ 3

Đậu Hà Lan là một trong những thực phẩm giàu chất xơ tốt cho mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ.
(Ảnh minh họa)

Ăn năm phần rau củ quả mỗi ngày: Hãy chắc chắn rằng bạn có ít nhất là năm phần quả và rau mỗi ngày: thêm quả vào bữa sáng của bạn; chọn hai loại rau trong bữa ăn chính của bạn.

Cắt giảm chất béo, đặc biệt là chất béo bão hòa: Sử dụng dầu olive hoặc dầu hướng dương để nấu ăn và trộn salad; Luộc, hấp thức ăn thay vì chiên xào; Cắt chất béo từ thịt.

Không bỏ bữa ăn: Hãy thử ăn các bữa tại cùng một thời điểm mỗi ngày và có cùng một lượng thức ăn. Điều này sẽ giúp lượng đường trong máu của bạn ổn định hơn.

Không ăn quá nhiều thức ăn có đường: Hãy thử cắt giảm hoặc bỏ kẹo, thức uống có gas… Những thực phẩm này có chứa các loại đường đơn giản, nhanh chóng làm tăng lượng đường trong máu của bạn.

Bạn có thể pha loãng nước ép trái cây với nước lọc. Chỉ nên uống nước quả pha loãng một lần/ngày. Phần còn lại nên sử dụng nước lọc.

Khi tiểu đường không thể kiểm soát bằng ăn uống

Đôi khi, những thay đổi trong dinh dưỡng không đủ để kiểm soát lượng đường trong máu (chiếm khoảng 10-12% thai phụ bị tiểu đường). Khi ấy, bạn cần phải dùng thuốc. Bác sĩ sẽ kê toa thuốc hoặc tiêm insulin cho bạn.

 Theo GiangC / Pháp Luật Xã Hội

Tất tần tật những vấn đề về siêu âm thai mẹ bầu muốn biết

(Cập nhật 25/12/2015 | Góc Mẹ và Bé)

Thời điểm nào nên đi siêu âm thai? Siêu âm để làm gì? Và trước khi siêu âm cần làm gì là tất cả những điều mẹ bầu nào cũng muốn biết.

1. Vì sao phải siêu âm thai?

Siêu âm là cách ghi lại hình ảnh của thai nhi ở trong bụng mẹ. Nhờ đó mà mẹ không chỉ được nhìn thấy sự phát triển thai nhi mà còn biết được rất nhiều vấn đề xung quanh bé và đặc biệt là sớm biết liệu bé có mắc các dị tật bẩm sinh hay không.

2. Tại sao siêu âm lại có thể nhìn thấy được thai nhi?

Hình ảnh siêu âm được hình thành bằng cách sử dụng các sóng âm thanh. Máy gửi các sóng âm thanh thông qua cơ thể; sau đó, phản xạ trở lại và chuyển đổi thành một hình ảnh được hiển thị trên màn hình.

Cách siêu âm như sau: bác sĩ sẽ thoa gel dành cho siêu âm lên bụng mẹ bầu, sau đó đầu máy siêu âm được quét qua – quét lại cho đến khi bào thai và nhau thai được hiển thị. Mẹ bầu và người thân có thể nhìn thấy hình ảnh bào thai trên màn hình.

Tất tần tật những vấn đề về siêu âm thai mẹ bầu muốn biết 1

Gel bôi lên bụng mẹ bầu để tiến hành siêu âm thai. (Ảnh minh họa)

3. Những thời điểm quan trọng nào nên đi siêu âm thai?

Theo các bác sĩ sản khoa, trong suốt quá trình thai nghén có 3 thời điểm bắt buộc mẹ bầu phải đi siêu âm thai.

– Từ tuần 12 -14 của thai kỳ: Đây là thời điểm bác sĩ siêu âm có thể xác định tuổi thai một cách chính xác nhất. Và điều quan trọng hơn của việc siêu âm thai trong thời kỳ này là bác sĩ có thể đo khoảng sáng sau gáy nhằm dự đoán một số bất thường nhiễm sắc thể (những bất thường này có thể là nguyên nhân gây bệnh Down, dị dạng tim, chi, thoát vị cơ hoành…).

Nếu bạn mang thai đơn hay đôi thì đây cũng là thời điểm bác sĩ siêu âm có thể cho bạn kết quả chính xác nhất.

– Từ tuần 21 – 24 của thai kỳ: Hầu hết các cơ quan bên trong thai nhi đều được bác sĩ siêu âm kiểm tra để đảm bảo thai phát triển bình thường. Các cột sống, hộp sọ, não, tim, phổi, thận, cánh tay và chân của thai nhi ở thời kỳ này đều có thể được nhìn thấy.

Ngoài ra, bác sĩ có thể phát hiện hầu hết các bất thường về hình thái của thai nhi như sứt môi, hở hàm ếch, dị dạng ở các cơ quan nội tạng. Thời gian này đặc biệt quan trọng còn bởi vì những đình chỉ thai nghén chỉ có thể được thực hiện trước tuần thứ 28.

– Từ tuần 30 – 32 của thai kỳ: Những bất thường xuất hiện muộn như bất thường ở động mạch, tim và một vùng cấu trúc não sẽ được bác sĩ siêu âm phát hiện ở thời điểm siêu âm này.

Thời điểm nay, khi siêu âm bác sĩ còn kiểm tra dây rốn xem nó còn đủ tốt để vận chuyển dinh dưỡng nuôi bào thai hay không, vị trí của nhau thai và tình trạng nước ối (đục hay trong, nhiều hay ít) cũng được bác sĩ kiểm tra trong lần siêu âm này.

4. Siêu âm có gây hại gì cho thai nhi?

Chưa có nghiên cứu nào khẳng định việc siêu âm có ảnh hưởng không tốt tới thai nhi. Tuy nhiên mẹ bầu cũng không vì thế mà lạm dụng vì có những vụng rất nhạy cảm với sóng siêu âm như mắt hoặc tuyến sinh dục. Vì chiều theo tâm lý của các bà mẹ mà những vùng này thường bị bác sĩ chụp nhiều nhất nhưng lại không vì mục đích khoa học

Tất tần tật những vấn đề về siêu âm thai mẹ bầu muốn biết 2

Siêu âm thai không gây ảnh hưởng tới thai nhi, tuy nhiên mẹ bầu cũng không nên lạm dụng. (Ảnh minh họa)

5. Siêu âm 2D không tốt bằng 3D, 4D?

Nhiều người cho rằng siêu âm 3D rõ ràng hơn, dễ nhìn hơn… nên tốt hơn siêu âm 2D. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, siêu âm 3D chỉ thường dùng trong các trường hợp phát hiện dị tật thai nhi, chứ không đưa ra những chỉ số về kích thước, trọng lượng, tuổi thai nhi chính xác bằng siêu âm 2D.

6. Siêu âm sẽ phát hiện dị tật thai nhi?

Điều này đúng nhưng không phải trong mọi trường hợp bởi không phải lúc nào các bác sĩ cũng có thể phát hiện ra dị tật thai nhi. Có những trường hợp phải đến khi bé chào đời thì bác sĩ mới phát hiện ra dị tật đó.

7. Lưu ý gì trước khi đi siêu âm?

Một điều mà những người đã từng mang thai biết rất rõ còn những mẹ mang thai lần đầu còn bỡ ngỡ đó là việc phải uống nhiều nước và nhịn tiểu trước khi đi siêu âm. Khi bạn cảm thấy buồn tiểu chính là lúc siêu âm tốt nhất vì khi đó bàng quang sẽ căng ra và việc siêu âm sẽ dễ dàng hơn, bác sĩ sẽ em bé rõ hơn.

Theo Afamily

9 điều tuyệt vời khi bạn mang thai

(Cập nhật 22/12/2015 | Góc Mẹ và Bé)

Khi mang thai, bạn sẽ thấy mình xinh đẹp hơn, tự tin hơn, ăn ngon miệng hơn…

Xinh đẹp, quyến rũ hơn khi mang thai

Đúng là có nhiều chị em bị xấu đi khi mang bầu, tuy nhiên bên cạnh đó có rất nhiều chị em rực rỡ hơn khi mang bầu: Cơ thể sexy hơn, tròn trịa hơn, ngực căng đẹp hơn. Có nhiều người đàn ông thổ lộ rằng: muốn vợ mình lúc nào cũng mang bầu bởi lúc đó cô ấy đẹp, quyến rũ nhất. 

Những hormone trong thai kỳ có thể làm mái tóc của bạn trở lên dày, óng ả. Bên cạnh đó, khi bạn bắt đầu mang thai, bạn sẽ cảm nhận được rõ nét nhất sự “tăng trưởng” về kích cỡ của vòng 1. Đây sẽ là thời gian bạn sở hữu một bộ ngực quyến rũ nhất. 

Bản năng làm mẹ trỗi dậy

Bạn có tin rằng khi bắt đầu có bầu, dù muốn hay không thì bản năng làm mẹ trong bạn cũng sẽ trỗi dậy không? Bạn sẽ muốn tìm hiểu những kiến thức xung quanh việc sinh nở, chăm sóc, nuôi dạy con. Bạn có thể la cà suốt cả ngày trong những cửa hàng dành cho em bé cả ngày mà không biết chán. Nếu như trước đây bạn muốn thao thao bất tuyệt về tình yêu, về mua sắm thì thời điểm này chủ đề của bạn sẽ bị chuyển hướng sang em bé.

Bà của bạn đã chăm sóc mẹ của bạn tốt, mẹ của bạn cũng vậy, và bây giờ đến lượt bạn. Không có cớ gì bạn lại không làm được điều này cả.

9 điều tuyệt vời khi bạn mang thai 1

(Ảnh minh họa)
Được giao tiếp với thiên thần nhí

Bạn sẽ cảm thấy thật tuyệt diệu khi từng ngày một, bạn cảm nhận được sự thay đổi của cơ thể mình. Cảm nhận được những cú đạp lên, trồi xuống, tiếng nấc cụt của thiên thần nhỏ, bạn sẽ cảm nhận được con đang làm gì, con thức hay ngủ, hay đang nghe bạn nói chuyện.

Bạn sẽ hạnh phúc vô cùng khi hiểu được con muốn nói gì qua những ngôn ngữ đó. Bạn có thể ngồi hàng giờ để nói chuyện, tâm sự với con, nghe nhạc cùng con. Chắc chắn bé sẽ phản ứng lại với những lời nói của bạn đó. 

Mang bầu là bước khởi đầu để bạn tạo ra bản sao của chính mình

Có thể, em bé sẽ có mái tóc của bạn, hoặc mắt, hoặc đôi môi cong của bạn, hay nụ cười của bố. Bạn sẽ cảm thấy hạnh phúc vô bờ bến khi biết rằng đứa con sắp chào đời giống hình ảnh hồi nhỏ của vợ chồng bạn. 

Có khả năng kêu gọi sự hỗ trợ của người khác

Đây chính là thời điểm thích hợp để bạn biến thành một bà hoàng trong nhà. Còn gì tuyệt vời hơn khi vợ mình sắp sinh con, chắc chắn chồng bạn sẽ nhảy lên vì sung sướng, anh ấy sẽ yêu thương, giữ gìn, lo lắng cho sức khỏe của hai mẹ con hơn trước đây. Bạn có thể tha hồ nghỉ ngơi, dưỡng sức để mẹ và bé cùng khỏe. 

Không những người thân trong gia đình mà ngay cả ở ngoài đường hay trên những phương tiện công cộng bạn cũng sẽ là đối tượng được ưu ái hơn cả. 

Ăn được nhiều hơn, ngon miệng hơn

Ăn uống là một nghệ thuật. Bạn có thể tận hưởng nghệ thuật này trong thời gian mang thai mà không phải quá lo lắng về hình dáng, cân nặng của mình. Đương nhiên là cân nặng của bạn vẫn phải nằm trong giới hạn cho phép nhé bởi tăng cân quá mức trong thời kỳ này thì không ổn chút nào. 

Nhưng có một điều chắc chắn rằng, nếu bạn không bị nghén hoặc đã qua giai đoạn nghén ngẩm thì bạn ăn sẽ rất ngon miệng. Và điều này sẽ khiến tinh thần của bạn sẽ đi lên rõ rệt đấy.
 9 điều tuyệt vời khi bạn mang thai 2

Khi mang thai, bạn sẽ thấy mình ăn được ngon miệng hơn (Ảnh minh họa)

Tìm thấy nguồn cảm hứng mới

Trước khi mang bầu, bạn nói không với âm nhạc, với thể thao,… thế nhưng nhiều chị em khi bước chân vào thai kỳ, họ cố gắng làm bé trong bụng được khỏe mạnh vui vẻ bằng cách tham gia vào những hoạt động này. 

Chỉ vài ngày, họ thấy sảng khoái trong người, người khỏe mạnh hơn, thư thái hơn bởi những bản nhạc Beethoven quá tuyệt vời cùng những động tác thể dục đơn giản mà tốt cho sức khỏe của hai mẹ con. 

Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng trong giai đoạn này rất có thể bạn sẽ tìm thấy chính mình, một bản thân mới đầy khác lạ, mới mẻ. 

9 điều tuyệt vời khi bạn mang thai 3

Trước khi mang bầu, bạn nói không với âm nhạc, với thể thao,… thế nhưng khi bước chân vào thai kỳ, bạn lại thấy khác (Ảnh minh họa)

Không phải lo ngày “đèn đỏ”

Còn gì thú vị hơn khi trong suốt một khoảng thời gian dài (9 tháng), bạn sẽ không gặp phải đối mặt với “hiện tượng đèn đỏ” này. Bạn sẽ thoải mái, vô tư mà không phải lo lắng, ghi nhớ về ngày chu kỳ của mình để mang theo băng vệ sinh bên mình. 

Đồng nghĩa với việc bạn sẽ tạm biệt cả những cơn đau bụng kinh khó chịu nữa chứ. 

Có bầu, giảm bệnh tật

Khoa học đã chứng minh rằng, khi bạn có khả năng làm mẹ, đặc biệt là trong giai đoạn bạn mang bầu, bạn sẽ giảm hẳn nguy cơ mắc một số loại bệnh: ung thư vú, lạc nội mạc tử cung, u xơ tử cung… Ngoài ra bạn còn có khả năng tăng khả năng miễn dịch, mãn kinh muộn…

Tóm lại, mang bầu có lợi đúng không nào!
Theo Afamily

Top 10 thực phẩm thiết yếu mẹ bầu không thể bỏ qua

(Cập nhật 19/12/2015 | Góc Mẹ và Bé)

Nếu muốn mẹ khỏe, con thông mình thì mẹ bầu không nên bỏ qua 10 thực phẩm được khuyên dùng sau đây.

Bạn sắp trở thành mẹ, điều quan trọng nhất của bạn lúc này là phải thiết kế cho mình một thực đơn ăn uống thật đầy đủ chất dinh dưỡng. Dinh dưỡng cho bà bầu được chọn nên đa dạng và hợp lý.

Các chuyên gia y tế của Úc khuyên mẹ bầu nên:

– Ăn thật nhiều các loại rau, các loại đậu (đậu xanh và đậu lăng) và trái cây tươi mỗi ngày.

– Ăn nhiều ngũ cốc (gồm khoai, bánh mì, mì ống, gạo…)

– Ăn nhiều thịt nạc, cá, thịt gia cầm.

– Không nên bỏ qua sữa, các chế phẩm từ sữa (sữa chua, pho mát, váng sữa).

– Uống nhiều nước trong ngày.

Quy tắc quan trọng dành cho bạn đó là hãy ăn thành nhiều bữa trong ngày và tuyệt đối không nên cố ăn cho hai người. Và dưới đây là 10 thực phẩm thiết yếu mẹ bầu không thể bỏ qua khi mang thai.

Top 10 thực phẩm thiết yếu mẹ bầu không thể bỏ qua 1
Theo Afamily

Bác sĩ nhi khuyến cáo thời gian tối đa cho trẻ xem tivi, máy tính mỗi ngày

(Cập nhật 17/12/2015 | Góc Mẹ và Bé)

Hiện nay, hiếm có đứa trẻ nào không xem tivi, ipad, máy tính, điện thoại…. trước 2 tuổi.

Tại Mỹ, thống kê cho thấy đa số trẻ em bỏ khoảng 3 giờ ngồi trước màn hình tivi, và khi tổng hợp lại tất cả thời gian ngồi trước các loại màn hình (tivi, vi tính, ipad, smart phone…), có thể lên đến 5-7 giờ mỗi ngày! Có nghĩa là, hơn 1/4 thời gian trong ngày của trẻ được “đầu tư” vào hoạt động “ì” này! 

Tác hại của việc xem tivi quá sớm và quá nhiều

Bác sĩ Nhi khoa Trần Thị Huyên Thảo, hiện đang công tác tại TP. Hồ Chí Minh đã chỉ rõ 6 tác hại của việc trẻ dành quá nhiều thời gian trước màn hình ti vi, máy tính:

1. Trẻ khó ngủ về đêm hơn

Vì trẻ có xu hướng xem ti vi ngay trước giờ đi ngủ, và vì vậy dễ dẫn đến tình trạng kích thích, khó tự dỗ ngủ hơn.

2. Trẻ gặp khó khăn trong việc tập trung

Đồng thời trẻ cũng có nguy cơ dễ bị các rối loạn tâm lý và trầm cảm về sau. Đây là một tác động mà người ta nghĩ rằng có thể do mối quan hệ bù trừ về thời gian và tương tác. Khi trẻ ngồi trước màn hình tivi, máy tính càng nhiều, thời gian tương tác trong đời thực của trẻ với những người quan trọng như ba mẹ, ông bà, bạn bè, càng ít đi. Thời gian chơi đùa, hoạt động thể lực cần thiết cho phát triển “thật” của trẻ cũng vì vậy mà bị hạn chế. Về lâu dài, trẻ và ba mẹ sẽ hình thành một mối quan hệ ít thiên về “trao đổi yêu thương, và xây dựng chất keo gắn bó tình cảm” mà lại thiên về “làm sao cho trẻ yên lặng, làm sao cho cả hai bên yên ổn và ít đụng chạm đến nhau hơn”. Mối quan hệ mật thiết bỗng trở thành lệch lạc khi hai bên trở thành “gánh nặng” và “phiền toái” của nhau, và vì vậy, dẫn đến lệch lạc trong xây dựng các mối quan hệ tin tưởng mà trẻ có thể dựa dẫm vào để phát triển tình cảm và sinh lý lâu dài!

3. Tăng nguy cơ thừa cân và béo phì

Xem ti vi, máy tính là một hoạt động hoàn toàn “ì” và không yêu cầu vận động cơ thể. Các nghiên cứu cho thấy trẻ có xu hướng ăn nhiều hơn, đặc biệt là ăn vặt khi xem nhiều tivi, máy tính. Thống kê cũng cho thấy, trong một năm, trung bình mỗi trẻ sẽ xem khoảng 20,000 quảng cáo trên tivi, trong đó 2/3 các quảng cáo này là về các loại thức ăn, thức uống nhiều đường, các loại thức ăn nhanh, giàu năng lượng… Các quảng cáo này dễ khuyến khích trẻ đòi ba mẹ mua, và khuyến khích trẻ tăng tiêu thụ các loại thức ăn không lành mạnh. Các nghiên cứu xác nhận rằng, việc cho trẻ xem ti vi từ quá sớm ảnh hưởng đến tăng chỉ số khối lượng cơ thể BMI, và tăng xu hướng thừa cân khi trẻ trưởng thành.

xem-tivi-moi-ngay
Bố mẹ, ông bà nên kiểm soát thời gian xem tivi, máy tính, chơi điện thoại của trẻ (Ảnh: Bác sĩ Huyên Thảo và con gái)

4. Thời gian ngồi trước màn hình “đánh cắp” đi những hoạt động sáng tạo của trẻ

Đây là những hoạt động rất cần thiết cho tăng trưởng tích cực của trẻ về trí tuệ, thể chất và xã hội, đặc biệt ở những năm đầu đời. Trẻ xem ti vi nhiều thường chỉ biết “bắt chước” những gì trẻ thấy trên màn hình, thay vì tự sáng tạo các tình huống bằng khả năng tưởng tượng của mình. Đồng thời, những trẻ này lại không thích thú vào những trò chơi đòi hỏi tự tưởng tượng và sáng tạo – vì trẻ đã quen nhồi nhét bị động rồi!

5. Xem ti vi, máy tính nhiều ảnh hưởng đến phát triển não bộ ở trẻ nhỏ

Và ảnh hưởng cả đến khả năng học hành ở trẻ lớn hơn. Mặc dù rất nhiều chương trình tivi, vi tính, được gắn mác “giáo dục”, nhưng chưa thấy có hiệu quả nào được minh chứng ở trẻ dưới 2 tuổi. Khi trẻ xem ti vi quá nhiều từ quá nhỏ, ba mẹ trẻ thường ít đọc sách cho trẻ, trẻ cũng có xu hướng không thích đọc, và ít khi đọc sách hơn. Trẻ lớn hơn thì lại giảm thời gian tự đọc và tìm hiểu thông tin, không tích cực tham gia những hoạt động ngoại khóa, và ít ngủ hơn trẻ xem ít tivi, vi tính. Một nghiên cứu cho thấy, xem ti vi nhiều ở thời niên thiếu có liên quan đến việc tăng nguy cơ nghỉ học sớm, và giảm cơ hội vào đại học ở trẻ.

6. Ngồi trước màn hình nhiều tăng hoạt động bạo lực ở trẻ nhỏ và trẻ trưởng thành

Thống kê cho thấy, khi một trẻ đến 18 tuổi, trẻ đã bị xem trung bình khoảng 20,000 hành động bạo lực, và 16,000 vụ giết người trên phim ảnh, tivi. Một điều đáng ngạc nhiên và đáng suy ngẫm là, những chương trình được thiết kế dành cho trẻ em lại thường có nhiều bạo lực hơn là những chương trình dành cho người lớn. Trong khi đó, trẻ dưới 8 tuổi thường không thể tách biệt giữa những gì không thực và “thực tế”, và vì vậy, trẻ dễ thực hành những hành động bạo lực mà trẻ thấy trên màn hình. 

Việc xem bạo lực thường xuyên cũng làm cho trẻ “lờn”, giảm cảm giác ghê sợ đối với thương tích của đồng loại trong đời thật. Hai nghiên cứu được thực hiện trong vòng 15 năm cho thấy trẻ xem nhiều bạo lực lúc nhỏ có xu hướng thực hiện các hành động hung hăng, bạo lực nhiều hơn khi trẻ trở thành người lớn.

Thời gian tối đa cho trẻ xem ti vi, máy tính, điện thoại mỗi ngày

Bác sĩ Huyên Thảo cho biết khuyến cáo chung từ Hội đồng Nhi Khoa Hoa Kỳ về thời gian ngồi trước màn hình của trẻ là:  

–  Trẻ nhũ nhi (0-24 tháng tuổi): 0 giờ

– Trẻ chập chững đi (2 tuổi – 3 tuổi): tối đa 1 giờ mỗi ngày.

– Trẻ trên 3 tuổi: tối đa 2 giờ mỗi ngày.

Đây là khuyến cáo tương đối mà ba mẹ và ông bà trẻ nên nhận biết để có thể kiểm soát chặt chẽ thời gian ngồi trước màn hình của trẻ và bảo vệ bé tốt hơn, tùy theo từng hoàn cảnh gia đình. 

 Theo T.Q / Trí Thức Trẻ

Rắc rối trong “chuyện ấy” nhiều mẹ bầu âm thầm phải chịu

(Cập nhật 11/12/2015 | Góc Mẹ và Bé)

Trong khi có nhiều người tăng ham muốn “chuyện ấy” trong thời gian bầu bí thì với một số chị em khác, điều này lại trở thành “gánh nặng”.

Chào  bác sĩ, em năm nay 25 tuổi đang mang thai thứ 5. Thời gian trước vợ chồng em vẫn quan hệ bình thường, em không hiểu sao thời gian gần đây em bị “lãnh cảm” hoàn toàn trong “chuyện ấy”. Mỗi khi chồng chạm vào cơ thể là em lại sợ. Em cũng không hiểu tại sao trước đây bình thường mà giờ em lại bị như vậy. 

Em không biết trong thời gian mang bầu có nên dùng thuốc bôi trơn hay không. Điều này có ảnh hưởng gì đến sau này không. Em mong bác sĩ tư vấn giúp em. Em xin cảm ơn! (Nguyễn Hoàng Lan)

Trả lời:

Hoàng Lan thân mến!

Với sự thay đổi đột ngột của nội tiết tố nên phụ nữ khi mang thai có sự thay đổi tính cách, tâm lý vô cùng rõ rệt. Đó là hay cáu gắt, nhạy cảm. Đồng thời, bên cạnh đó một số chị em còn cảm thấy không có hứng thú trong chuyện ấy. Dù gần gũi với chồng nhưng thực sự bản thân cũng không mấy thích thú và hưng phấn.

Người phụ nữ trong thời gian thai kỳ có thể ảnh hưởng đến tần suất và sự ham muốn tình dục của người phụ nữ. Sự thay đổi này thường gặp ở các giai đoạn thai kỳ khác nhau: 

Trong 3 tháng đầu thai kỳ do biến đổi nội tiết, do thai hành, mệt mỏi, lại hay bị nôn mửa làm giảm sự hứng khởi và giảm tần suất quan hệ thậm chí sợ hãi mỗi khi nghĩ tới chuyện sex. 

Tuy nhiên trong 3 tháng giữa thai kỳ, tăng lưu lượng máu đến cơ quan sinh dục vùng chậu (tử cung, âm đạo, âm vật) và vú, tăng tiết dịch âm đạo, do đó nó lại có thể làm tăng cảm giác cực khoái và dẫn đến tăng kích dục ở người phụ nữ.

 Nhưng đến 3 tháng cuối, do tăng trọng lượng cơ thể, bụng to lên và đau lưng gây hạn chế việc quan hệ gối chăn với bạn tình nên thường sẽ giảm ham muốn. Thực tế nhiều biến đổi của cơ thể người phụ nữ khi mang bầu hoàn toàn có thể dẫn tới sự lãnh cảm chán sex trong một thời gian dài.

chuyện ấy khi mang thai

Nhiều bà bầu bị lãnh cảm trong “chuyện ấy” mà không rõ tại sao. Ảnh minh họa

Điều này là hoàn toàn bình thường, lãnh cảm của phụ nữ mang bầu không chỉ do những thay đổi của nội tiết cơ thể mà liên quan tới những căng thẳng khác bên ngoài tác động thì cần đi khám bác sĩ tâm lý để tránh tình trạng bà bầu bị trầm cảm stress trong thai kỳ.

Nếu bạn hoàn toàn bình thường vẫn có nhu cầu “yêu” chồng thì không nên quá sợ hãi lo lắng vì nếu thai nhi khỏe mạnh, mẹ bầu mang thai bình thường thì việc bố mẹ yêu nhau không dẫn tới xảy thai. Thai nhi trong buồng tử cung được bảo vệ tương đối an toàn nhờ nước ối bao bọc, màng ối vững chắc và nút nhầy che kín cổ tử cung.

Tuy nhiên các ông bố bà mẹ không  nên thử các tư thế mới, hay quan hệ quá mạnh, quá nhiều lần liên tiếp… thì bé yêu của bạn sẽ không thể an toàn được nữa.

Mặc dù bà bầu dùng gel bôi trơn bình thường nhưng một vài lưu ý cho chị em là tùy cơ địa mà một số người sẽ nhạy cảm hơn, viêm nhiễm và dị ứng có thể xảy ra. Vì thế khi sử dụng gel bôi trơn nếu có cảm giác nóng rát, khó chịu thì bạn nên ngưng sử dụng ngay. Trước khi dùng loại gel bôi trơn nên tư vấn những người có chuyên môn.

Tình dục là sự bình đẳng, người này làm cho “nửa kia” nhưng cũng là cho chính mình, để cả hai cùng đạt được sự thỏa mãn về thể xác và tình cảm. Vì thế, cả hai cần cởi mở, chia sẻ và cố gắng để có được sự hòa hợp, thăng hoa.

Chúc vợ chồng bạn vui vẻ, hạnh phúc!

Theo BS Hoa Hồng/ Tri thức trẻ

7 câu mẹ nào cũng muốn hỏi khi mang bầu

(Cập nhật 05/12/2015 | Góc Mẹ và Bé)

7 câu hỏi đi kèm đáp án đúng – sai dưới đây sẽ giúp bạn có thêm kiến thức giữ gìn sức khỏe suốt hành trình mang thai.

1. Tất cả phụ nữ đều bị ra máu khi mang thai?

Sai. Ra máu là dấu hiệu tương đối dễ gặp khi mang bầu nhưng không phải 100% thai phụ đều bị ra máu. Nếu dấu hiệu ra máu nghiêm trọng, bạn nên nhanh chóng đi khám.

2. Bạn chỉ nên luyện tập khoảng 2 lần/tuần (mỗi lần 30 phút) khi mang bầu?

Sai. Các chuyên gia khuyến cáo, bạn nên duy trì chế độ luyện tập hợp lý khoảng 30 phút mỗi ngày. Những hoạt động tốt cho thai phụ là đi bộ, yoga, bài thể dục dành cho bà bầu…

3. Bạn có thể phòng ngừa được chứng giãn tĩnh mạch khi mang thai?

Sai. Giãn tĩnh mạch là một trong những rắc rối khi mang bầu. Bạn không thể phòng tránh hoàn toàn được hiện tượng này. Tuy nhiên, chế độ dinh dưỡng khoa học, uống đủ nước, sử dụng kem dưỡng da hợp lý có tác dụng giảm thiểu nguy cơ giãn tĩnh mạch.

4. Bị đau đầu khi mang thai sẽ phải được bác sĩ điều trị khẩn cấp?

Sai. Cũng không phải mọi dấu hiệu đau đầu khi mang thai là tình trạng nguy cấp. Chứng đau đầu cũng là một trong những khó chịu về sức khỏe dành cho bà bầu, nhất là trong quý I (khi lượng hormone thay đổi mạnh). Bạn không nên tự ý dùng thuốc giảm đau. Nếu chứng đau đầu nghiêm trọng, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ.

7 câu mẹ nào cũng muốn hỏi khi mang bầu 1

Khi mang thai, mẹ bầu có rất nhiều thắc mắc nhưng không biết hỏi ai. (Ảnh minh họa)

5. Nếu bạn không xuất hiện những vệt sậm màu ở bụng bầu thì có thể bạn đang gặp nguy hiểm về sức khỏe?

Sai. Những vệt sẫm màu ở bụng bầu là kết quả thay đổi hormone khi mang thai. Không phải bà bầu nào cũng gặp phải hiện tượng này.

6. Sang quý III, chứng chuột rút về đêm có thể cảnh báo nguy cơ chuyển dạ sớm?

Sai. Chưa có nghiên cứu khoa học nào chứng tỏ, dấu hiệu chuột rút về ban đêm có liên quan đến nguy cơ chuyển dạ sớm.

7. Chứng ợ nóng có liên quan đến số tóc trên đầu em bé sau này?

Đúng. Có nghiên cứu chứng minh, chứng ợ nóng ở người mẹ có tỷ lệ thuận với số tóc trên đầu của bé sơ sinh. Nếu mẹ mắc chứng ợ nóng nhiều, bé sẽ có nhiều tóc và ngược lại.

Theo Afamily

Đo để biết thai to hay nhỏ?

Làm thế nào để biết thai nhi có phát triển bình thường hay không? Thai nhi phát triển bình thường thì có kích thước như thế nào? Mời các chị em hãy tham khảo bài viết dưới đây nhé!

Thời điểm bắt đầu đo sự phát triển của thai nhi?

Bắt đầu từ tuần 20 đến lúc sinh, mỗi lần đi khám thai định kỳ, bác sĩ sẽ thực hiện việc kiểm tra các chỉ số cần thiết, trong đó có chỉ số về chiều dài, cân nặng của thai nhi. Nhờ những chỉ số này, bác sĩ sẽ cho chị em biết thai nhi của mình có phát triển tốt hay không, cần phải bổ sung và hạn chế những gì trong chế độ ăn uống và luyện tập để thai nhi phát triển tốt nhất. Kích thước của thai nhi sẽ tăng đều từ tuần 20, những bắt đầu từ khoảng tuần 30 trở đi thai nhi sẽ gia tăng kích thước một cách nhanh chóng.

Siêu âm nhằm đánh giá kích thước của thai nhi

Thai nhi phát triển hơn so với tuổi thai?

Làm thế nào để biết thai nhi phát triển hơn so với tuổi thai? Đây là vấn đề đang được rất nhiều chị em quan tâm. Chúng tôi đã nhờ các bác sĩ chuyên khoa giúp chị em giải quyết thắc mắc này như sau: Thai nhi phát triển về kích thước hơn so với tuổi thai có nghĩa là khi đi khám thai chiều dài đo được của thai nhi dài hơn so với mức bình thường khoảng 3cm.

Trong trường hợp này, để tìm hiểu xem nguyên nhân là gì, bác sĩ sẽ thực hiện việc siêu âm kỹ hơn một chút hoặc là tiến hành kiểm tra các chỉ tiêu khác nữa. Sau đây là một số lý do chị em dẫn đến tình trạng:

  • Đã đến ngày dự sinh hoặc là quá hạn dự sinh mấy ngày mà chị em vẫn chưa thấy có dấu hiệu gì.
  • Chị em có thể đang bị bệnh u xơ tử cung.
  • Nhiều trường hợp là do chị em đang mang thai đôi.
  • Lượng nước ối của chị em nhiều hơn so với bình thường.

Một vài trường hợp có thể do chị em bị bệnh tiểu đường thai kỳ. Tuy nhiên, chị em cũng đừng quá lo lắng, vì tình trạng sẽ được cải thiện nếu được kiểm tra và phát hiện bệnh kịp thời.

Từ những nguyên nhân trên cho thấy, đi khám thai định kỳ và thực hiện siêu âm rất quan trọng trong việc giúp các bác sĩ đánh giá sự phát triển của thai nhi.

Thai nhi phát triển kém so với tuổi thai?

Điều này có nghĩa là tại thời điểm chị em đi khám thai, thai nhi có chiều dài ngắn hơn khoảng 3cm so với chiều dài trung bình. Trong trường hợp này, bác sĩ của bạn cũng sẽ tiến hành việc siêu âm để kiểm tra sự phát triển của thai nhi cũng như ngày dự sinh và có biện pháp loại trừ các vấn đề khiến thai nhi bị kiềm chế sự tăng trưởng.

Tuy nhiên, nhiều trường hợp thai nhi phát triển kém hơn bình thường là do chị em hoặc chồng có kích thước cũng quá khiên tốn. Để theo dõi tốt sự phát triển của thai nhi, chị em nên đi khám thai đúng định kỳ và đừng quên hỏi bác sĩ về những chỉ số mình không biết nhé!

Theo Meyeucon.org

5 sai lầm của cha mẹ khiến con mãi mãi chỉ là chú lùn

(Cập nhật 26/11/2015 | Góc Mẹ và Bé)

Khi nhắc tới 5 sai lầm này từ phía cha mẹ khiến cho con mãi mãi thấp lùn hơn bạn đồng trang lứa, hẳn nhiều bậc phụ huynh sẽ phải ngỡ ngàng.

1. Bỏ qua giai đoạn thai nhi của con

Theo bác sĩ Vũ Quang Hào, Viện Dinh dưỡng quốc gia, giai đoạn trong bụng mẹ là là quan trọng nhất quyết định tới chiều cao của con sau này.

5 sai lầm của cha mẹ khiến con mãi mãi chỉ là chú lùn - hình 1

Nhiều bà mẹ thường không mấy quan tâm tới cân nặng của mình trong thời kỳ mang thai vì nghĩ rằng cân nặng có hơn kém chút ít cũng không sao, có thể cân nặng đó cao thấp là do mẹ chứ không liên quan gì tới con.

Tuy nhiên, một lời khuyên được ra, trong 9 tháng mang thai, dù trông mẹ có đầy đặn hay gầy gò tới đâu thì cũng nên và cố gắng tăng khoảng 10-12 kg. Bởi cân nặng của mẹ hoàn toàn quyết định tới việc thai nhi có phát triển được toàn diện hay không.

Với số cân nặng tăng như thế cho thấy bé sơ sinh có khả năng đạt được chiều cao 50 cm và cân nặng khoảng 3 kg lúc chào đời.

Các chuyên gia cũng chỉ ra rằng, nếu khi sinh ra bé chỉ đạt chiều cao 49 cm (thiếu 1 cm) thì khi trưởng thành có thể thấp đi 3-5 cm chiều cao. Còn khi đứa bé được chăm sóc tốt về dinh dưỡng, sức khỏe, khi sinh ra không bị bệnh tật, hoặc sinh non, chiều cao của bé sẽ đạt chuẩn.

2. Cho trẻ ăn no trước khi đi ngủ/ bắt con dậy bú đêm

5 sai lầm của cha mẹ khiến con mãi mãi chỉ là chú lùn - hình 2

Một số bà mẹ có suy nghĩ cho trẻ ăn thật no trước khi đi ngủ sẽ giúp con có giấc ngủ sâu hay thậm chí, khi đã thấy con ngủ rồi, nhiều mẹ còn cố đánh thức bé dậy cho bú bữa đêm để con no giấc, lớn nhanh. Quan niệm này là hoàn toàn sai lầm. Trên thực tế, trẻ lớn lên và phát triển chiều cao phần lớn khi ngủ. Lúc này, hormone làm tăng chiều cao của con người sẽ hoạt động mạnh mẽ.

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, để đi vào giấc ngủ sâu, trẻ sẽ cần 2 tiếng “khởi động” rồi mới thực sự đi vào giấc ngủ.

Do vậy, nếu cho trẻ ăn quá nhiều trước khi ngủ, dạ dày phải kéo dài thời gian hoạt động, chuyển hóa thức ăn, khiến trẻ khó có được giấc ngủ ngon, ảnh hưởng tới khả năng tiết kích thích tố sinh trưởng trong thời điểm lý tưởng này.

Trẻ sơ sinh cần ngủ ít nhất 20 tiếng mỗi ngày, trẻ từ 2-6 tháng tuổi cần 15-18 giờ ngủ, từ 6-18 tháng cần 13-15 giờ ngủ và trẻ từ 18 tháng đến 3 tuổi cần ngủ trong vòng 12-13 tiếng.

3. Không cho trẻ tắm nắng

5 sai lầm của cha mẹ khiến con mãi mãi chỉ là chú lùn - hình 3

Trả lời trên Tri Thức Trực Tuyến, bác sĩ Hào cũng cho biết thêm, vitamin D giúp phát triển chiều cao một cách tốt nhất. Đặc biệt, vitamin D chỉ có trong ánh nắng mặt trời. Do đó, việc tắm nắng hàng ngày rất cần thiết để giúp trẻ cao lớn. Tuy nhiên, nhiều mẹ lại bỏ qua điều này vì sợ con say nắng, ốm.

Ngay nay, nhiều cha mẹ vẫn cho rằng môi trường bên ngoài nhiều khói bụi độc hại hoàn toàn không tốt cho hệ hô hấp của trẻ nhỏ và thường chỉ cho con chơi trong nhà. Tới trường, trẻ hầu như ở trong lớp học cả ngày, ngay cả khi đi ăn trên đầu cũng có mái che.

Vào cuối tuần khi nắng đã tắt thì cha mẹ cho con đi bơi hoặc lại vào các trung tâm giải trí.

Khoảng thời gian bé được tiếp xúc với ánh nắng tự nhiên hoàn toàn ít ỏi.

Bác sĩ Hào khuyến cáo, điều này không hề tốt cho trẻ nhỏ. Tuy nhiên, cũng không nên cho trẻ ra ngoài trời nắng một cách bừa bãi, chỉ có một số giờ nắng là tốt cho làn da. Giờ tắm nắng tốt nhất vào 9h sáng và chỉ nên tắm khoảng từ 7-15 phút là đã đủ vitamin D cho một tuần lễ.

4. Chế độ dinh dưỡng

Bên cạnh quan niệm trẻ cao hay thấp phụ thuộc vào từng giai đoạn, không quan trọng lắm ở giai đoạn trong bào thai, nhiều người cũng cho rằng, con cao hay thấp là do sự thừa hưởng di truyền từ bố mẹ hoặc ông bà.

Thực tế từ một số nghiên cứu đã chỉ ra chiều cao của con người chịu ảnh hưởng khoảng 30-40%của yếu tố dinh dưỡng.

Điều này đặc biệt chuẩn xác đối với trẻ em dưới 5.

Theo đó, các em cần được bổ sung đầy đủ dinh dưỡng theo 4 nhóm chất (bột đường, chất đạm, chất béo và vitamin khoáng chất), và các vi khoáng rất quan trọng, bao gồm vitamin D (quan trọng nhất), C, A, B, E, K. Ngoài ra, các vi khoáng tạo ra xương như canxi, phốt pho, kẽm cũng là yếu tố cần thiết để tăng trưởng chiều cao cho trẻ.

5. Trẻ ít vận động

Nhắc tới vấn đề này là một vấn đề muôn thuở của nhiều trẻ. Đã có nhiều khuyến cáo chỉ ra rằng, một số cha mẹ thời nay đã di truyền thói xấu lại cho con mình, nhất là thói quen công nghệ.

Để cho con ngoan ngoãn, không khóc đòi, cha mẹ đưa cho con điện thoại hoặc chiếc máy tính bảng để trẻ ngồi ngoan một chỗ chơi, thế là đỡ phải quản, đỡ phải quan tâm.

Đó là lý do vì sao số phần trăm trẻ em mắc béo phì, trầm cảm ngày càng cao và ngày càng nguy hại.

Khi bé sinh ra, thể lực của bé đã yếu, xương cốt vì thế cần phải được vận động dần dần để có thể cứng cáp và phát triển. Cha mẹ nên cho con vận động bằng một số môn thể thao hoặc một số công việc nhà phù hợp với lứa tuổi của con.

Chi Chi (Tổng hợp)

Nguồn: Người đưa tin

Hỏi đáp về cân nặng của mẹ bầu và thai nhi

(Cập nhật 14-11-2015 | Góc Mẹ và Bé)

Rất nhiều thắc mắc của bà bầu về cân nặng của cả mẹ và con trong thời kỳ mang thai sẽ được các bác sĩ giải đáp.

Tôi đang thiếu cân. Liệu thai của tôi có bị nhẹ cân không?

– Lúc bắt đầu thai kỳ, bác sĩ có thể đánh giá chỉ số cơ thể (BMI) của bạn. Chỉ số cơ thể lý tưởng là từ 19 tới 25. Nếu khi mang thai, bạn ăn ít và tăng cân không đáng kể thì em bé của bạn có nguy cơ nhẹ cân lúc sơ sinh hoặc nguy cơ chuyển dạ sớm (trước 36 tuần) cho người mẹ. Đó là lý do vì sao bạn cần ăn uống lành mạnh, cân bằng và cố gắng không để bụng đói quá lâu mà không ăn.

Nếu tôi thừa cân quá nhiều thì điều gì sẽ xảy ra?

– Phụ nữ có chỉ số BMI trên 30 có nguy cơ gia tăng các biến chứng như huyết áp cao, bệnh tiểu đường và tiền sản giật. Mang thai là thời gian những người mẹ thừa cân càng phải tuân thủ chế độ ăn uống hợp lý, hạn chế đồ béo và đường. Điều này sẽ có lợi cho mẹ và cả cho thai nhi.

Thai nhi nặng cân thì sẽ sinh khó phải không?

– Tất nhiên là có thể. Tuy nhiên, kích thước của em bé không ảnh hưởng nhiều đến tốc độ chuyển dạ hoặc mức độ đau đớn khi sinh. Điều này phụ thuộc nhiều hơn vào ngôi thai và cách người mẹ thư giãn khi chuyển dạ. Với những thai nhi quá nặng cân thì phương pháp mổ đẻ là cần thiết.

Hỏi đáp về cân nặng của mẹ bầu và thai nhi 1

Thai nhi nhẹ cân sẽ đẻ dễ?

– Điều này không chính xác. Bạn đừng nghĩ là ăn ít thì thai nhi nhỏ sẽ sinh nở dễ dàng bởi điều này không đúng. Trên thực tế, nhiều thai nhi nhẹ cân vẫn khiến cuộc “vượt cạn” mất nhiều thời gian và khó khăn.

Thai nhi càng nhỏ thì sức khỏe càng kém phải không?

– Có sự khác biệt giữa một thai nhi nhỏ do không phát triển tốt trong tử cung (có liên quan đến sức khỏe kém) với những thai nhi đơn giản là nhẹ cân hơn bình thường một chút. Tốt nhất từ khoảng tuần 25, bạn nên có một biểu đồ đánh giá sự phát triển của bé dựa trên ý kiến của bác sĩ. Nếu em bé của bạn hơi nhỏ nhưng vẫn phù hợp với tốc độ phát triển thì không cần quá lo. Nhưng nếu sự phát triển của bé bị giảm sút thì bạn nên trao đổi ngay với bác sĩ.

Tôi bị nghén nặng. Liệu thai nhi có nhỏ bé vì thiếu chất?

– Em bé của bạn sẽ có đủ dinh dưỡng bé cần từ mẹ. Các cơn nghén thường sẽ được cải thiện sau tuần 12. Nhưng cơn nghén trở thành nguy hiểm nếu bạn không ăn một thời gian dài. Khi ấy, nên cố gắng ăn ít nhưng thường xuyên và uống đủ nước. Khi nôn nặng, người mẹ có thể vào viện để truyền nước, tránh mất nước. Những bệnh nặng trong thai kỳ sẽ ảnh hưởng tới bé, trong khi cơn buồn nôn của mẹ thì hầu như không thành vấn đề.

Họ hàng nhà tôi toàn sinh con nặng cân. Liệu tôi có như thế?

– Sinh con nặng cân cũng có thể mang tính di truyền. Ví dụ, nếu bố mẹ bạn thừa cân thì bạn cũng có khả năng này, tiếp đến là con của bạn. Tương tự, với bố mẹ còi cọc, không ăn uống đủ chất thì cũng có khả năng sinh con còi cọc.

Tuy nhiên, chế độ ăn và lối sống quyết định nhiều tới kích thước của bé hơn là yếu tố di truyền. Nếu nhà bạn có tiền sử bệnh tiểu đường thì bạn nên đi khám ngay vì nó tạo nguy cơ sinh con nặng cân sau này.

 Theo Mai Lan / Pháp Luật Xã Hội