4 thói quen ăn uống ngày Tết hại sức khỏe

Ăn nhiều thực phẩm béo, chua, cay, uống nhiều rượu bia, nước ngọt là những thói quen ăn uống ngày Tết hại sức khỏe, cần tránh.

Theo BS.CK2 Huỳnh Tấn Vũ, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM – Cơ sở 3, Tết là thời gian các gia đình sum vầy, thưởng thức những món ăn ngon và tận hưởng bầu không khí vui tươi. Tuy nhiên, đây cũng là lúc mọi người dễ gặp phải một số vấn đề sức khỏe do thói quen ăn uống không hợp lý, ảnh hưởng tiêu cực đến cơ thể.

Dưới đây là một số thói quen ăn uống cần lưu ý trong dịp Tết để tránh nguy cơ mắc bệnh và bảo vệ sức khỏe:

Ăn uống không lành mạnh

Thức ăn giàu chất béo, cay, chua: Các món chế biến từ thịt mỡ, dầu mỡ, hay thức ăn chiên xào có thể gây cảm giác ngán, cản trở tiêu hóa và làm tăng lượng cholesterol trong máu, dẫn đến nguy cơ bệnh tim mạch. Những người mắc bệnh trào ngược dạ dày hoặc viêm dạ dày cũng có thể gặp tình trạng tái phát do tiêu thụ thực phẩm nhiều chất béo, cay hoặc có tính axit.

Thực phẩm chứa nhiều đường và đồ uống có gas: Bánh mứt, kẹo và nước giải khát có ga thường chứa hàm lượng đường cao. Tiêu thụ quá nhiều có thể gây tăng đột ngột đường huyết sau ăn, làm gia tăng nguy cơ tiểu đường và béo phì. Đặc biệt, những thực phẩm này còn có hại cho răng miệng, nhất là ở trẻ em, dễ dẫn đến sâu răng và làm giảm cảm giác ngon miệng trong bữa chính.

Tiêu thụ thực phẩm mặn

Ăn quá nhiều muối và thực phẩm chế biến sẵn có thể làm tăng huyết áp, tăng nguy cơ bệnh tim mạch. Những người lớn tuổi hoặc mắc các bệnh liên quan như huyết áp cao, bệnh thận cần hạn chế muối trong chế độ ăn và duy trì lượng muối khoảng 5g/ngày.

Dưa bắp cải, dưa hành, dưa chua chứa men vi sinh, vi khuẩn có lợi, kích thích tiêu hóa, hỗ trợ hoạt động đường ruột và tăng cường hệ miễn dịch. Nếu ăn và muối dưa đúng cách sẽ không ảnh hưởng tới sức khỏe. Ăn dưa mới muối, dưa nhiễm độc tố hoặc tiêu thụ quá nhiều (hàm lượng muối và axit trong dưa chua rất lớn) có thể gây hại sức khỏe và nguy cơ ngộ độc. Người mắc bệnh dạ dày, bệnh thận, cao huyết áp, phụ nữ mang thai không nên ăn quá nhiều. Ngoài ra, dưa chua thường có vị chua cay nồng, nếu sử dụng nhiều có thể gây hôi miệng và gây mùi cơ thể.

Thực phẩm đã qua chế biến như xúc xích, lạp xưởng, chả lụa, thịt xông khói… thường chứa nhiều muối nitrat và nitrit, nhiều chất bảo quản và phụ gia không lành mạnh, ảnh hưởng đến sức khỏe và hệ tiêu hóa. Tuy rằng những chất này được phép sử dụng trong thực phẩm nhưng nếu tiêu thụ nhiều, tích lũy một lượng lớn có thể tăng nguy cơ mắc những căn bệnh nguy hiểm như ung thư đại tràng, suy giảm miễn dịch. Đồng thời chất béo trong loại thực phẩm này cũng gây thừa cân, gia tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

Mâm cỗ Tết miền Tây với nhiều món như: Thịt kho hột vịt, canh khổ qua, tôm kho tàu, lạp xưởng, củ kiệu, dưa giá. Ảnh: Bùi Thuỷ

Mâm cỗ Tết miền Tây với nhiều món như: Thịt kho hột vịt, canh khổ qua, tôm kho tàu, lạp xưởng, củ kiệu, dưa giá. Ảnh: Bùi Thuỷ

Thiếu hụt rau xanh và chất xơ

Rau xanh cung cấp vitamin, khoáng chất và chất xơ cần thiết cho cơ thể. Việc thiếu rau trong bữa ăn dễ khiến cơ thể thiếu dưỡng chất, ảnh hưởng đến tiêu hóa và tăng nguy cơ táo bón.

Lạm dụng đồ uống có cồn và caffein

Việc uống rượu bia hay nước ngọt có chứa caffein trong dịp Tết là phần không thể thiếu, nhưng cần hạn chế để tránh gây tổn hại cho gan và cơ thể.

Thói quen này còn khiến cơ thể luôn có cảm giác no bụng, không muốn uống thêm nước, có thể dẫn đến mất nước. Không uống đủ nước khiến cơ thể dễ cảm thấy mệt mỏi, thiếu nước, đau đầu, chóng mặt, quá trình trao đổi chất diễn ra chậm hơn và có thể ảnh hưởng đến hoạt động của hệ tim mạch, thận, gan… Vì vậy, duy trì uống khoảng 2 lít nước mỗi ngày để chăm sóc tốt cho sức khỏe trong những ngày Tết.

‘Kẻ thù’ của người bệnh tiểu đường trong ngày Tết

Ăn nhiều tinh bột, bánh kẹo, uống rượu, không theo dõi đường huyết… là những vấn đề sẽ gây ra biến chứng với người bệnh tiểu đường trong dịp Tết Nguyên đán.

Người bệnh tiểu đường cần tránh ăn hoặc hạn chế nạp các thực phẩm gây tăng đường huyết và có hại cho sức khỏe. Ảnh: Vietnam Online.

Tiến sĩ, bác sĩ Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, cho biết nguyên tắc cơ bản trong chế độ ăn của người bệnh tiều đường là hạn chế chất bột đường (hay glucid) để tránh tăng chỉ số đường huyết. Tuy nhiên, trên mâm cơm ngày Tết, chất bột đường lại xuất hiện trong hầu hết món ăn.

Vì vậy, người bệnh tiểu đường cần tránh ăn hoặc hạn chế nạp các thực phẩm gây tăng đường huyết và có hại cho sức khỏe như:

  • Thực phẩm chứa nhiều tinh bột tinh chế như cơm tẻ, bánh chưng, xôi…
  • Thực phẩm nhiều đường bổ sung: bánh ngọt, kẹo ngọt, trái cây sấy khô, mứt trái cây, nước ngọt có gas, nước trái cây đóng chai.
  • Thực phẩm nhiều chất béo chuyển hóa, chất béo bão hòa như da gà, thịt mỡ, các món xào rán nhiều dầu mỡ, nội tạng động vật.
  • Thực phẩm chế biến sẵn chứa nhiều muối: thịt hun khói, thịt muối, dưa hành muối…
  • Đồ uống có cồn như rượu, bia

Để tránh nguy cơ tăng đường huyết, bảo vệ sức khỏe tốt hơn, bác sĩ Trương Hồng Sơn cũng nhấn mạnh người bệnh tiểu đường có thể kiểm soát đường huyết bằng cách tuân thủ theo những nguyên tắc sau:

– Hãy chia nhỏ khẩu phần ăn: Bạn chỉ lấy mỗi món một phần nhỏ. Người bệnh tăng đường huyết sẽ duy trì được tổng lượng thực phẩm nạp vào mỗi bữa ăn không quá nhiều.

 Ăn uống vào thời gian cố định như ngày thường: Trong ngày Tết, người dân thường phải tiếp khách và thời gian các bữa sẽ không cố định. Tuy nhiên, người bệnh tăng đường huyết cần cố gắng không ăn uống vào những giờ khác, chỉ ăn vào các bữa chính, trong thời gian cố định như ngày thường.

 Ăn chậm rãi: Việc ăn chậm sẽ khiến nước bọt tiết ra nhiều enzyme giúp việc tiêu hóa thức ăn tốt hơn, đồng thời chỉ số đường huyết không tăng quá nhanh.

– Chế biến món ăn phù hợp: Người bệnh tiểu đường nên ăn các món luộc, hấp, nướng, hạn chế món xào rán nhiều dầu mỡ. Hạn chế thêm muối và đường khi chế biến món ăn.

 Lựa chọn thực phẩm phù hợp: Người bệnh nên chọn ngũ cốc nguyên cám thay cho các loại tinh bột tinh chế như cơm tẻ, xôi, bánh chưng. Hãy lựa chọn thịt nạc thay cho thịt mỡ, tăng lượng rau xanh trong bữa ăn. Chất xơ trong ngũ cốc nguyên cám và rau xanh giúp người bệnh no lâu và ít tăng chỉ số đường huyết.

– Tập thể dục đều đặn: Tập thể dục đều đặn và phù hợp sẽ giúp cơ thể tăng trao đổi chất, cải thiện đáp ứng với insulin của cơ thể, kiểm soát lượng đường trong máu. Do đó, người bệnh vào ngày Tết vẫn nên duy trì tập thể dục hàng ngày.

– Kiểm tra đường huyết thường xuyên: Đo chỉ số đường huyết 2 lần mỗi ngày vào trước các bữa ăn sáng và tối để kịp thời phát hiện và điều chỉnh dấu hiệu tăng đường huyết.

4 dấu hiệu sớm của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

Nếu bạn bị ho kéo dài vài tuần, đờm vàng hoặc xanh, hụt hơi hay sụt cân không rõ nguyên nhân, hãy đi khám sớm vì đó có thể là dấu hiệu cảnh báo sớm bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

Phụ nữ có nguy cơ mắc COPD cao hơn nam giới vì dễ bị tổn thương phổi do khói thuốc lá và các chất ô nhiễm khác. Ảnh: Everyhealth.

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là bệnh mạn tính của phổi gây viêm đường hô hấp trong phổi. Căn bệnh này dẫn đến giảm lưu lượng không khí vào – ra khỏi phổi và việc loại bỏ carbon dioxide khỏi cơ thể trở nên khó khăn.

Ho kéo dài, tiết nhiều chất nhầy, khó thở, mệt mỏi, sụt cân không rõ nguyên nhân là một số triệu chứng của COPD. Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính chưa thể chữa khỏi, người mắc bệnh sẽ thấy các triệu chứng xấu đi theo thời gian nếu không được điều trị kịp thời.

Phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nam giới vì họ dễ bị tổn thương phổi do khói thuốc lá, các chất ô nhiễm khác. Phổi của họ cũng nhỏ hơn. Estrogen cũng có thể đóng vai trò khiến bệnh phổi nặng hơn.

Chia sẻ với Hindustan Times, TS Jeenam Shah, bác sĩ tư vấn về lồng ngực & phổi can thiệp tại Bệnh viện Bhatia Mumbai (Ấn Độ), nhận định điều quan trọng là không được bỏ qua các dấu hiệu cảnh báo sớm của COPD để điều trị hiệu quả.

Ho kéo dài

Viêm phế quản mạn tính, một tình trạng góp phần gây ra COPD, là tình trạng viêm niêm mạc ống phế quản. Những ống này mang không khí đến và đi từ phổi. Khi niêm mạc của chúng bị viêm sẽ gây ra hiện tượng “ho của người hút thuốc” và chất nhầy.

Nói cách khác, nếu bạn ho liên tục hoặc thở khò khè trong vài tuần (hơn 4-8 tuần) mà không rõ nguyên nhân, hãy nói chuyện với bác sĩ.

Đờm vàng hoặc xanh

Dấu hiệu thứ hai là tiết ra nhiều chất nhầy, hay đờm. Nếu đờm có màu vàng hoặc xanh, có thể phổi đang bị nhiễm trùng và tiến triển thành COPD.

Hụt hơi

Khó thở, hụt hơi có thể là một trong những dấu hiệu đầu tiên của COPD. Sau khi đi bộ nhiều giờ hoặc leo núi, nếu bạn bắt đầu nhận thấy mình cảm thấy rất mệt mỏi và hụt hơi suốt cả ngày, đây là dấu hiệu ban đầu cho thấy phổi đang yếu đi.

Bạn có thể cảm thấy khó thở và tức ngực. Tình trạng này khiến việc hít một hơi thật sâu cũng không còn dễ dàng với bạn như trước nữa.

Sụt cân không rõ nguyên nhân

Triệu chứng thứ tư là sụt cân khó giải thích. Nhiều lúc vì khó thở mà bạn bắt đầu sụt cân và khi điều này không phải do chủ ý, đây là những dấu hiệu ban đầu của bệnh COPD.

6 dấu hiệu cho thấy chỉ số đường huyết đang biến động, cần chú ý để bảo vệ sức khỏe

Chỉ số đường huyết biến động thường xuyên mà không được giải quyết kịp thời chính là nguyên nhân gây ra bệnh tiểu đường loại 2. Nếu mọi người không muốn mắc bệnh, cần nhanh chóng cân bằng lại chỉ số đường huyết ngay khi thấy mình đang mắc phải 6 dấu hiệu sau đây.

Chỉ số đường huyết sẽ giúp ta nhận biết lượng đường trong máu có đang ổn định hay không, đang tăng hay giảm nhằm đánh giá tình trạng sức khoẻ. Theo các y bác sĩ, chỉ số đường huyết được cho là ổn định nếu ở mức: nhỏ hơn 140 mg/dL (7,8 mmol/l) trong trạng thái bình thường hoặc sau bữa ăn; nhỏ hơn 100 mg/dL (< 5,6 mmol/l) khi đói; cùng với đó là lượng Hemoglobin A1c (HbA1c – chỉ số giúp chẩn đoán đái tháo đường) nhỏ hơn 42 mmol/mol (5,7%).

Nếu lượng đường trong máu biến động và cho ra kết quả cao hơn so với mức chuẩn thì đó là dấu hiệu của đường huyết tăng cao. Khi hiện tượng này kéo dài sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2- một tình trạng mãn tính, có nghĩa là nó kéo dài liên tục.

6 dau hieu cho thay chi so duong huyet dang bien dong, can chu y de bao ve suc khoe

Bệnh tiểu đường loại 2 có thể dẫn đến các biến chứng đe dọa tính mạng, chẳng hạn như: tim mạch, bệnh mắt do tiểu đường, bệnh thận, tổn thương thần kinh, tổn thương thính giác, tăng nguy cơ đột quỵ và bệnh Alzheimer (Ảnh: Internet)

Theo các y bác sĩ, chỉ số đường huyết biến động sẽ cho ra một số dấu hiệu để cảnh báo, điển hình nhất là 6 triệu chứng sau đây. Nếu phát hiện mình có bất kỳ dấu hiệu nào, hãy đi khám bác sĩ để được chẩn đoán chính xác nhất.

1. Đi tiểu nhiều lần

Triệu chứng tiểu đêm, đi tiểu nhiều lần cũng được xem là một dấu hiệu phổ biến nhằm cảnh báo bệnh tiểu đường đang âm thầm xảy ra. Cụ thể, khi lượng đường trong máu tăng cao, cơ quan thận buộc phải hoạt động liên tục dưới áp lực lớn hơn để xử lý, và đảo thải lượng đường trong máu bị tích tụ thông qua nước tiểu. Đó là lý do khiến người bị bệnh tiểu đường sẽ cảm thấy mắc vệ sinh liên tục.

6 dau hieu cho thay chi so duong huyet dang bien dong, can chu y de bao ve suc khoe

Đôi khi chúng ta sẽ nghĩ rằng bản thân đi tiểu thường xuyên hơn là do uống nhiều nước, nhưng hãy cảnh giác nếu tình trạng tiểu đêm diễn ra liên tục kể cả khi bạn không uống nước trước khi đi ngủ nhé (Ảnh: Internet)

2. Khát nước liên tục

Điều này sẽ có sự liên quan với tình trạng đi tiểu nhiều hơn vừa được nói ở trên. Theo đó, khi lượng glucose được đào thải thông qua nước tiểu khiến chúng ta phải đi vệ sinh nhiều lần, tình trạng mất nước cũng sẽ xảy ra. Khi này, để đảm bảo các hoạt động của cơ thể vẫn được duy trì, não bộ sẽ ra tín hiệu bằng dấu hiệu khát nước, để chúng ta ngay lập tức bù nước cho cơ thể ngay lập tức.

Ngoài ra, một lý do khác đó là khi lượng đường trong máu tăng cao, cơ thể ta cũng sẽ tự động tách phần nước có trong các tế bào rồi bơm trực tiếp vào máu để pha loãng lượng đường bị dư. Các tế bào lúc này thiếu nước sẽ kích thích não gây nên cảm giác khát nước không ngừng nghỉ.

3. Thị lực kém dần

Khi lượng đường trong máu cao, thị lực sẽ bị giảm dần. Đó là do rất nhiều cơ quan trong cơ thể thẩm thấu glucose. Khi đường máu tăng cao, nó được vận chuyển tới tròng mắt, làm thay đổi khúc xạ của tròng mắt, khiến mắt không thể tập trung tốt. Nếu không có biện pháp khắc phục hoặc để tình trạng đường huyết tăng cao trong thời gian dài, thì những mạch máu nhỏ trong mắt dễ bị nghẽn và bị bể trong lòng mắt dẫn đến mù lòa.

4. Cảm giác thèm ăn thường xuyên nhưng không bị tăng cân

Khi tình trạng tiểu đường loại 2 của người bệnh không được kiểm soát tốt, bệnh nhân sẽ thường có cảm giác thèm ăn hoặc đói thường xuyên. Điều này được các chuyên gia giải thích rằng, đó là do đường huyết của người bệnh tăng cao nhưng lượng đường này vì thiếu insulin nên không thể hấp thụ vào tế bào, dẫn đến tế bào thiếu đường và tạo ra cảm giác thèm ăn.

Và ngay cả khi họ ăn, và thức ăn đã được chuyển hóa thành đường glucose, nhưng vì tế bào không thể hấp thụ đường nên vẫn bị thiếu năng lượng và gây đói.

6 dau hieu cho thay chi so duong huyet dang bien dong, can chu y de bao ve suc khoe

Các bác sĩ có giải thích thêm, dù có sự liên kết giữa bệnh béo phì và tiểu đường, tuy nhiên trên thực tế, những người không kiểm soát được đường huyết có thể không tăng cân được, ngay cả khi ăn nhiều. Thậm chí, có những trường hợp còn bị sụt cân (Ảnh: Internet)

5. Hơi thở có mùi trái cây hoặc axeton

Nếu bạn cảm giác hơi thở của mình có mùi giống trái cây hoặc axeton (một chất tẩy rửa sơn móng tay) thì hãy kiểm tra ngay tình trạng đường huyết của mình, vì rất có thể bạn đang bị tiểu đường. Nguyên nhân là vì cơ thể không thể sản xuất đủ hàm lượng insulin cần thiết, buộc cơ thể phải đốt cháy chất béo để lấy năng lượng và gây ra tình trạng nhiễm axit ceton. Tình trạng này có thể dẫn đến sự gia tăng chất ceton trong máu mà cơ thể không kịp đào thải gây ra sự tích tụ và tạo ra mùi này.

6 dau hieu cho thay chi so duong huyet dang bien dong, can chu y de bao ve suc khoe

Nếu tình trạng tiểu đường của bạn không được kiểm soát chặt chẽ cũng có thể gây ra các bệnh về nướu và bị khô miệng. Khi lượng đường trong máu không ổn định, cơ thể không đủ sức chống lại các vi khuẩn gây hại cho nướu dẫn đến viêm nhiễm tại nướu, tạo ra mùi trái cây đang bị thối rữa (Ảnh: Internet)

6. Lòng bàn tay ngứa ran

Lượng đường trong máu tăng cao có thể khiến khả năng bài tiết của tuyến mồ hôi bị cản trở, từ đó gây ra tình trạng khô da và nứt nẻ, điều này sẽ khiến người mắc bị ngứa ran lòng bàn tay hoặc các vùng trên cánh tay.

Lâu dần về sau, khi đề kháng và hệ miễn dịch của người bệnh trở nên yếu hơn do các biên chứng khác của bệnh gây ra thì tình trạng ngứa này sẽ càng thêm nghiêm trọng. Thậm chí còn bị nhiễm nấm mốc, gây viêm da và ngứa da.

Nhìn chung, biến động chỉ số đường huyết có thể mang đến nhiều biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe. Vì thế, mỗi người đều phải có ý thức bảo vệ chính mình, đồng thời luôn chú ý bất kỳ triệu chứng lạ nào xuất hiện trên cơ thể nhằm cảnh báo bệnh đang âm thầm khởi phát, từ đó có biện pháp kiểm soát kịp thời.

Dấu hiệu ‘thầm lặng’ cảnh báo trái tim bất ổn

Hôi miệng, khó thở khi nằm thẳng hay đau hông khi đi bộ có thể là những triệu chứng cảnh báo bạn đang gặp vấn đề về tim mạch.

Người có vấn đề tim mạch sẽ thường thấy khó thở khi nằm ngửa nhưng cải thiện khi ngồi dậy. Ảnh minh họa: Shutterstock.

Biết các dấu hiệu của bệnh tim có thể cứu một người khỏi đối mặt với tình trạng nghiêm trọng, thậm chí là tử vong. Dưới đây là một số dấu hiệu “âm thầm” cảnh báo căn bệnh này mà nhiều người thường bỏ qua.

Khó thở khi nằm thẳng

Theo AARP, nếu thấy khó thở khi nằm ngửa nhưng thường cải thiện khi ngồi dậy, bạn có thể bị tích tụ dịch trong phổi, dấu hiệu của suy tim. “Khi bạn nằm thẳng, thể tích máu sẽ được phân phối lại. Tim có thể gặp vấn đề khi bơm lượng máu bổ sung này, dẫn đến tình trạng khó thở tăng lên do lượng dịch trong phổi tăng lên”, TS Jim Liu, bác sĩ tim mạch tại Trung tâm Y tế Wexner thuộc Đại học Bang Ohio (Mỹ), cho biết.

Ngáy ngủ cũng có thể là một dấu hiệu cảnh báo. Rối loạn hô hấp khi ngủ, chẳng hạn ngưng thở khi ngủ, có liên quan đến hội chứng chuyển hóa, dẫn đến bệnh tim. Theo Hiệp hội Tim mạch Mỹ, 40-80% người ở Mỹ mắc bệnh tim cũng bị ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn. Ngưng thở khi ngủ có thể làm bệnh tim trầm trọng hơn và càng làm tình trạng này nặng hơn.

Hôi miệng

Hôi miệng là do vi khuẩn không được kiểm soát gây ra. Vi khuẩn có thể xâm nhập vào máu thông qua chảy máu hoặc nướu răng bị bệnh. Tình trạng này có thể gây viêm, tắc nghẽn động mạch, bệnh tim và đột quỵ.

Đau chân hoặc/và hông khi đi bộ

Đau phần thân dưới có thể là do chấn thương, viêm khớp hoặc đang bị ốm, nhưng cũng báo hiệu các vấn đề về tuần hoàn ở chân do bệnh động mạch ngoại biên. Nếu các động mạch lớn ở chân bị tắc nghẽn, động mạch nhỏ hơn ở tim cũng tương tự.

Đau liên quan đến tuần hoàn thường xảy ra khi bạn tập thể dục và kết thúc khi bạn dừng lại (sự tắc nghẽn hạn chế lượng oxy đến các cơ). Khi dừng đi bộ, bạn không cần nhiều oxy và cơn đau sẽ biến mất.

Dau hieu benh tim anh 1
Đau chân hoặc/và hông khi đi bộ có thể là triệu chứng cảnh báo tim đang có vấn đề. Ảnh minh họa: Intersana.

Mắt cá chân bị sưng

Khi tim không bơm máu hiệu quả, chất lỏng có thể làm sưng cả hai chân. Sưng cũng xảy ra khi tĩnh mạch ở chân không thể đưa chất lỏng trở lại tim. Trong các trường hợp liên quan đến suy tim, sưng thường xảy ra ở cả hai chân. Sưng ở một chân có thể là do cục máu đông hoặc nhiễm trùng.

Tiểu đêm

Thức dậy để đi tiểu không chỉ do uống quá nhiều nước trước khi đi ngủ. Tim không khỏe sẽ bơm ít máu hơn đến thận, có thể dẫn đến tích tụ chất lỏng và sưng mắt cá chân và chân. Khi đi ngủ, trọng lực sẽ dẫn lưu chất lỏng ở chân trở lại tim. Thận có nhiều chất lỏng hơn để lọc, làm tăng nhu cầu đi tiểu.

Đi tiểu đêm có thể tăng theo tuổi tác, đặc biệt là ở nam giới có tuyến tiền liệt to và phụ nữ có vấn đề về tiểu không tự chủ. Nhưng việc thức dậy nhiều hơn một lần mỗi đêm để đi tiểu là điều đáng lo ngại, đặc biệt là nếu kết hợp với mắt cá chân bị sưng.

Vấn đề về tình dục

Theo TS Michael Blaha, Giám đốc nghiên cứu lâm sàng tại Trung tâm Phòng ngừa Bệnh tim mạch Ciccarone thuộc Bệnh viện Johns Hopkins (Mỹ), bệnh tiểu đường hoặc căng thẳng mạn tính có thể gây ra rối loạn cương dương (ED) ở nam giới, nhưng đây cũng là dấu hiệu của bệnh tim đang tiến triển. Nguyên nhân là các mạch máu khó giãn nở và co bóp đúng cách, làm giảm lưu lượng máu đến tim và dương vật.

Các vấn đề về lưu lượng máu không chỉ giới hạn ở nam giới. Đối với phụ nữ, các dấu hiệu bệnh tim có thể bao gồm khô âm đạo và thiếu ham muốn tình dục. Rối loạn chức năng nội mô dẫn đến các mạch máu kém đàn hồi hơn, làm suy yếu lưu lượng máu đến các cơ quan sinh dục.

Dấu hiệu chứng tỏ bạn đang bị thoái hóa khớp

Người bị thoái hóa khớp nhưng không phát hiện sớm để điều trị rất dễ dẫn đến tình trạng biến dạng khớp, làm hạn chế vận động, cứng khớp.

Thoái hóa khớp là quá trình lão hóa mang tính quy luật của tổ chức sụn, các tế bào, tổ chức ở khớp và quanh khớp. Ảnh: Depositphotos.

Người cao tuổi thường mắc các bệnh lý về xương khớp, trong đó thoái hóa khớp là phổ biến nhất. Thoái hóa khớp là quá trình lão hóa tự nhiên của tổ chức sụn, các tế bào và mô quanh khớp. Bệnh có mối liên quan chặt chẽ với tuổi tác, tuổi càng cao, mức độ tổn thương do thoái hóa càng nghiêm trọng.

Thoái hóa khớp không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn làm giảm chất lượng cuộc sống của người cao tuổi. Nếu không được phát hiện và điều trị sớm, bệnh có thể dẫn đến biến dạng khớp, hạn chế vận động, thậm chí gây cứng khớp.

Nguyên nhân gây thoái hóa khớp

Quá trình lão hóa mang tính quy luật nên không thể nào đẩy lùi tình trạng thoái hóa của xương và chữa trị bệnh dứt điểm. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể giúp người lớn tuổi giảm bớt các cơn đau và duy trì chức năng vận động của khớp.

Trong cơ thể có rất nhiều khớp. Khớp chính là phần tiếp nối giữa 2 đầu xương trong cùng một cơ thể, có bao khớp bao bọc xung quanh, một lớp sụn mềm giữa 2 đầu xương và dịch nhầy (dịch khớp) rất trơn để cho khớp cử động dễ dàng.

Khi thoái hóa khớp, tổn thương cơ bản đầu tiên là sụn khớp, sau đó là xương dưới sụn, dây chằng, các cơ cạnh khớp và dịch khớp. Các khớp xương dễ bị thoái hóa nhất là khớp gối, khớp đốt sống cổ, khớp đốt sống thắt lưng, khớp háng, khớp cổ chân, bàn chân….

Nguyên nhân gây thoái hóa khớp đó là tuổi càng cao hiện tượng lão hóa các cơ quan càng mạnh, trong đó có khớp xương. Ngoài ra, các yếu tố thuận lợi khác như như di truyền, tình trạng béo phì, vi chấn thương xảy ra thường xuyên ở khớp.

thoai hoa khop anh 1
Tuổi càng cao hiện tượng lão hóa các cơ quan càng mạnh. Ảnh: Nowpatient.

Thoái hoá khớp còn có thể là hậu quả của các bệnh khớp như viêm khớp dạng thấp, nhiễm trùng khớp hoặc trong tiền sử có chấn thương mạnh tại khớp (bị ngã, tai nạn lao động, tai nạn thể thao…).

Các triệu chứng chính của bệnh

Đau tại khớp bị thoái hóa là triệu chứng khó chịu chính khiến bệnh nhân phải tìm đủ mọi cách để giảm đau. Đau khớp có tính chất cơ học, khi đi lại vận động cơn đau sẽ tăng, nghỉ ngơi giảm đau.

Trong thoái hoá khớp gối, bệnh nhân đau khi đi lại, đứng lên và ngồi xuống. Trong thoái hóa đốt sống thắt lưng, khi cúi xuống, đứng lên, quay ngang… bệnh nhân đều đau. Đôi khi, thần kinh bị chèn ép làm cho người bệnh đau dọc xuống dưới chân.

Ngoài ra, bệnh nhân khi ngủ dậy thấy các khớp của mình cứng, vận động khó, phải tập luyện gấp duỗi khớp mới vận động dễ dàng hơn. Cứng khớp buổi sáng là một triệu chứng hay gặp ở bệnh nhân thoái hoá khớp. Thời gian cứng khớp thường dưới 30 phút.

Bệnh nhân cũng có thể thấy lạo xạo khớp khi cử động, giai đoạn nặng có thể có biến dạng khớp, hạn chế vận động hoặc mất vận động khớp.

Khi đến thăm khám, bác sĩ thường cho chụp X-quang xương khớp để phát hiện các tổn thương thoái hóa khớp như hẹp khe khớp, gai xương ở rìa, đặc xương dưới sụn…

Các bác sĩ có thể chỉ định làm thêm xét nghiệm máu (huyết học, sinh hóa, miễn dịch) hoặc xét nghiệm dịch khớp, chụp cộng hưởng từ khớp, siêu âm khớp để giúp khẳng định chẩn đoán hoặc chẩn đoán phân biệt với các bệnh lý khác của khớp (viêm khớp dạng thấp, gout, viêm cột sống dính khớp, viêm khớp phản ứng, lao khớp).

Bác sĩ Luyện Trung Kiên 

Khoa Nội cán bộ A1, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108

Nguyên nhân lây nhiễm virus HPV và cách phòng ngừa

HPV là một loại virus gây u nhú ở người. Phòng ngừa virus HPV là việc rất quan trọng bởi nó có thể gây bệnh không chỉ đối với phụ nữ mà còn có thể tấn công và gây ra nhiều bệnh ở cả nam giới.

HPV là bệnh lây qua đường tình dục (Sexually transmitted infection – STI) phổ biến nhất. Ảnh: Shutterstock.

Sau khi nhiễm HPV cơ thể cần thời gian dài để thải loại virus. Trong trường hợp chưa được thải trừ hết ra khỏi cơ thể thì HPV sẽ tồn tại trong đường niêm mạc của tế bào sinh dục. Nếu cư trú trong cổ tử cung, virus có thể tồn tại và tăng sinh ở đó, làm thay đổi cấu trúc tế bào và có khả năng dẫn đến ung thư.

Mặt khác, dù đã nhiễm HPV thì trong cuộc đời việc quan hệ tình dục sẽ diễn ra rất nhiều lần sau đó. Tiêm phòng không có tác dụng cho những lần quan hệ trước đó, nhưng sẽ phòng bệnh cho những lần sau.

Do đó, không nên nghĩ rằng đã quan hệ tình dục và có nguy cơ nhiễm HPV rồi thì không cần tiêm ngừa nữa, bởi tiêm vaccine là để phòng những chủng khác mà chúng ta chưa mắc.

Các chủng loại virus HPV phổ biến gây bệnh ở người

HPV là bệnh lây qua đường tình dục (Sexually transmitted infection – STI) phổ biến nhất. Đây là loại siêu vi khác với HIV và HSV (bệnh mụn rộp). Gần như tất cả người có quan hệ tình dục đều bị bệnh này tại một thời điểm nào đó trong đời.

Có khoảng hơn 100 loại HPV khác nhau và có tới hơn 40 loại gây bệnh ở cơ quan sinh dục của con người. Một số loại có thể gây ra các bệnh như mụn sinh dục và ung thư. Nhưng có những loại vaccine có thể ngăn chặn các vấn đề về sức khỏe này.

Quan điểm virus HPV chỉ gây bệnh ung thư cổ tử cung ở phụ nữ là hoàn toàn sai. Virus HPV có thể tấn công bất kì ai khi cơ thể không tự chống lại. Chúng có thể gây ra mụn cóc ở bộ phận sinh dục và hậu môn (khoảng 90%), gây ung thư hậu môn cho cả nam và nữ. Ở nhóm nguy cơ cao (khoảng 70%) lại có thể gây ung thư cổ tử cung ở nữ giới.

HPV16 và HPV18 là 2 tuýp có khả năng nhiễm sâu vào cổ tử cung phụ nữ. Sau đó làm thay đổi mô tử cung và gây bệnh ung thư cổ tử cung. Ngoài ra HPV là một trong những tác nhân gây ra ung thư âm đạo, hậu môn, dương vật…

Loại ít độc hơn là HPV6 và HPV11, có thể gây ra bệnh sùi mào gà (mụn cóc sinh dục). Loại nhẹ có thể gây chứng mụn cóc ở tay là HPV2 và bàn chân là HPV1.

Virus HPV lây lan khi quan hệ tình dục qua đường miệng, âm đạo hoặc hậu môn với người bị nhiễm virus. Nó còn có thể bị lây lan ngay cả khi người bệnh không có dấu hiệu hay triệu chứng gì.

Bất cứ ai có quan hệ tình dục đều có thể bị HPV và cũng có thể bị những triệu chứng nhiều năm sau khi quan hệ tình dục với người bị nhiễm bệnh. Do đó rất khó để biết bạn bị nhiễm bệnh lần đầu vào lúc nào.

lay nhiem virus HPV anh 1
Virus HPV lây lan qua đường tình dục

Làm thế nào để biết mình có nhiễm virus HPV hay không?

Không có xét nghiệm nào xác định mức độ nhiễm HPV của người nhiễm, mà chỉ có xét nghiệm HPV tầm soát ung thư cổ tử cung. Xét nghiệm chỉ nên thực hiện ở nữ giới trên 30 tuổi. Phụ nữ có thể biết bệnh nếu có kết quả xét nghiệm Pap bất thường. Nhiều người chỉ biết khi có các triệu chứng nghiêm trọng xảy ra.

Tiêm vaccine phòng HPV để chủ động phòng ngừa

HPV có nhiều chủng và không có khả năng một người nhiễm hết tất cả các chủng này. Không có khuyến cáo tầm soát HPV trước khi tiêm vaccine phòng HPV. Do vậy, nếu một người đã nhiễm một chủng HPV thì vẫn nên tiêm ngừa những chủng còn lại.

Do đó, cách tốt nhất để phòng ngừa virus HPV là luôn sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục và tiêm vaccine phòng HPV. Thường xuyên vệ sinh sạch sẽ bộ phận sinh dục của mình. Điều này giúp giảm thiểu việc lây nhiễm HPV, đồng thời có được thiện cảm với người bạn tình của mình. Thêm nữa nên duy trì mối quan hệ một vợ một chồng từ hai phía. Nghĩa là chỉ quan hệ tình dục với người chỉ quan hệ tình dục với bạn.

Tuy nhiên, HPV có thể gây nhiễm trùng ở những chỗ bao cao su không che được. Vì vậy tiêm vaccine HPV là cách hiệu quả nhất để giảm nguy cơ bị nhiễm HPV.

Tóm lại: Virus HPV rất khó để kiểm soát bởi có nhiều con đường lây nhiễm HPV và thời gian ủ bệnh tương đối dài. Theo các chuyên gia thì nguyên nhân nhiễm HPV xảy ra khi virus xâm nhập vào cơ thể, khi da tiếp xúc với da, tiếp xúc qua vết thương hở hay từ mẹ qua con. Vì vậy, việc chủ động phòng ngừa là rất quan trọng.

Bộ Y tế thông tin mới nhất về bệnh do virus HMPV ở Trung Quốc

Bệnh do virus HMPV thường gia tăng vào giai đoạn đông xuân. Theo WHO, tính đến thời điểm hiện tại, chưa có tác nhân gây bệnh bất thường nào được báo cáo.

Virus gây viêm phổi ở người. Ảnh: Freepik.

Ngày 8/1, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã có những thông báo chính thức về virus gây viêm phổi trên người (HMPV) đang lưu hành tại Trung Quốc và nhiều quốc gia khác.

Theo WHO, tại nhiều quốc gia ở Bắc bán cầu, các bệnh lây truyền qua đường hô hấp cấp tính có xu hướng gia tăng vào thời điểm đông xuân. Nguyên nhân chủ yếu là do sự gia tăng hoạt động của các tác nhân gây bệnh hô hấp như virus cúm mùa, RSV, hMPV và mycoplasma pneumoniae.

Tỷ lệ mắc hội chứng cúm (ILI) hoặc nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính (ARI) ở một số quốc gia Bắc bán cầu đã tăng trong những tuần gần đây, vượt qua mức cơ sở mùa thông thường. Bệnh cúm mùa cũng ghi nhận sự gia tăng tại nhiều quốc gia ở châu Âu, Trung Mỹ, Caribbean, Tây Phi, Trung Phi và các nước châu Á, phản ánh xu hướng thời tiết đặc trưng của thời điểm này trong năm.

Liên quan đến tình hình bệnh viêm phổi do virus hMPV tại Trung Quốc, dữ liệu giám sát mới nhất (ngày 29/12/2024) từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc cho thấy có xu hướng gia tăng các ca nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do những tác nhân phổ biến như virus cúm mùa, RSV, hMPV…

Trong đó, virus cúm mùa ghi nhận số ca mắc cao nhất, đúng với diễn biến thường gặp vào thời điểm cuối năm. Không có báo cáo về bất kỳ tác nhân bất thường nào liên quan đến đợt gia tăng này. Các cơ quan y tế Trung Quốc cũng khẳng định hệ thống y tế không bị quá tải, tỷ lệ sử dụng bệnh viện hiện tại thấp hơn cùng kỳ năm ngoáiKhông có tuyên bố khẩn cấp hay biện pháp ứng phó đặc biệt nào được thực hiện.

virus HMPV anh 1
Theo WHO, sự gia tăng các ca nhiễm đường hô hấp cấp tính gần đây tại nhiều quốc gia Bắc bán cầu đã được dự báo trước và không có yếu tố bất thường. Ảnh minh họa: Pexels.

Ngoài ra, các cơ quan y tế đã đưa ra khuyến cáo và thông điệp cho người dân về cách phòng ngừa sự lây lan của các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, cũng như cách giảm thiểu tác động của các bệnh này trong mùa cao điểm.

WHO nhận định các đợt dịch đường hô hấp theo mùa thường xảy ra vào mùa đông tại khu vực có khí hậu ôn đới. Sự gia tăng các ca nhiễm đường hô hấp cấp tính gần đây tại nhiều quốc gia Bắc bán cầu đã được dự báo trước và không có yếu tố bất thường.

Để phòng ngừa virus HMPV và các bệnh đường hô hấp khác, người dân cần thực hiện các biện pháp cơ bản như:

  • Ở nhà khi có triệu chứng nhẹ, nghỉ ngơi để tránh lây lan.
  • Đối với nhóm nguy cơ cao hoặc triệu chứng nặng, cần đến cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị.
  • Cân nhắc đeo khẩu trang ở nơi đông người hoặc khu vực thông khí kém.
  • Che miệng khi ho hoặc hắt hơi bằng khăn giấy, rửa tay thường xuyên, và tiêm vắc xin theo khuyến cáo y tế.

WHO khuyến nghị các Quốc gia thành viên duy trì hệ thống giám sát các bệnh đường hô hấp, tùy theo điều kiện từng nước. Tổ chức cũng nhấn mạnh không cần áp đặt hạn chế giao thương hay đi lại liên quan đến xu hướng hiện tại của các bệnh này.

Trước tình hình dịch bệnh tại các quốc gia khác, Cục Y tế Dự phòng đã triển khai giám sát dựa trên hệ thống giám sát sự kiện. Đồng thời, cơ quan này phối hợp chặt chẽ với Tổ chức Y tế Thế giới, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ cùng các quốc gia khác để chia sẻ và cập nhật thông tin trong khuôn khổ thực hiện Điều lệ Y tế Quốc tế.

Virus gây viêm phổi trên người (HMPV) ở người là tác nhân gây bệnh lây truyền qua đường hô hấp qua giọt bắn khi bị ho, hắt hơi, sổ mũi trong quá trình tiếp xúc, nói chuyện.

Nguồn : Znews.vn

Viêm họng và biến chứng thấp tim là mối nguy hiểm thường bị bỏ qua

Trong cuộc sống hàng ngày, viêm họng thường được xem là một bệnh lý đơn giản và dễ điều trị. Tuy nhiên, thực tế đã chứng minh rằng nếu không được điều trị đúng cách và kịp thời, viêm họng có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng, thậm chí đe dọa tính mạng người bệnh.

Đặc biệt, biến chứng thấp tim từ viêm họng đang là mối lo ngại lớn trong cộng đồng y tế, nhất là đối với trẻ em và người trẻ tuổi.

Câu chuyện đáng báo động về biến chứng thấp tim

Điển hình như trường hợp của bé N.T.H., 12 tuổi, sống tại Hà Nội, là một minh chứng rõ ràng cho sự nguy hiểm của việc chủ quan với bệnh viêm họng. Ban đầu, bé chỉ bị viêm họng do thay đổi thời tiết và được gia đình tự điều trị tại nhà.

Mặc dù các triệu chứng ho và sốt đã thuyên giảm, nhưng sau 3 tuần, bé bất ngờ xuất hiện các dấu hiệu bất thường: các khớp ở bàn chân và bàn tay sưng to, nóng đỏ và đau nhức. Tình trạng này tự khỏi, nhưng sau đó bé lại xuất hiện triệu chứng tức ngực và khó thở.

Viem hong va bien chung thap tim la moi nguy hiem thuong bi bo qua

Khi được đưa đi khám, các bác sĩ đã chẩn đoán bé mắc thấp khớp cấp và bị hở van tim nặng, buộc phải phẫu thuật thay van nhân tạo (Ảnh: Internet)

Nguyên nhân và cơ chế gây bệnh

Theo các chuyên gia y tế, viêm họng nếu không được điều trị sớm có thể dẫn đến nguy cơ mắc bệnh thấp tim và gây tử vong ở trẻ em. Hiện nay, thấp tim được xem là nguyên nhân chính gây bệnh tim mắc phải và tử vong ở trẻ em cũng như người trẻ tuổi tại Việt Nam.

Bác sĩ giải thích rằng bệnh thấp tim là một bệnh lý viêm tự miễn, xuất hiện sau khi người bệnh bị nhiễm khuẩn đường họng miệng do liên cầu khuẩn beta tan huyết nhóm A.

Viem hong va bien chung thap tim la moi nguy hiem thuong bi bo qua

Trong khoảng thời gian từ 2 đến 3 tuần sau khi nhiễm liên cầu vùng hầu họng, nếu không được điều trị đúng cách, bệnh nhân có thể tiến triển thành bệnh thấp tim (Ảnh: Internet)

Thống kê cho thấy, khoảng 30% các trường hợp viêm họng là do liên cầu khuẩn beta nhóm A, và 3% trong số những ca này không được điều trị triệt để nên tiến triển thành thấp tim. Đáng chú ý, loại liên cầu khuẩn này có thể tồn tại trong họng của người khỏe mạnh và trong điều kiện thuận lợi sẽ gây viêm họng, sau đó dẫn đến thấp tim ở một số người.

Cơ chế gây bệnh không phải do vi khuẩn trực tiếp tấn công tim mà thông qua hệ thống miễn dịch của cơ thể. Khi vi khuẩn xâm nhập, hệ miễn dịch sẽ kích hoạt và sản xuất các kháng thể. Tuy nhiên, do các mô ở tim, thận, khớp có tính kháng nguyên giống với vi khuẩn, nên kháng thể sẽ tấn công cả các mô này, gây ra tổn thương.

Dấu hiệu nhận biết và biến chứng nguy hiểm

Các biểu hiện của bệnh thường xuất hiện sau vài tuần viêm họng. Trẻ có thể bị viêm các khớp như khớp gối, cổ chân, khuỷu tay, cổ tay, và đôi khi là các khớp nhỏ ở bàn tay, bàn chân. Bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng như:

  • Biến chứng tim mạch: viêm cơ tim, dày dính van tim, tổn thương van tim, rối loạn nhịp tim, suy tim, và thậm chí là đột quỵ do tim mạch
  • Biến chứng thần kinh: múa giật, liệt, hôn mê
  • Các biến chứng khác: đau bụng, tiểu ra máu

Phòng ngừa và điều trị

Để phòng ngừa bệnh, có thể áp dụng một số biện pháp đơn giản nhưng hiệu quả:

  • Giữ ấm vùng cổ
  • Tránh uống nước lạnh để phòng viêm họng
  • Ngậm nước muối hai lần mỗi ngày (sáng sau khi thức dậy và tối trước khi đi ngủ)
  • Đi khám bác sĩ ngay khi có dấu hiệu viêm họng để được điều trị kịp thời

Ngoài ra, do viêm họng do liên cầu khuẩn có khả năng lây lan từ người này sang người khác, người bệnh cần được cách ly để tránh lây nhiễm. Đồng thời, bệnh nhân nên tránh tiếp xúc với môi trường ẩm thấp và thường xuyên theo dõi sức khỏe để phòng ngừa thấp tim tái phát.

Viêm họng tuy là bệnh thường gặp nhưng không nên chủ quan. Việc phát hiện sớm và điều trị đúng cách không chỉ giúp người bệnh nhanh chóng khỏi bệnh mà còn ngăn ngừa được những biến chứng nguy hiểm, đặc biệt là thấp tim.

Cha mẹ cần đặc biệt chú ý khi con em mình bị viêm họng, không nên tự ý điều trị tại nhà mà cần đưa trẻ đi khám bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị phù hợp, từ đó tránh được những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.

Bình Sơn

Theo Người đưa tin

Những yếu tố khiến mẹ bầu dễ mắc tiểu đường thai kỳ

Tiểu đường thai kỳ nếu không được kiểm soát có thể gây nguy hiểm cho người mẹ, tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh và các vấn đề khác cho thai nhi.

Phụ nữ từng mắc tiểu đường thai kỳ có nguy cơ tái phát trong lần mang thai tiếp theo. Ảnh minh họa: Hillwomenshealth.

Tiểu đường thai kỳ xảy ra khi cơ thể không thể sản xuất đủ insulin trong thời gian mang thai. Insulin là hormone do tuyến tụy tiết ra, đóng vai trò như một “chìa khóa” giúp chuyển đường từ máu vào các tế bào để cung cấp năng lượng.

Nếu không được kiểm soát tốt, tiểu đường thai kỳ có thể gây ra nhiều vấn đề cho cả mẹ và thai nhi. Đối với thai nhi, nguy cơ bao gồm dị tật bẩm sinh và các vấn đề phát triển khác. Về phía người mẹ, bệnh có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng trong và sau thai kỳ.

Dấu hiệu tiểu đường thai kỳ

Theo Health Shots, tiểu đường thai kỳ thường không có triệu chứng đáng chú ý, đó là lý do nó thường được phát hiện thông qua xét nghiệm glucose thường quy trong thai kỳ. Tuy nhiên, một số phụ nữ có thể gặp các triệu chứng sau nếu họ bị tiểu đường thai kỳ:

  • Khát nước quá mức
  • Đi tiểu thường xuyên
  • Mệt mỏi
  • Tầm nhìn mờ
  • Nhiễm trùng thường xuyên, đặc biệt là ở bàng quang, âm đạo và da.

Nếu thắc mắc và muốn kiểm tra lượng đường trong máu, hãy đảm bảo rằng bạn đạt được mục tiêu do Hiệp hội Đái tháo đường Mỹ khuyến nghị:

  • Trước khi ăn: 95 miligam/decilit hoặc mg/dL
  • 1 giờ sau khi ăn: 140 mg/dL
  • 2 giờ sau khi ăn: 120 mg/dL

Ai có nguy cơ mắc bệnh?

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), tiểu đường thai kỳ có thể xảy ra ở phụ nữ mang thai ngay cả khi họ chưa từng mắc bệnh này trước đó.

May mắn, tình trạng này thường có thể được kiểm soát hiệu quả thông qua việc duy trì chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục thường xuyên. Điều này không chỉ giúp kiểm soát lượng đường trong máu mà còn giảm nguy cơ biến chứng cho cả mẹ và bé trong thai kỳ.

Một số phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cao hơn khi mang thai, bao gồm:

  • Bị tiểu đường thai kỳ trong lần mang thai trước
  • Đã sinh em bé nặng hơn 4 kg
  • Đang thừa cân
  • Trên 35 tuổi
  • Có tiền sử gia đình mắc bệnh tiểu đường type 2
  • Bị rối loạn nội tiết tố gọi là hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS).

Trước khi mang thai, bạn có thể ngăn ngừa bệnh tiểu đường thai kỳ bằng cách thay đổi lối sống, bao gồm giảm cân nếu thừa cân, có chế độ ăn uống lành mạnh và hoạt động thể chất thường xuyên.

Đôi khi một phụ nữ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ cũng phải dùng insulin. Đối với hầu hết phụ nữ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ, bệnh này sẽ biến mất ngay sau khi sinh. Nhưng khi nó không khỏi, bệnh tiểu đường biến chứng thành tiểu đường type 2.

Ngay cả khi bệnh tiểu đường biến mất sau khi em bé được sinh ra, một nửa số phụ nữ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ sẽ phát triển thành bệnh tiểu đường type 2 sau đó. Khi người mẹ mắc tiểu đường thai kỳ, em bé có nhiều khả năng bị béo phì khi còn nhỏ hoặc thiếu niên và phát triển bệnh tiểu đường type 2 sau này trong cuộc đời.

Điều quan trọng đối với phụ nữ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ là tiếp tục tập thể dục và ăn uống lành mạnh sau khi mang thai để ngăn ngừa hoặc trì hoãn việc mắc bệnh tiểu đường type 2. Người mẹ cũng nên đi kiểm tra lượng đường trong máu từ 1 đến 3 năm một lần.