HỘI CHỨNG ỐNG CỔ TAY
Bài viết được thực hiện bởi Bác sĩ CKI Hoàng Văn Khoa – Bác sĩ khoa Ngoại tổng hợp – Phòng khám đa khoa Bình An
ĐỊNH NGHĨA:
Hội chứng ống cổ tay (Carpal Tunnel Syndrome) là tình trạng dây thần kinh giữa bị chèn ép khi đi ngang qua ống cổ tay, hậu quả là gây viêm, đau, tê, giảm hoặc mất cảm giác, thậm chí gây teo cơ, yếu cơ, giảm chức năng vận động của vùng bàn tay thuộc chi phối của dây thần kinh giữa…
NGUYÊN NHÂN:
Hội chứng ống cổ tay là hệ quả của sự kết hợp nhiều yếu tố. Các nguyên nhân của hội chứng ống cổ tay có thể bao gồm:
- Bất thường về giải phẫu: Đường hầm ống cổ tay có kích thước nhỏ hơn hoặc có sự khác biệt về mặt giải phẫu làm thu hẹp không gian, khiến cho dây thần kinh giữa dễ bị chèn ép hơn.
- Giới tính: Phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh cao gấp ba lần so với nam giới, điều này có thể do phụ nữ có đường hầm ống cổ tay nhỏ hơn.
- Thực hiện các động tác lặp đi lặp lại hoặc gấp duỗi quá mức bàn tay và cổ tay: Lặp đi lặp lại cùng một chuyển động hoặc các động tác cần phải uốn cong, gấp duỗi quá mức của bàn tay và cổ tay trong một thời gian dài có thể làm tổn thương các gân ở cổ tay, gây sưng viêm và gây tăng áp lực, chèn ép lên dây thần kinh giữa. Việc sử dụng một số máy móc có tính chất rung với tần số cao trong một thời gian dài như máy mài, máy bào… cũng dẫn đến tình trạng viêm dày dây chằng ống cổ tay gây ra hội chứng ống cổ tay.
- Thai kỳ: Thay đổi nội tiết tố trong thai kỳ có thể gây sưng viêm các thành phần trong ống cổ tay.
- Các bệnh lý đi kèm: Tổng trạng béo phì, bệnh tiểu đường, viêm khớp, cường giáp là những bệnh lý có liên quan đến hội chứng ống cổ tay.
- Sau tổn thương cổ tay: Do viêm khớp, dây chằng, viêm đơn dây, đa dây thần kinh hay cả các chấn thương cổ tay như trật khớp, gãy xương làm thay đổi không gian trong ống cổ tay.
Do đó, các nghiên cứu cho thấy phụ nữ ở tuổi trung niên, những người làm các nghề phải vận động cổ tay nhiều như: thợ thủ công, tài xế, thợ cắt tóc, thu ngân, đánh máy,… có tỉ lệ cao mắc tình trạng này.
- BIỂU HIỆN CỦA HỘI CHỨNG ỐNG CỔ TAY
Về lâm sàng, hội chứng ống cổ tay biểu hiện bởi tình trạng dây thần kinh giữa bị kích thích và tổn thương. Do đó hội chứng ống cổ tay sẽ có những triệu chứng sau:
- Rối loạn về cảm giác:
Bệnh nhân thường có cảm giác tê bì bàn tay, dị cảm, đau buốt như kim châm hoặc rát bỏng ở vùng da thuộc chi phối của dây thần kinh giữa (ngón cái, ngón trỏ, ngón giữa và một nửa ngón áp út), các triệu chứng này biểu hiện từ cổ tay đến các ngón, Các triệu chứng thường tăng về đêm hay khi thực hiện các động tác gấp duỗi cổ tay, đặc biệt trong thời gian dài như lái xe, đánh máy,…
- Rối loạn về vận động:
Triệu chứng này xuất hiện trong giai đoạn muộn của bệnh do dây thần kinh giữa bị tổn thương dẫn đến tình trạng teo, yếu liệt các cơ do dây thần kinh giữa chi phối. Một số biểu hiện thường gặp là cầm nắm khó, các động tác khéo léo của bàn tay giảm, hay đánh rơi đồ vật (muỗng, đũa …), bệnh nhân khó khăn trong việc thực hiện các động tác có thể dễ dàng thực hiện hằng ngày.
Tình trạng chèn ép thần kinh giữa kéo dài khiến người bệnh bị hẹp ống cổ tay, gây đau, tê, giảm hoặc mất cảm giác vùng da tay thuộc chi phối của thần kinh giữa, nặng hơn có thể gây teo cơ, giảm chức năng vận động bàn tay.
CHẨN ĐOÁN HỘI CHỨNG ỐNG CỔ TAY
Để chẩn đoán chính xác người bệnh có mắc bệnh hay không, bác sĩ sẽ phối hợp giữa thăm khám lâm sàng và các xét nghiệm cận lâm sàng.
Chẩn đoán xác định bệnh dựa vào:
- Có các triệu chứng cơ năng: tê bì, di cảm hoặc đau ở bàn tay và các ngón thuộc chi phối của dây thần kinh giữa (ngón I, II, III, và ½ ngón IV) và gan bàn tay tương ứng với các ngón đó, đau tăng về đêm hoặc khi vận động gấp duỗi cổ tay.
- Teo cơ ô mô cái
- Có các triệu chứng thực thể: nghiệm pháp Phalen, Tinel, Durkan dương tính.
Nghiệm pháp Phalen: Để người bệnh gấp hai cổ tay 90 độ sát vào nhau trong thời gian ít nhất là 60 giây. Nghiệm pháp Phalen ngược thì thay bằng động tác duỗi hai cổ tay. Nghiệm pháp dương tính nếu bệnh nhân xuất hiện hoặc tăng các triệu chứng về cảm giác thuộc chi phối của dây thần kinh giữa ở bàn tay.
Nghiệm pháp Tinel: Gõ vào vùng ống cổ tay (có thể dùng tay hoặc búa phản xạ), nghiệm pháp dương tính khi gõ sẽ gây cảm giác tê hoặc đau theo vùng da chi phối của dây thần kinh giữa ở bàn tay.
Tuy nhiên để chẩn đoán xác định đồng thời đánh giá mức độ tổn thương dây thần kinh giữa đồng thời tiên lượng bệnh, thầy thuốc cần tiến hành các phương pháp chẩn đoán cận lâm sàng:
- Siêu âm cổ tay: Xác định tình trạng viêm dây thần kinh giữa dựa vào kích thước thiết diện cắt ngang trên siêu âm.
- Đo dẫn truyền điện thần kinh: là phương pháp để chẩn đoán xác định hội chứng ống cổ tay cũng như mức độ tổn thương dây thần kinh giữa.
- X- quang cổ tay: có vai trò trong việc loại trừ các bệnh lý khác ở cổ tay cũng gây đau tương tự hoặc tìm nguyên nhân của hội chứng ống cổ tay.
PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRỊ HỘI CHỨNG ỐNG CỔ TAY
Sau khi được chẩn đoán hội chứng ống cổ tay, tuỳ thuộc vào tình trạng bệnh, nhu cầu công việc, cuộc sống của người bệnh mà bác sĩ đưa ra hướng điều trị cụ thể. Điều trị hội chứng ống cổ tay bao gồm:
- Điều trị không phẫu thuật
Nếu được chẩn đoán và điều trị sớm, các triệu chứng của hội chứng ống cổ tay thường có thể được thuyên giảm mà không cần phẫu thuật. Nếu chẩn đoán của bạn là không chắc chắn hoặc nếu các triệu chứng của bạn là nhẹ, bác sĩ sẽ khuyên bạn nên điều trị không phẫu thuật đầu tiên. Các phương pháp điều trị không phẫu thuật có thể bao gồm:
Mang nẹp cố định cổ tay
Sử dụng các thuốc chống viêm không steroid (NSAID)
Thay đổi đối thói quen làm việc liên quan tới cổ tay như thay đổi tư thế đánh máy, sử dụng miếng lót chuột chuyên dụng, chuyển đổi công việc sang môi trường máy móc ít rung với tần số cao…
Tập các bài tập trượt thần kinh
Tiêm steroid vào ống cổ tay
- Điều trị phẫu thuật
Quyết định có phẫu thuật hay không dựa trên mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng – mức độ đau và tê cũng như tính chất công việc của bạn đòi hỏi bàn tay làm việc liên tục ví dụ nghệ sĩ chơi đàn… Trong trường hợp tình trạng tê tay kéo dài hoặc teo, yếu cơ mô cái của bạn. Phẫu thuật có thể được khuyến cáo để ngăn ngừa các biến chứng tổn thương thần kinh giữa không hồi phục.
Có hai kỹ thuật phẫu thuật khác nhau để làm điều này là: Mổ mở giải phóng ống cổ tay và Nội soi đường hầm cổ tay.
Với hình thức mổ mở thì thao tác đơn giản, thực hiện nhanh, đòi hỏi trang thiết bị chuyên sâu, có thể thực hiện tiểu phẫu nên chi phí nhẹ nhàng hơn. Ngược lại với phẫu thuật nội soi đòi hỏi thiết bị chuyên sâu, chỉ thực hiện ở phòng mổ nên chi phí khá cao. Tuy nhiên yếu tố thẩm mỹ thì phẫu thuật nội soi ống cổ tay vượt trội hơn.
Mục đích của cả hai là giảm áp lực lên dây thần kinh giữa của bạn bằng cách cắt dây chằng phía trên của đường hầm. Điều này làm tăng kích thước của đường hầm và giảm áp lực lên dây thần kinh giữa.