Cách tốt nhất để phát hiện sớm ung thư cổ tử cung

Phụ nữ nên tầm soát loại ung thư cổ tử cung từ tuổi 21 trở lên, khi đã có quan hệ tình dục.

TS.BS Lê Thanh Đức, Trưởng khoa Nội vú – Phụ khoa, Bệnh viện K, cho biết ngoài bệnh ung thư vú, ung thư cổ tử cung cũng là một trong những bệnh ung thư phổ biến thường gặp ở phụ nữ. Sàng lọc, phát hiện sớm ung thư là phương pháp tốt nhất giúp phát hiện những bất thường, dấu hiệu tiền ung thư hoặc bệnh giai đoạn sớm.

“Tầm soát ung thư cổ tử cung rất quan trọng đối với chị em phụ nữ, đặc biệt là người ở độ tuổi trung niên, 35-44 tuổi. Đây là phương pháp phát hiện ra các tế bào ung thư sớm bằng cách tìm ra tế bào bất thường trước khi chúng biến đổi thành tế bào ung thư. Nhờ vậy, quá trình ngăn chặn, điều trị bệnh ung thư cổ tử cung đạt thành công lên tới 75-90%”, TS Thanh Đức nói.

Vị chuyên gia khuyến cáo nữ giới nên tầm soát loại ung thư này từ tuổi 21 trở lên, khi đã có quan hệ tình dục. Tần suất thực hiện tầm soát ung thư cổ tử cung cũng tùy thuộc vào loại xét nghiệm bạn chọn. Đa số định kỳ là từ 1 đến 3 năm/lần.

benh phu khoa anh 1
Sàng lọc, phát hiện sớm ung thư là phương pháp tốt nhất giúp phát hiện những bất thường, dấu hiệu tiền ung thư hoặc ung thư giai đoạn sớm. Ảnh: Freepik.

Theo bác sĩ Đức, sau khi nhận được kết quả xét nghiệm, nếu có sự xuất hiện của các tế bào bất thường, người bệnh cũng không nên quá lo lắng. Bởi có nhiều trường hợp các tế bào bất thường xuất hiện nhưng không phải do ung thư. Một thời gian sau, các tế bào ấy sẽ trở lại bình thường, người bệnh sẽ tiến hành sàng lọc, điều trị bệnh, với tỷ lệ thành công khá cao.

“Càng phát hiện ở giai đoạn muộn hoặc bỏ lỡ thời điểm vàng của quá trình điều trị, các tế bào bất thường phát triển mạnh hơn, hiệu quả điều trị sẽ giảm dần”, bác sĩ Đức nhấn mạnh.

Hiện nay có 2 phương pháp tầm soát ung thư cổ tử cung được sử dụng phổ biến nhất là Pap và HPV. Các chuyên gia khuyến cáo nên thực hiện kết hợp xét nghiệm HPV với xét nghiệm PAP- Smear giúp sàng lọc ung thư cổ tử cung hiệu quả cao nhất.

Phụ nữ sau khi thực hiện tầm soát ung thư có thể vận động, đi lại, ăn uống như bình thường. Một số trường hợp âm đạo sẽ bị chảy máu sau khi xét nghiệm xong. Tuy nhiên, đây là hiện tượng bình thường nên không cần quá lo lắng. Chỉ khi máu chảy quá nhiều, bạn cần thông báo với bác sĩ để được kiểm tra.

Tìm hiểu thêm : https://phongkhambinhan.com/tam-soat-ung-thu-co-tu-cung-nhung-dieu-can-biet/

Làm thế nào để phân biệt sữa bột thật – giả?

Việc sử dụng sữa bột giả không chỉ khiến trẻ thiếu hụt dinh dưỡng mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ về sức khỏe, vậy làm thế nào để phân biệt sữa bột thật – giả?

Theo PGS.TS Nguyễn Trọng Hưng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, hiện nay, thị trường sữa bột đang bị xáo trộn bởi tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng trà trộn tinh vi, khó phân biệt bằng mắt thường. Điều này đặc biệt nguy hiểm khi người dùng là trẻ nhỏ – đối tượng dễ bị tổn thương do hệ miễn dịch và tiêu hóa còn non yếu.

Việc sử dụng sữa bột giả không chỉ khiến trẻ thiếu hụt dinh dưỡng mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ về sức khỏe như tiêu chảy, ngộ độc, suy hô hấp…

Những rủi ro khi sử dụng sữa bột giả

Theo PGS.TS Nguyễn Trọng Hưng, tùy vào thành phần pha trộn, sữa bột giả có thể gây hại ở nhiều mức độ. Nếu tỷ lệ dinh dưỡng không đúng chuẩn, trẻ uống vào sẽ không được cung cấp đầy đủ dưỡng chất cần thiết. Nguy hiểm hơn, quy trình sản xuất không đảm bảo có thể khiến vi khuẩn, nấm mốc xâm nhập, dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng như tiêu chảy cấp, ngộ độc, thậm chí ảnh hưởng đến hệ hô hấp.

Đáng chú ý, nhiều phụ huynh khi mua sữa vẫn có thói quen “nghe mách” thay vì kiểm tra kỹ nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ. Điều này tạo kẽ hở để sữa bột giả len lỏi vào thị trường và đến tay người tiêu dùng.

sua bot anh 1
Sữa bột là một trong những nguồn dinh dưỡng quan trọng cho trẻ, nhưng cũng là mặt hàng dễ bị làm giả do nhu cầu tiêu dùng lớn.

Làm sao để phân biệt sữa thật và sữa giả?

Việc phân biệt sữa thật – giả bằng mắt thường không dễ, nhất là với các sản phẩm bị làm giả tinh vi. Tuy nhiên, người tiêu dùng có thể nhận diện qua một số dấu hiệu sau:

Quan sát bên ngoài

Mã vạch sản phẩm: Kiểm tra kỹ mã vạch trên bao bì. Ví dụ: hàng Mỹ có mã từ 000-039, Nhật là 450-459 hoặc 490-499, Trung Quốc là 690-695… Với sản phẩm nhập khẩu, cần có tem phụ và hướng dẫn tiếng Việt của nhà phân phối chính thức.

Hạn sử dụng: Sữa thật thường có hạn sử dụng được in dập nổi, rõ ràng. Ngược lại, sữa giả có thể bị tẩy xóa, in chồng hoặc mờ nhòe.

Bao bì: Sữa chính hãng có bao bì nguyên vẹn, chữ in sắc nét, không mờ nhạt. Hộp sữa không bị méo mó, trầy xước. Sữa giả có thể có hình ảnh mờ, tem nhãn thiếu thông tin, vỏ hộp có dấu hiệu bị bóp méo.

Quan sát bên trong

Mùi và màu sắc: Sữa thật có mùi thơm dịu, bột mềm mịn, màu vàng nhạt. Sữa giả có thể có mùi lạ, bột bị vón cục, màu sắc bất thường.

Khi nào cần ngừng sữa và đi khám?

Phụ huynh cần theo dõi kỹ phản ứng của trẻ khi sử dụng sữa. Nếu trẻ có biểu hiện tiêu chảy, nôn trớ, không tăng cân hoặc sụt cân, ho kéo dài, khó thở… cần lập tức ngừng sữa đang dùng và đưa trẻ đi khám. Đặc biệt với trẻ có bệnh lý nền, nên tham khảo ý kiến bác sĩ dinh dưỡng để chọn đúng loại sữa phù hợp.

Nguyên tắc chọn sữa an toàn

Phụ huynh hãy tham khảo bác sĩ trước khi sử dụng cho phù hợp. Các mẹ hãy chọn các công ty chuyên sản xuất kinh doanh sữa và các sản phẩm từ sữa có thời gian kinh doanh nhiều năm, các công ty có thương hiệu ưu tín trong nước cũng như thế giới.

Cha mẹ chọn sản phẩm đã được cấp phép bởi cơ quan quản lý có thẩm quyền, có các bằng chứng khoa học về tác dụng. Chọn sữa theo lứa tuổi, tình trạng sức khỏe và nhu cầu dinh dưỡng của người sử dụng. Luôn kiểm tra hạn sử dụng, quy cách đóng gói, bảo quản. Mọi người hãy đọc thành phần dinh dưỡng, đặc biệt là hàm lượng đạm, chất béo và lượng đường bổ sung, vi chất dinh dưỡng…

PGS.TS Nguyễn Trọng Hưng nhấn mạnh, sữa bột là một trong những nguồn dinh dưỡng quan trọng cho trẻ, nhưng cũng là mặt hàng dễ bị làm giả do nhu cầu tiêu dùng lớn. Việc nâng cao nhận thức, rèn luyện thói quen đi tư vấn dinh dưỡng, thói quen đọc nhãn mác, kiểm tra thông tin sản phẩm kỹ lưỡng là cách thiết thực để bảo vệ con trẻ khỏi những rủi ro sức khỏe không đáng có.

Người đàn ông tử vong vì vết cào của mèo

Thấy vết cào tương đối nông và chảy ít máu, người đàn ông không đến cơ sở y tế để tiêm vaccine dại. Hai tháng sau, anh qua đời.

Nhiều người vẫn chủ quan khi bị mèo hoang cắn, cào. Ảnh: Freepik.

Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Bình Thuận, địa phương này vừa ghi nhận trường hợp không qua khỏi liên quan bệnh dại do bị mèo hoang cào.

Hồi tháng 2, người đàn ông 36 tuổi (ở Tánh Linh, Bình Thuận) bị một con mèo hoang cào vào bắp chân. Vết thương nông, chảy máu ít nên anh không đến cơ sở y tế tiêm vaccine và huyết thanh kháng dại.

Hai tháng sau, người bệnh bắt đầu có triệu chứng đau bụng, mệt mỏi. Ngày kế tiếp, anh bất ngờ sợ gió, khó thở, co giật và được đưa đến phòng khám địa phương. Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán nghi mắc bệnh dại và nhanh chóng chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM.

Kết quả xét nghiệm tại bệnh viện cho thấy người đàn ông dương tính với virus dại. Gia đình quyết định xin cho anh xuất viện, người bệnh sau đó đã qua đời tại nhà.

Đây là trường hợp không qua khỏi vì bệnh dại thứ 3 tại Bình Thuận kể từ đầu năm đến nay. Điều đáng chú ý là nguyên nhân không đến từ chó, mà từ mèo hoang – loài vật mà nhiều người vẫn còn chủ quan khi bị cào hoặc cắn.

Theo các chuyên gia, bệnh dại có thể lây truyền qua nước bọt của động vật mắc bệnh như chó, mèo, chuột, dơi… nếu tiếp xúc với vết thương hở, trầy xước hoặc niêm mạc. Khi đã phát bệnh, tỷ lệ không qua khỏi gần như 100% do hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.

Người dân cần ghi nhớ các bước xử lý quan trọng khi bị động vật cắn, cào hoặc liếm vào vùng da tổn thương:

  • Rửa vết thương dưới vòi nước chảy với xà phòng ít nhất 15 phút
  • Sát trùng bằng cồn 45-70%, dung dịch iod hoặc povidone-iodine nếu có
  • Không băng kín hoặc khâu kín vết thương
  • Nhanh chóng đến cơ sở y tế để được tiêm phòng

Lưu ý, người dân tuyệt đối không điều trị theo các phương pháp dân gian hay dùng thuốc không rõ nguồn gốc. Chủ động tiêm vaccine là biện pháp phòng ngừa bệnh dại hiệu quả và duy nhất hiện nay.

Cách xử lý khi tim bất ngờ đập thình thịch

Nhịp tim tăng nhanh đột ngột có thể là biểu hiện tiềm ẩn của một vài vấn đề sức khỏe đáng lo ngại.

Một số người có thể đột ngột cảm thấy tim đập nhanh, có thể trên 100 nhịp/phút dù không rõ nguyên nhân. Theo Hiệp hội Tim mạch Mỹ (AHA), nhịp tim lúc nghỉ ngơi trung bình của người trưởng thành dao động từ 60–100 nhịp mỗi phút. Khi nhịp tim vượt quá ngưỡng này, dù là thoáng qua hay kéo dài, đó có thể là dấu hiệu cần được theo dõi kỹ.

Phản ứng với cảm xúc mạnh

Căng thẳng, lo âu, tức giận hay sợ hãi đều có thể làm tim đập nhanh, theo Medical News Today. Khi gặp áp lực tinh thần, cơ thể tiết ra hormone epinephrine (adrenaline) từ tuyến thượng thận. Hormone này giúp cơ thể sẵn sàng phản ứng ngay lập tức với căng thẳng. Sự gia tăng adrenaline khiến người ta cảm thấy:

  • Tim đập nhanh, không đều hoặc bỏ nhịp
  • Huyết áp tăng
  • Đồng tử giãn
  • Ra mồ hôi
  • cảm giác lo lắng, bồn chồn

Cách xử lý: Thông thường, các triệu chứng này sẽ giảm dần khi cảm xúc được ổn định. Nếu thường xuyên bị căng thẳng, người bệnh có nguy cơ cao mắc các bệnh như tăng huyết áp, đau tim hay đột quỵ. Một số cách giúp kiểm soát stress bao gồm:

  • Tập thể dục đều đặn
  • Thực hành thiền, yoga hoặc massage thư giãn
  • Chia sẻ với người thân hoặc chuyên gia tâm lý

Phản ứng với một số loại thuốc, chất kích thích

Khi cơ thể phản ứng với một số loại thuốc, chất kích thích cũng xảy ra hiện tượng tim đập nhanh.

Caffeine: Có trong cà phê, trà, nước ngọt, nước tăng lực. Mỗi người có mức độ nhạy cảm khác nhau với caffeine. Dùng quá liều có thể gây mất ngủ, lo lắng, tim đập nhanh, đau đầu, buồn nôn.

Nicotine: Hoạt chất có trong thuốc lá, có thể làm tăng huyết áp và nhịp tim thêm 10–15 nhịp/phút, dù được hút, hít hay uống.

Thuốc kê đơn: Một số thuốc có thể gây nhịp tim nhanh như: thuốc xịt hen suyễn, thuốc hạ áp, kháng histamine, thuốc chống nấm, thuốc chống trầm cảm và kháng sinh.

Thực phẩm chức năng: Một vài loại thảo dược có thể ảnh hưởng đến nhịp tim:

  • Cam đắng: Dùng để giảm cân, hỗ trợ tiêu hóa – có thể gây tim đập nhanh.
  • Valerian: Hỗ trợ giấc ngủ – có thể gây rối loạn nhịp tim, khó chịu, bồn chồn.
  • Nhân sâm: Có thể gây mất ngủ, tim đập nhanh, đau đầu, rối loạn kinh nguyệt.

Cách xử lý: Nên giảm tiêu thụ caffeine, rượu, nicotine hoặc tránh lạm dụng các chất kích thích. Nếu triệu chứng xuất hiện sau khi dùng thuốc hay thực phẩm chức năng, nên tham khảo ý kiến bác sĩ để đổi loại thuốc phù hợp.

Thay đổi nội tiết tố

Khi mang thai, tim phải bơm máu nhiều hơn để nuôi thai và nhau thai, khiến nhịp tim tăng nhẹ. Nghiên cứu cho thấy, tim thai phụ có thể đập nhanh hơn 7–8 nhịp/phút so với bình thường.

Ngoài ra rối loạn điện giải cũng có thể dẫn đến tình trạng trên. Điện giải (muối khoáng trong máu) giúp dẫn truyền xung điện trong cơ thể. Khi mất cân bằng điện giải, người bệnh có thể gặp tình trạng tim đập nhanh, khó thở, sốt, đầy hơi, lú lẫn, rối loạn nhịp.

Cách xử lý: Bác sĩ sẽ làm xét nghiệm máu để xác định mức điện giải. Việc điều trị tùy thuộc vào nguyên nhân cụ thể và mức độ mất cân bằng.

Suy giãn tĩnh mạch

Suy giãn tĩnh mạch là tình trạng các tĩnh mạch, đặc biệt là tĩnh mạch chân bị giãn, suy yếu và mất khả năng đưa máu trở về tim.

Ths.BS Nguyễn Tuấn Hải, Viện Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết hơn 30% người trưởng thành Việt Nam đang đối mặt với nguy cơ suy giãn tĩnh mạch. Đây là căn bệnh âm thầm gây biến chứng nguy hiểm như huyết khối, loét da, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Nguyên nhân chính là các van tĩnh mạch bị hư hỏng khiến máu ứ đọng lại trong lòng mạch.

Người dễ mắc bệnh suy tĩnh mạch bao gồm người ít vận động như dân văn phòng, đứng hoặc ngồi lâu; phụ nữ mang thai hoặc sau sinh; người cao tuổi; người có tiền sử gia đình mắc bệnh bởi gene di truyền liên quan đến cấu trúc thành mạch, van tĩnh mạch yếu bẩm sinh.

Dấu hiệu

Đau nhức, nặng chân, đặc biệt vào cuối ngày. Phù nề, sưng mắt cá chân. Nổi các tĩnh mạch xanh tím, ngoằn ngoèo dưới da. Chuột rút, ngứa hoặc cảm giác nóng rát ở chân. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, suy giãn tĩnh mạch có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng, bao gồm:

– Loét da: Do máu ứ đọng lâu ngày, gây thiếu dinh dưỡng cho da.

– Huyết khối tĩnh mạch sâu: Cục máu đông hình thành trong tĩnh mạch, có thể di chuyển đến phổi, gây tắc mạch phổi (nguy hiểm tính mạng).

– Suy giảm chất lượng cuộc sống: Đau đớn, khó khăn trong vận động và sinh hoạt hàng ngày.

Điều trị

Siêu âm Doppler là phương pháp chính để chẩn đoán suy giãn tĩnh mạch, giúp đánh giá mức độ suy tĩnh mạch và phát hiện huyết khối tĩnh mạch. Bác sĩ bôi một lớp gel lên vùng da cần khám, dùng đầu dò di chuyển trên da để quan sát hình ảnh tĩnh mạch trên màn hình. Phương pháp này giúp đánh giá lưu thông máu, phát hiện huyết khối và xác định mức độ suy giãn tĩnh mạch. Thời gian thực hiện thường khoảng 15-30 phút.

Những trường hợp cần điều trị: Có triệu chứng đau nhức, phù nề, ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày; có biến chứng như loét da, huyết khối tĩnh mạch; tĩnh mạch giãn lớn, gây mất thẩm mỹ hoặc nguy cơ biến chứng cao.

Các phương pháp điều trị hiện nay bao gồm:

– Điều trị nội khoa: Sử dụng thuốc tăng cường tĩnh mạch, mang tất y khoa.

– Điều trị xâm lấn tối thiểu: Tiêm xơ tĩnh mạch, laser nội mạch.

– Phẫu thuật: Áp dụng cho trường hợp nặng, không đáp ứng với các phương pháp khác.

Chế độ tập luyện

Về vận động, tập luyện: Người mắc bệnh suy tĩnh mạch nên đi bộ nhẹ nhàng 20-30 phút/ngày, bơi lội đạp xe, các bài tập co duỗi chân. Không nên chạy bộ đường dài, nhảy dây, tập tạ nặng, đứng hoặc ngồi bất động quá lâu trên một giờ.

Về thói quen sinh hoạt: Nên kê cao chân khi ngủ hoặc nghỉ ngơi, cao hơn tim 10-15 cm. Mang tất áp lực theo chỉ định của bác sĩ, massage chân nhẹ nhàng. Không nên ngâm chân nước nóng trên 40 độ C, xông hơi lâu hay mang giày cao gót trên 3 cm.

Về chế độ ăn uống, nên ăn thực phẩm giàu chất xơ (rau xanh, đậu, yến mạch); uống đủ nước 2-2,5 lít/ngày; bổ sung thực phẩm giàu vitamin C và E (cam bưởi…). Không nên ăn quá mặn, đồ hộp (gây giữ nước, phù chân); tránh béo phì (duy trì BMI dưới 25).

Suy giãn tĩnh mạch là bệnh lý có thể điều trị hiệu quả nếu được phát hiện sớm. Khám định kỳ và tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ sẽ giúp bạn tránh được các biến chứng nguy hiểm.

Những bệnh HPV gây ra ở nam giới

Nam giới nhiễm HPV tiến triển thành các bệnh sùi mào gà, ung thư hầu họng, hậu môn và lây truyền qua bạn tình khi quan hệ tình dục

Theo  bác sĩ trong hơn 200 chủng virus HPV (virus gây u nhú ở người), có khoảng 40 chủng có thể gây bệnh liên quan đến bộ phận sinh dục cho cả nam và nữ. Các bệnh virus HPV có thể gây ra cho nam giới dưới đây:

Sùi mào gà

Sùi mào gà do chủng HPV 6 và 11 gây ra, thường lây qua đường quan hệ tình dục, hoặc lây qua tiếp xúc da kề da. Đường lây ít gặp hơn gồm sử dụng chung đồ dùng có chứa dịch tiết nhiễm mầm bệnh. Các nốt sùi thường mọc thành từng cụm hoặc riêng lẻ chủ yếu ở dương vật, hậu môn gây đau nhức, khó chịu cho người bệnh. Một số trường hợp, virus có thể lây lan, mọc ở vùng mắt, miệng, lưỡi…

Theo bác sĩ , sùi mào gà ở nam giới thường xuất hiện ở người trong độ tuổi sinh sản, có lối sống tình dục không lành mạnh, hoặc có nhiều yếu tố nguy cơ như lạm dụng chất gây nghiện, hút thuốc lá, uống rượu bia…

Một nghiên cứu trên 157 bệnh nhân nam đến khám tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội từ tháng 4 đến tháng 6/2023, có 38 người mắc sùi mào gà, độ tuổi từ 20-42. Nghiên cứu chỉ ra hút thuốc lá, không sử dụng bao cao su và quan hệ tình dục qua đường hậu môn có liên quan đến tỷ lệ mắc sùi mào gà ở nam giới.

Ung thư vòm họng

Ung thư vòm họng thường xuất hiện ở nam giới tuổi từ 40 đến 60. Ngoài các yếu tố như rượu bia, thuốc lá, vệ sinh răng miệng kém, HPV liên quan khoảng 60-70% trường hợp ung thư miệng họng.

Một nghiên cứu trên hơn 2.700 trường hợp mắc ung thư vòm họng đăng tại Thư viện Y khoa Mỹ năm 2023, cho thấy nhiều bệnh nhân từng nhiễm HPV. Theo bác sĩ , dấu hiệu của bệnh thường là đau họng kéo dài, ngạt mũi, tắc mũi, khó nghe, khó nói, chảy máu cam, khó thở, hạch bất thường ở vòm họng… Tuy nhiên, các dấu hiệu này không điển hình dẫn đến 70% bệnh nhân phát hiện bệnh ở giai đoạn cuối, điều trị rất khó khăn.

Ung thư hậu môn

Thống kê của Tổ chức Ung thư toàn cầu (Globocan) vào năm 2020, có khoảng 50.860 ca mới mắc và 19.300 ca tử vong do ung thư hậu môn. Tại Việt Nam, ung thư hậu môn đứng thứ 25 trong các loại ung thư thường gặp với gần 580 ca mắc mới, 320 trường hợp tử vong, tỷ lệ mắc là 1,45 trên 100.000 dân. Bệnh thường gặp ở cả nam và nữ, phổ biến hơn ở người nhiễm HIV. Ở nam giới, nguy cơ mắc ung thư hậu môn cao hơn khoảng 17 lần ở người đồng tính, song tính.

Theo bác sĩ Phong, virus HPV khi xâm nhập vào cơ thể có thể tồn tại nhiều năm mà không biểu hiện triệu chứng, hoặc không có triệu chứng rõ ràng, song vẫn lây cho người khác. Nguy cơ lây nhiễm càng cao khi quan hệ tình dục không an toàn, có nhiều bạn tình. Khi vào cơ thể, virus HPV có thể đào thải trong 1-2 năm, cũng có thể duy trì ở “trạng thái ngủ” trong nhiều năm, sau đó sẽ tiến triển thành ung thư khi hệ miễn dịch suy giảm, tái nhiễm nhiều lần.

Tiêm vaccine là cách phòng ngừa HPV hiệu quả. Hiện Việt Nam có hai loại vaccine HPV, gồm Gardasil phòng được 4 type HPV 6, 11, 16, 18 và Gardasil 9 phòng ngừa 9 type 6, 11, 16, 18, 31, 33, 45, 52 và 58. Trong đó, vaccine Gardasil 9 chỉ định tiêm cho nam và nữ trong độ tuổi 9-45, không phân biệt đã từng quan hệ tình dục, sinh con hay chưa. Hiệu quả bảo vệ đến trên 90%.

Ngoài vaccine, nam giới cũng nên có đời sống tình dục lành mạnh, không sử dụng chung đồ dùng cá nhân với người khác để tránh lây nhiễm HPV và các bệnh tình dục. Mọi người nên có chế độ ăn đủ dinh dưỡng, vận động thường xuyên, tránh sử dụng chất kích thích, hạn chế uống rượu bia, hút thuốc để nâng cao thể trạng, tăng cường sức đề kháng.

Khi gặp tình trạng hẹp bao quy đầu, có các dấu hiệu bất thường như vùng kín có mùi cần đi khám và điều trị sớm. Nam giới không nên có tâm lý e ngại, tìm đến cơ sở y tế không uy tín để điều trị, tránh tiền mất tật mang.

Các triệu chứng cảnh báo viêm họng liên cầu khuẩn

Viêm họng liên cầu khuẩn là bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn Streptococcus gây ra. Bệnh thường gặp nhất ở trẻ em 5-15 tuổi, rất dễ lây lan kể cả khi không có triệu chứng.

 

Viêm họng liên cầu khuẩn thường gặp nhất ở trẻ em 5-15 tuổi. Ảnh: Shutterstock.

Viêm họng liên cầu khuẩn là tình trạng nhiễm trùng ở cổ họng và amidan do vi khuẩn Streptococcus nhóm A (liên cầu khuẩn nhóm A) gây ra. Đây là tình trạng nhiễm trùng ở cổ họng và amidan (hạch bạch huyết ở phía sau miệng). Tình trạng viêm này thường ảnh hưởng đến vùng xung quanh cổ họng, gây ra đau và viêm họng, amidan rất nặng.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), có khoảng 1 trong 10 người lớn và 3 trong 10 trẻ em bị đau họng là do viêm họng liên cầu khuẩn.

Triệu chứng phổ biến

Theo Cleveland Clinic, các triệu chứng ban đầu của viêm họng liên cầu khuẩn bao gồm đau họng đột ngột. Ngoài ra, người bệnh có thể bị sốt rất nhanh, với nhiệt độ cao nhất vào ngày thứ hai bị nhiễm trùng.

Các dấu hiệu khác của bệnh viêm họng liên cầu khuẩn bao gồm:

  • Ớn lạnh
  • Đau đầu
  • Mất cảm giác thèm ăn
  • Đau bụng
  • Buồn nôn và nôn

Một triệu chứng mà viêm họng liên cầu khuẩn thường không gây ra là ho. Nếu bạn bị ho và các triệu chứng cảm lạnh khác, có thể bạn bị nhiễm virus chứ không phải viêm họng liên cầu khuẩn. Ngoài ra, một số người bị viêm họng liên cầu khuẩn không biểu hiện bất kỳ triệu chứng nào.

Khi bị viêm họng liên cầu khuẩn, cổ họng và amidan có thể xuất hiện màu đỏ, đau và sưng hoặc có các mảng trắng, đốm hoặc vệt mủ. Ngoài ra, người bệnh dễ phát triển các đốm nhỏ màu đỏ trên vòm miệng gọi là xuất huyết.

Tùy thuộc vào chủng vi khuẩn, bạn cũng có thể bị phát ban do viêm họng liên cầu khuẩn (sốt ban đỏ). Ban đầu, phát ban xuất hiện ở cổ và ngực, nhưng lan sang các bộ phận khác trên cơ thể. Vi khuẩn Streptococcus nhóm A cũng có thể lây nhiễm vào da và gây ra các vết loét. Khi điều này xảy ra, tình trạng nhiễm trùng được gọi là chốc lở.

Viem hong lien cau khuan anh 1
Viêm họng liên cầu khuẩn có triệu chứng đặc trưng là đau và viêm họng, sưng amidan rất nặng. Ảnh: Raisingchildrennetwork.

Viêm họng liên cầu khuẩn lây lan thế nào?

Viêm họng liên cầu khuẩn rất dễ lây. Một số người bị nhiễm trùng không có triệu chứng hoặc trông có vẻ ốm. Nhưng ngay cả khi không có triệu chứng, bạn vẫn dễ dàng lây nhiễm cho người khác. Tuy nhiên, những người biểu hiện triệu chứng hoặc có vẻ ốm có khả năng lây nhiễm cao hơn những người không có triệu chứng.

Vi khuẩn gây viêm họng liên cầu khuẩn thường sống trong mũi và họng. Khi hắt hơi, ho hoặc nói chuyện, người bệnh lây nhiễm qua các giọt hô hấp. Những người khác có thể bị nhiễm trùng nếu họ:

  • Hít phải những giọt bắn
  • Chạm vào vật có chứa các giọt bắn rồi chạm vào mũi hoặc miệng
  • Chia sẻ đồ dùng cá nhân (chẳng hạn uống chung một ly nước).

Vi khuẩn gây viêm họng liên cầu khuẩn sống trong các vết loét bị nhiễm trùng trên da. Những người khác bị nhiễm trùng nếu họ chạm vào vết loét của người bệnh hoặc tiếp xúc với chất lỏng từ vết loét.

Thời gian ủ bệnh viêm họng liên cầu khuẩn là 2-5 ngày. Bạn có thể lây nhiễm cho người khác trong thời gian này. Nếu đang dùng thuốc kháng sinh, bạn sẽ không lây nhiễm sau 24-48 giờ đầu điều trị.

Viêm họng liên cầu khuẩn thường gặp nhất ở trẻ em trong độ tuổi đi học, từ 5 đến 15 tuổi. Nhưng bệnh cũng ảnh hưởng đến anh chị em ruột, cha mẹ, giáo viên và những người chăm sóc khác tiếp xúc trực tiếp với trẻ trong độ tuổi đi học.

Ngoài ra, những người sống trong môi trường nhóm là hộ gia đình, nhà trẻ, trường học, doanh trại quân đội có nguy cơ mắc bệnh viêm họng liên cầu khuẩn cao hơn.

Cách giảm đau trong kỳ kinh nguyệt

Nhiều phụ nữ phải chịu đựng cơn đau bụng mỗi kỳ kinh, triệu chứng đau gây khó chịu và làm giảm chất lượng sống, thậm chí ảnh hưởng đến sức khoẻ tinh thần.

Chườm nước ấm giúp phụ nữ giảm đau trong kỳ kinh nguyệt. Ảnh: Tạo bởi AI.

Theo ThS.BS Lê Võ Minh Hương, Phòng Công tác Xã hội, Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM), kinh nguyệt là hiện tượng ra huyết âm đạo định kỳ hàng tháng ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Tuy nhiên, không ít người phải đối mặt với những cơn đau bụng dưới khi đến kỳ kinh, tình trạng này được gọi là thống kinh.

Cơn đau thường xuất hiện ở vùng bụng dưới ngay khi hành kinh, kéo dài từ 2-3 ngày, đôi khi lâu hơn. Mức độ đau có thể từ nhẹ như cảm giác trằn nặng đến dữ dội, thậm chí kéo dài suốt chu kỳ kinh, gây ra những cơn đau mạn tính dai dẳng.

Để giảm đau bụng kinh nhanh chóng, chị em có thể áp dụng một số biện pháp sau:

1. Sử dụng thuốc giảm đau không kê đơn

Thuốc giảm đau không kê đơn là lựa chọn phổ biến để kiểm soát cơn đau. Các loại thuốc thuộc nhóm NSAIDs như Ibuprofen hoặc Diclofenac có thể giúp giảm đau tạm thời. Nếu dự đoán được ngày hành kinh, bạn có thể dùng thuốc trước đó vài ngày để ngăn ngừa. Tuy nhiên, cần tuân thủ đúng liều lượng hướng dẫn, tránh lạm dụng để hạn chế tác dụng phụ.

2. Áp dụng nhiệt độ ấm

Chườm ấm là một phương pháp đơn giản nhưng hiệu quả. Bạn có thể dùng túi chườm hoặc chai nước ấm (khoảng 40°C) đặt lên vùng bụng dưới. Tắm nước ấm cũng giúp cơ thể thư giãn, giảm cảm giác khó chịu.

3. Massage nhẹ nhàng

Massage vùng bụng dưới, hai bên hông và thắt lưng có thể làm dịu cơn đau âm ỉ. Nên thực hiện vài ngày trước kỳ kinh và kết hợp với dầu massage để tăng hiệu quả.

4. Điều chỉnh chế độ ăn uống

Chế độ dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong việc giảm đau:

– Hạn chế: Thực phẩm gây viêm như tinh bột tinh chế, đường, muối, đồ ăn nhanh, chất béo bão hòa và các chất kích thích (rượu, caffeine).

– Tăng cường:

  • Chất xơ: Trái cây, rau củ, đậu và ngũ cốc.
  • Chất sắt: Rau lá xanh đậm, bông cải xanh, các loại hạt.
  • Omega-3: Cá hồi, cá mòi, quả óc chó, hạt chia, hạt lanh.
  • Chất chống oxy hóa: Cam, quả mọng, sô-cô-la đen, rau bina, củ cải đường.

5. Bổ sung dưỡng chất và vận động

  • Nghệ và Vitamin E: Uống nghệ hoặc bổ sung Vitamin E có thể hỗ trợ giảm viêm và đau.
  • Tập thể dục nhẹ: Các bài tập như Yoga, Pilates hoặc tư thế nằm nghiêng, kéo đầu gối vào ngực giúp giảm áp lực lưng và bụng.

Nếu các biện pháp trên không hiệu quả, cơn đau vẫn kéo dài hoặc trở nên nghiêm trọng, ThS.BS Lê Võ Minh Hương khuyến cáo chị em nên đến cơ sở y tế để được thăm khám và tư vấn kịp thời

5 sai lầm phổ biến khi dùng thuốc trị tiêu chảy cấp ở trẻ

Bệnh tiêu chảy cấp ở trẻ em không khó điều trị, chỉ cần điều trị đúng, sớm kết hợp với chăm sóc tốt sẽ giúp trẻ nhanh hồi phục.

Tiêu chảy cấp thường do virus hoặc vi khuẩn gây ra, ở thể nhẹ có thể điều trị và theo dõi tại nhà. Tuy nhiên, trên thực tế lâm sàng có không ít cha mẹ chưa hiểu rõ về biện pháp điều trị cũng như chăm sóc nên đã có những sai lầm khiến bệnh nặng hơn.

Một số sai lầm thường gặp khi điều trị tiêu chảy cấp

Cho con uống ít nước vì sợ trẻ đi ngoài nhiều hơn

Nhiều cha mẹ cho rằng trẻ mắc tiêu chảy nên uống ít nước, có thể giúp giảm thiểu số lần bé đi ngoài. Tuy nhiên, đây là một quan niệm sai lầm, thậm chí có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của trẻ, bởi nước không làm cho tình trạng tiêu chảy cấp trở nên nặng hơn.

Nguyên nhân đi ngoài là ruột bị kích thích và tăng dịch ruột chứ không liên quan đến việc bổ sung nước. Khi đi ngoài liên tục, cơ thể sẽ bị mất nước sẽ dẫn đến thiếu nước, mất điện giải… dễ gây biến chứng nghiêm trọng nhất.

Benh tieu chay cap anh 1
Trẻ bị tiêu chảy cấp thường có các triệu chứng rầm rộ.

Mất nước ở giai đoạn nhẹ, có thể chỉ cần bù nước và điện giải thì cơ thể đã hồi phục, nhưng ở giai đoạn nặng thì cực kỳ nguy hiểm, có thể đe dọa đến tính mạng. Do đó, việc cho trẻ uống đủ nước, tốt nhất là cho uống oresol để bổ sung nước và điện giải cho trẻ. Trường hợp trẻ tiêu chảy kèm theo nôn hoặc trẻ không hợp tác uống oresol, cần đưa trẻ đến trung tâm y tế có chuyên khoa nhi để được truyền dịch.

Cho trẻ uống các thuốc cầm tiêu chảy

Khi thấy trẻ bị đi ngoài ra phân lỏng nhiều lần, người sọp đi nhanh nên không ít bố mẹ, ông bà lo lắng đã tự ý mua thuốc cầm tiêu chảy. Đây là sai lầm nghiêm trọng mà mọi người trong gia đình cần tránh.

Việc đi tiêu nhiều cũng là cách để cơ thể đẩy chất độc, virus, vi khuẩn ra khỏi cơ thể. Hầu hết thuốc cầm tiêu chảy hiện nay đều có tác động làm giảm nhu động ruột, từ đó phân không được đẩy ra ngoài và hạn chế sự tự đào thải của cơ thể (nghĩa là thực chất trẻ vẫn bị tiêu chảy nhưng lại không thải phân ra ngoài). Phân dồn ứ lại trong ruột sẽ khiến trẻ bị bệnh nặng hơn, đau bụng, viêm ruột, tắc ruột… thậm chí có thể nguy hiểm tính mạng.

Vì thế trong trường hợp này, hoàn toàn không cần cho trẻ uống thuốc cầm tiêu chảy, kể cả các loại lá như: Búp ổi non, nước sắc vỏ măng cụt…

Cho trẻ uống thuốc chống nôn

Nhiều trẻ bị tiêu chảy cấp có kèm triệu chứng buồn nôn và nôn, không ít người đã tự ý cho con uống thuốc chống nôn domperidone hoặc metoclopramide. Đây là hai thuốc có thể giúp trẻ ngừng nôn nhanh chóng, nhưng thuốc có chỉ định cụ thể chứ không tùy ý sử dụng.

Thuốc chống nôn có thể gây ra những tác dụng phụ, tùy thuộc vào loại thuốc và cơ địa của mỗi trẻ như: Buồn ngủ hoặc mệt mỏi, trẻ có thể trở nên ít hoạt động và ngủ nhiều hơn, rối loạn tiêu hóa, thay đổi tâm trạng, tác động đến hệ thần kinh… Do đó chỉ cho trẻ dùng thuốc chống nôn khi có chỉ định từ bác sĩ.

Dùng kháng sinh

Nhiều cha mẹ vẫn còn suy nghĩ hễ ốm là cần phải uống kháng sinh. Khi thấy trẻ bị tiêu chảy thì mua kháng sinh về cho con uống, đây cũng là một sai lầm thường gặp. Thực tế, kháng sinh vẫn được bác sĩ kê đơn, nhưng chỉ khi trẻ bị tiêu chảy cấp do nhiễm vi khuẩn, còn với tiêu chảy cấp do các nguyên nhân khác thì kháng sinh đều không có tác dụng. Nếu tự ý cho trẻ uống thuốc còn khiến trẻ gặp phải tác dụng phụ, trong đó có rối loạn tiêu hóa khiến tình trạng tiêu chảy nghiêm trọng hơn và tăng nguy cơ kháng kháng sinh…

Bổ sung men tiêu hóa

Khi trẻ bị tiêu chảy, nhiều cha mẹ sẽ bổ sung ngay men tiêu hóa cho con, nhưng đây là một sai lầm, bởi men tiêu hóa không có tác dụng điều trị bệnh tiêu chảy mà chỉ được bác sĩ chỉ định khi mắc một số bệnh lý đặc biệt.

Trường hợp trẻ bị tiêu chảy, có thể bổ sung men vi sinh, bởi lúc này các lợi khuẩn đường ruột của trẻ bị suy giảm nên bổ sung men vi sinh sẽ có tác dụng tăng tỷ lệ lợi khuẩn, giúp cân bằng hệ vi sinh đường ruột, nâng cao sức đề kháng, giúp trẻ tiêu hóa khỏe và hấp thụ thức ăn tốt hơn.

Benh tieu chay cap anh 2
Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể cho trẻ sử dụng men vi sinh để cân bằng hệ vi sinh đường ruột.

Tuy nhiên, nên tham khảo ý kiến bác sĩ để được hướng dẫn sử dụng đúng loại cũng như liều lượng. Để sử dụng men vi sinh hiệu quả, cần lưu ý:

– Ưu tiên sử dụng những chế phẩm men chứa đa dạng chủng lợi khuẩn.

– Đọc kỹ bao bì sản phẩm để biết được những chủng lợi khuẩn và hàm lượng có trong sản phẩm. Hàm lượng của mỗi gói men vi sinh phải từ 107 – 1010 CFU mới đạt hiệu quả tốt.

– Pha men vi sinh với nước ấm không quá 40 độ, không pha với nước sôi, cháo hoặc sữa nóng. Nhiệt độ cao như vậy sẽ làm các lợi khuẩn chết và men vi sinh không còn tác dụng. Sau khi pha thì uống ngay, không để quá lâu ngoài môi trường vì sẽ mất tác dụng.

– Trường hợp có dùng kháng sinh thì uống men vi sinh sau khi uống kháng sinh 2 tiếng.

– Khi sử dụng men vi sinh phải dùng đúng và đủ thì mới có hiệu quả, nếu không sẽ chỉ tốn thời gian, công sức vô ích mà trẻ vẫn còi biếng ăn.

– Việc sử dụng men vi sinh loại nào, số lượng và liều lượng an toàn cho trẻ phải do các bác sĩ chỉ định và theo dõi sau khi thăm khám cụ thể, tuyệt đối ba mẹ không nên tự ý mua men vi sinh về dùng cho trẻ khi con chưa được thăm khám.

Biện pháp phòng ngừa biến chứng khi trẻ bị tiêu chảy cấp

Tiêu chảy cấp nếu không được bù đủ nước kịp thời sẽ gây mất nước, điện giải làm trẻ suy kiệt, gây trụy mạch, suy thận cấp… có thể dẫn đến tử vong. Do đó, để trẻ được điều trị đúng và ngăn ngừa các biến chứng, ngay khi thấy trẻ bị tiêu chảy cấp, cần cho trẻ uống nhiều nước, ăn nhiều trái cây, uống dung dịch oresol để bù nước.

Người chăm sóc trẻ phải theo dõi sát sao số lần cũng như lượng phân, tình trạng phân mỗi lần trẻ đi ngoài. Cần quan sát sắc thái của trẻ, nếu thấy trẻ bỏ ăn, môi khô, sốt cao, nôn, mặt tái nhợt, mệt lả… thì cần đưa trẻ đến ngay bệnh viện để được điều trị ngay. Bởi tình trạng mất nước và điện giải nặng có thể khiến trẻ rơi vào tình trạng nguy kịch nhanh chóng.

Không cho trẻ ăn kiêng quá mức vì sẽ khiến trẻ bị suy dinh dưỡng, thậm chí có nhiều trẻ mất rất nhiều thời gian để hồi phục; nên cho trẻ ăn đầy đủ dinh dưỡng với cách chế biến mềm, dễ tiêu như cháo gà, cà rốt, khoai tây…; có thể chế biến các món khác nhau làm sao để kích thích vị giác cho trẻ; vẫn cho trẻ uống sữa đầy đủ, thậm chí còn cần phải tăng cường sữa, chia làm nhiều bữa nhỏ…

Nguyên tắc cần nhớ cho mẹ bầu mắc COPD

Việc kiểm soát bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính trong thai kỳ đòi hỏi cẩn thận và kỹ lưỡng để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và bé.

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là tình trạng sức khỏe gây khó thở và suy giảm chức năng phổi. Kiểm soát COPD vốn không dễ, đặc biệt với phụ nữ mang thai càng phức tạp hơn. Khi bụng to dần, cơ hoành bị đè ép, dung tích phổi giảm, khiến triệu chứng COPD trầm trọng hơn.

TS Preethika Shetty, bác sĩ sản phụ khoa tại Bệnh viện Motherhood ở Kharadi (Ấn Độ), chia sẻ với Hindustan Times rằng thay đổi hormone trong thai kỳ có thể ảnh hưởng đường thở, gây viêm và làm việc thở thêm khó khăn.

Nỗi lo không đủ oxy cho bản thân và thai nhi dễ khiến bà bầu căng thẳng, lo lắng nhiều hơn. Ngoài ra, áp lực từ COPD còn tăng nguy cơ biến chứng như sinh non hoặc trẻ nhẹ cân. TS Shetty nhấn mạnh phụ nữ mang thai mắc COPD cần phối hợp chặt chẽ với bác sĩ để xây dựng kế hoạch chăm sóc toàn diện, đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và bé.

Chuyên gia này cũng liệt kê những điều cần lưu ý để kiểm soát COPD trong thai kỳ:

Quản lý thuốc

Phụ nữ mang thai mắc COPD cần duy trì việc dùng thuốc theo đơn, bởi tự ý ngừng hoặc thay đổi thuốc mà không có chỉ dẫn từ bác sĩ có thể gây nguy hiểm cho cả mẹ và bé. Trong thai kỳ, một số loại thuốc cần được điều chỉnh hoặc thay thế để đảm bảo an toàn cho thai nhi. Vì vậy, bà bầu mắc COPD nên phối hợp chặt chẽ với bác sĩ điều trị để theo dõi và quản lý bệnh hiệu quả.

Không hút thuốc lá

Ngoài việc quản lý thuốc, việc thay đổi lối sống cũng đóng vai trò quan trọng trong việc quản lý COPD trong thời kỳ mang thai. Bỏ thuốc lá là điều cần thiết cho cả bà mẹ tương lai và em bé. Tránh tiếp xúc với khói thuốc lá và các chất kích thích trong không khí khác cũng quan trọng không kém trong việc giảm thiểu các triệu chứng và duy trì chức năng phổi tốt.

Tập thể dục thường xuyên

Thực hiện các bài tập thể dục thường xuyên phù hợp với khả năng của từng người có thể giúp cải thiện sức khỏe tim mạch và dung tích phổi, do đó hỗ trợ kiểm soát các triệu chứng liên quan đến COPD. Hãy thử thực hiện các bài tập thở sâu và các kỹ thuật thư giãn như yoga và thiền. Các bài tập nhẹ nhàng như đi bộ hoặc yoga có thể cải thiện khả năng thở trong khi vẫn giúp bạn năng động.

Chế độ dinh dưỡng lành mạnh

Duy trì lối sống lành mạnh thông qua dinh dưỡng và tập thể dục càng quan trọng hơn với phụ nữ mang thai mắc COPD. Chế độ ăn uống cân bằng bao gồm trái cây và rau tươi có thể giúp tăng cường chức năng miễn dịch và cung cấp các vitamin thiết yếu cho cả bạn và em bé.

Kiểm soát căng thẳng

Trong suốt hành trình này, điều quan trọng là không được đánh giá thấp sức mạnh của sự hỗ trợ về mặt cảm xúc. Căng thẳng và lo lắng có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng hô hấp, tạo ra một chu kỳ khó có thể phá vỡ. Hãy tìm kiếm các nhóm tư vấn hoặc hỗ trợ dành riêng cho phụ nữ mang thai mắc COPD. Các bài tập chánh niệm, chẳng hạn thiền hoặc bài tập thở, có thể kiểm soát căng thẳng và cải thiện sức khỏe tổng thể.