6 bệnh lý khiến trẻ nôn,ói
Trẻ bị nôn kèm theo triệu chứng khác như đau đầu, sốt có thể do ngộ độc thực phẩm, viêm ruột thừa…; cần được đưa đến bệnh viện thăm khám.
Trẻ bị nôn do virus gây ra chỉ kéo dài vài ngày và có thể điều trị, chăm sóc tại nhà. Bên cạnh đó, một số bệnh lý có thể khiến trẻ xuất hiện tình trạng nôn.
Viêm dạ dày ruột
Viêm dạ dày ruột là tình trạng viêm niêm mạc tại đường ruột, gây nôn, tiêu chảy, sốt và đau bụng. Thông thường trẻ mắc bệnh do virus hoặc vi khuẩn. Virus rota là một trong những nguyên nhân phổ biến gây bệnh ở trẻ nhỏ. Trẻ lớn hơn có nhiều khả năng bị viêm dạ dày ruột do norovirus.
Ngộ độc thực phẩm
Ngộ độc thực phẩm phổ biến ở trẻ nhỏ, triệu chứng bao gồm: buồn nôn, nôn, co giật hoặc khó thở. Các triệu chứng tuy tương tự viêm dạ dày ruột nhưng thường nghiêm trọng hơn, cần đảm bảo bù nước và thăm khám sớm, điều trị kịp thời.
Nhiễm trùng đường tiết niệu
Nôn có thể là dấu hiệu nhiễm trùng đường tiết niệu ở trẻ. Bên cạnh đó, trẻ cũng có các biểu hiện như sốt, mệt mỏi, cáu kỉnh, đau khi đi tiểu, tiểu ít hơn bình thường và nước tiểu có mùi hôi.
Viêm ruột thừa
Viêm ruột thừa gây đau xung quanh rốn, sau đó, di chuyển xuống phía dưới bên phải của bụng. Trẻ bị viêm ruột thừa có thể bị đau bụng dữ dội, chán ăn, nôn mửa, cảm thấy khó chịu khi ngồi thẳng hoặc đứng lên. Khi có các biểu hiện này, bé cần đến bệnh viện sớm, tránh để ruột thừa bị vỡ dẫn đến nhiễm trùng đe dọa tính mạng.
Viêm màng não
Viêm màng não là tình trạng nhiễm trùng, sưng màng bao phủ não và tủy sống, thường do nhiễm vi khuẩn hoặc virus. Bệnh gây ra các triệu chứng như nôn, sốt, nhức đầu, cứng cổ, sợ ánh sáng. Trẻ có thể bị phát ban da với các đốm nhỏ màu đỏ hoặc tím không chuyển sang màu trắng khi ấn vào.
Dị ứng thực phẩm
Dị ứng thực phẩm có thể xảy ra khi trẻ ăn một loại thực phẩm mới. Trong đó, trẻ 3-5 tuổi thường bị dị ứng sữa bò. Triệu chứng thường gặp là phát ban, nôn mửa và tiêu chảy, sưng môi, mặt, mắt và đau bụng xuất hiện từ vài phút đến 2 giờ sau khi uống sữa. Khi trẻ có các biểu hiện như khó thở, sưng cổ họng, thở khò khè…, cha mẹ cần đưa con đến bệnh viện.
Trẻ nôn nhiều sẽ gây ra tình trạng mất chất lỏng và không đủ chất điện giải (muối), giúp cơ thể hoạt động bình thường. Cha mẹ cần cho con uống nước chanh, nước ép trái cây không có bã sau khi ngừng nôn trong 30-60 phút. Điều này giúp dạ dày có thời gian nghỉ ngơi.
Với trẻ nhỏ, mẹ có thể cho con bú thường xuyên hơn khi nôn trớ. Mẹ không nên ép trẻ uống hoặc đánh thức cho uống nếu trẻ đang ngủ. Cha mẹ không cho con uống các loại sữa cho đến khi hết nôn trong 8 giờ.
Gia đình cần đưa trẻ nhập viện nếu nôn liên tục kèm theo dấu hiệu như: chất nôn có màu xanh sáng hoặc có máu, đốm sẫm màu trông giống bã cà phê, nước tiểu sẫm màu, không có nước mắt khi khóc, miệng khô hoặc dính, thở khó hoặc nhanh, đôi mắt trũng sâu, khó đánh thức khi ngủ, bị đau đầu cứng cổ đau họng.
Trường hợp sau khoảng 6-8 giờ trẻ uống chất lỏng trong suốt (nước lọc, nước điện giải…) và không còn nôn nữa, mẹ nên cho trẻ ăn thức ăn. Thực phẩm giàu tinh bột như ngũ cốc, bánh quy giòn hoặc bánh mì sẽ dễ tiêu hóa hơn. Đồ ăn nhiều đường, đồ chiên xào nhiều dầu mỡ, thức ăn màu đỏ cần hạn chế.